Từ chuyện giữa VinaCapital với Ba Huân: Không phải cuộc hôn nhân nào giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp cũng trắc trở, Mekong Capital là ví dụ
Trên thực tế không thể phủ nhận nhờ sự tham gia, hỗ trợ của các quỹ này giúp không ít doanh nghiệp phát triển thần kỳ và trở thành tấm gương tiêu biểu trên thương trường.
- 06-08-2018Thực hư chuyện công ty Ba Huân kêu cứu Thủ tướng do lo ngại VinaCapital thâu tóm
- 02-03-2018VinaCapital chính thức sở hữu gần 34% của Ba Huân, định giá công ty ở mức 100 triệu USD
- 27-02-2018VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD vào trứng gà Ba Huân, định giá công ty gấp đôi Dabaco
Mới đây, bà Phạm Thị Huân, giám đốc CTCP Ba Huân vừa gửi văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan giúp đỡ bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình chấm dứt hợp tác với VinaCapital. Theo văn bản này, bà Phạm Thị Huân cho rằng thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân.
Dù chưa ngã ngũ nhưng sự việc ồn ào cũng khiến dư luận có cái nhìn bớt đi sựthiện cảm về mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các quỹ đầu tư tài chính. Tuy nhiên trên thực tế không thể phủ nhận nhờ sự tham gia, hỗ trợ của các quỹ này giúp không ít doanh nghiệp phát triển thần kỳ và trở thành tấm gương tiêu biểu trên thương trường như trường hợp của Mekong Capital khi đầu tư vào FPT, Thế giới di động, Masan hay Golden Gate.
Bệ đỡ tài chính
Lật lại lịch sử năm 1999, Ngân hàng thế giới công bố một chương trình có tên Mekong Private Sector Development Facility (MPDF) nhằm thành lập 1 quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực Mekong. Đến giữa năm 2000, ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hào hứng với dự án này. Thời điểm này, Chris Freund bắt đầu kết hợp giữa MPDF và ADB để cho ra đời một quỹ đầu tư tư nhân.
Năm 2001, Mekong Capital được thành lập tại Tp. Hồ Chí Minh với số vốn ban đầu 18,5 triệu USD. Đây là quỹ đầu tư đầu tiên tập trung vào thị trường Việt Nam sau khủng khoảng tài chính châu Á.
16 năm sau ngày thành lập, năm 2017, Mekong Capital nhận giải công ty của năm tại thị trường mới nổi do tạp chí Private Equity International trao do danh mục các công ty quỹ này đầu tư đạt bình quân lợi nhuận ròng ở mức 115%, theo Forbes.
Trong lịch sử 17 năm hoạt động, Mekong Capital có 33 khoản đầu tư tư nhân trong đó 24 dự án đã thoái vốn hoàn toàn. Mekong Capital hiện quản lý 4 quỹ với những thương vụ đầu tư nổi tiếng có thể kể đến như Wrap& Roll, ABAcooltrans, Mobileword (sau này là Thegioididong), Lộc Trời, PNJ, Vietnam Australia International School, Traphaco, ICP, AA, Masan, Golden Gate, FPT, Maison.
Bốn quỹ đầu tư của Mekong Capital được xem là bệ đỡ tài chính của các công ty được đầu tư khi có tổng số vốn 245 triệu USD và tập trung vào các công ty tư nhân có tiềm lực ngay từ giai đoạn khá sớm. Đơn cử như năm 2014 khi Thế giới di động niêm yết trên sàn chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, quỹ thoái một phần của khoản đầu tư 3,5 triệu đô và thu về gấp 28,5 lần của khoản đầu tư ở thời điểm đó.
Công thức chung
Theo Forbes, công thức cơ bản của Mekong Capital là mua cổ phần của các công ty có tiềm năng tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng đến quy mô đủ lớn sau đo niêm yết, bán cổ phần, thu lời.
Trên website của mình, quỹ đầu tư này tiết lộ khẩu vị đầu tư ưa thích của mình là những công ty tăng trưởng nhanh và dẫn đầu thị trường trong những ngành dẫn dắt người tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng và phân phối.
