Từ chuyến đi của Tổng thống Donald Trump, nhìn lại chặng đường ngoạn mục của giao thương Mỹ - Việt
Sau 25 năm bình thường hoá quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 120 lần, đạt 60 tỷ USD trong năm 2018.
- 02-03-2019Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay
- 02-03-2019Chuyện tôm Việt muốn rộng đường vào Mỹ, châu Âu và mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu
- 28-02-2019Thương mại Việt-Mỹ: Từ 450 triệu đến hơn 60 tỷ USD
Bên cạnh mục đích chính, là đàm phán với Triều Tiên nhằm mục tiêu hướng đến hoà bình, phi hạt nhân hoá, chuyến công du đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem hợp tác thương mại và đầu tư là động lực cho quan hệ song phương, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thống nhất điều này.
Trong chuyến đi đến Việt Nam, nếu tính riêng về thương mại, phía Mỹ có thể cảm thấy hài lòng khi một loạt hợp đồng trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết.
Dưới sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump, hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD...
Những thương vụ này được cho là sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại và ảnh hưởng tích cực cho quan hệ ngoại giao hai nước.
Tổng thống Trump từng nói: "Việt Nam có đơn hàng lớn với Mỹ có giá trị hàng tỷ USD, và chúng tôi đánh giá cao điều này, vì nó đồng nghĩasẽ có việc làm cho người Mỹ và thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam".
Ngoài việc Việt Nam và Mỹ có những hợp đồng lớn hàng tỷ USD, thương mại hai nước cũng đã chứng kiến những thoả thuận rất cụ thể. Đơn cử như việc xoài Việt Nam được cấp "visa" đi Mỹ cách đây ít tuần.
Chính thức gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu xoài tươi sang Mỹ từ năm 2009 nhưng phải đến 10 năm sau, trái xoài Việt mới hoàn thành các thủ tục để được xuất khẩu. Xoài là trái cây thứ 6 của Việt Nam, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa được cấp visa Mỹ.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong tháng 1/2019 đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng tới 42,1%, tương đương con số tuyệt đối 1,527 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.
Con số này đang cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đã gấp tới 4,7 lần tốc độ bình quân chung cả nước.
Trong đó, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 34,1%. Các mặt hàng như giày dép, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, điện thoại… đều tăng mạnh.
Như vậy, sau 1/4 thế kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%.