Giai đoạn 2003-2005, Mekong Capital đầu tư vào 10 dự án và phần lớn là những doanh nghiệp sản xuất gia đình như NGOHAN, AA Corporation, Gỗ Đức Thành, Saigon Gas. Trường hợp của AA, quỹ này cho biết doanh thu của công ty này đã tăng từ 12,6 triệu USD năm 2003 thời điểm đầu tư lên đến 28 triệu USD khi thoái vốn vào năm 2011.
Giai đoạn 2006-2011, quỹ Mekong Enterprise Fund II của Mekong Captial đầu tư vào 10 dự án là các công ty hướng tới người tiêu dùng và thế hệ doanh nhân mới tại Việt Nam với cam kết mạnh mẽ về quản lý. Những dự án có thể kể đến như Mobile World, VAS, Golden Gate, Digiworld, ICP…
Từ chuỗi cửa hàng nhỏ chỉ gồm 7 cửa hàng chỉ bán điện thoại, Mobile World phát triển thành Thế giới di động với hoạt động kinh doanh trên 2.000 cửa hàng từ điện tử tiêu dùng đến bách hóa trên toàn quốc. Thời điểm Mekong Capital đầu tư, doanh nghiệp này chỉ có lợi nhuận 1 tỷ đồng, đến năm 2017 con số gấp 2.200 lần.
Năm 2007, một quỹ khác của Mekong Capital cũng tập trung đầu tư vào các công ty dẫn đầu ngành trước khi tiến hành IPO như FPT, Traphaco, Masan, PNJ. Trường hợp Masan, thời điểm VAF đầu tư doanh thu đạt 228 triệu USD năm 2009, đến năm 2016 tăng lên mức 858 triệu USD. Hay trường hợp Traphaco, lợi nhuận sau thuế đạt 2,4 triệu USD năm 2007 tăng lên mức 10,6 triệu USD vào năm 2017.
Không chỉ là bệ đỡ tài chính, Mekong Capital còn giúp các công ty đầu tư tuyển nhân sự cao cấp, giới thiệu hệ thống báo cáo đo lường kết quả kinh doanh, xây dựng hệ thống văn hóa doanh nghiệp.
Ví dụ tại Thế giới di động, thời điểm này các nhà bán lẻ chưa tập trung vào khách hàng, Mekong Capital hỗ trợ để doanh nghiệp này theo hướng trên và đạt được thành công. Quỹ này cũng giới thiệu cựu CEO của BestBuy International làm thành viên hội đồng quản trị Thế giới di động để hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ này.
Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ với Forbes rằng việc có thêm người ngoài khiến mọi chuyện minh bạch cũng như nhận được nhiều hỗ trợ từ tổ chức đào tạo, huấn luyện đội ngũ quản lý, bổ sung kiến thức.
Cách làm này cũng được thực hiện tương tự tại Golden Gate khi Mekong Capital giới thiệu cựu CEO chuỗi nhà hàng KFC khu vực châu Á vào vị trí cố vấn củng cố chuỗi cung ứng. Quỹ này cũng đưa ra lời khuyên Golden Gate dừng mở nhà hàng mới, tập trung vào cải thiện hệ thống khu bếp, chuỗi cung ứng khi ban lãnh đạo công ty trình kế hoạch sau khi nhận được đầu tư.
Sau khi xây dựng hệ thống dịch vụ đạt chuẩn và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Golden Gate mới tiếp tục mở rộng quy mô. Từ 7 cửa hàng năm 2008, năm 2014 khi Mekong Capital thoái vốn, doanh nghiệp này có hơn 100 nhà hàng với những thương hiệu mạnh như Kichi- Kichi, SumoBBQ, Ba Con Cừu.
Hiện Mekong Capital tiếp tục đặt cược vào thế hệ doanh nghiệp mới tiếp theo tại Việt Nam như Vua nệm, F88.
Sự hiện diện của các quỹ đầu tư của Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển tài chính mà còn học hỏi được nhiều về quản trị, văn hóa công ty. Tuy nhiên đổi lại phía các doanh nghiệp khi hội nhập cũng cần có những sự chuẩn bị chuyên nghiệp để bắt kịp tốc độ của các quỹ đầu tư tài chính. Bởi sự hợp tác nào muốn thành công cũng cần sự chuyên nghiệp, cái "duyên" và niềm tin của cả đôi bên.
Trí thức trẻ