MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện quỹ phúc lợi khen thưởng của Vietcombank: Muốn trích bao nhiêu cũng được?

01-05-2017 - 16:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Câu chuyện trích quỹ khen thưởng, phúc lợi của một số ngân hàng chiếm phần lớn trong lợi nhuận làm ra đang thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các cổ đông.

Mới đây, tại đại hội cổ đông của Ngân hàng Vietcombank, cổ đông đã chất vấn lãnh đạo ngân hàng rằng trong kế hoạch chia lợi nhuận năm 2016 có một con số bất thường là chia quỹ khen thưởng phúc lợi có tỷ lệ chia hơn 20% so với tổng lợi nhuận đạt được. Đây là mức chia rất cao so với thị trường bởi các ngân hàng chỉ khoảng 15%. Vietcombank so với lượng tiền chia cổ tức cho cổ đông thì bằng tới 50%, số này rất cao, đề nghị ngân hàng giải thích và cân nhắc giảm xuống.

Đại diện Vietcombank trả lời rằng ngân hàng này đã trích lập đúng quy định, dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất là trích theo 25% quỹ lương của ngân hàng năm 2016. Thứ hai là, năm 2016 có nội dung mới là nghị định 53 của Chính phủ về quy định tiền lương cho các tổ chức, công ty cổ phần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn và thông tư số 28 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã cho phép các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế vượt mức đã được cổ đông phê duyệt thì được trích lập thêm tối đa không quá 20% lợi nhuận vượt kế hoạch. Năm qua Vietcombank lợi nhuận đã vượt 25% so với năm 2016 và vượt hơn 1.000 tỷ so với ĐHCĐ đề ra, như vậy tổng mức trích là hơn 1.400 tỷ.

Trước đó, thị trường cũng từng xôn xao về câu chuyện ở Agribank khi việc trích lập quỹ phúc lợi khen thưởng là “thủ phạm” khiến ngân hàng này tăng lỗ lũy kế. Cụ thể, tại thời điểm năm 2014 lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 1.723 tỷ đồng và lỗ lũy kế ở mức 2.931 tỷ đồng (trong khi năm 2013 lỗ lũy kế 2.304 tỷ). Điều này được thuyết minh là Agribank đã trích lập hơn 2.335 tỷ đồng cho các quỹ và quỹ khen thưởng phúc lợi với gần 990 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Agribank phải chia cho Ban điều hành các công ty con là 427 triệu đồng.

Năm 2015, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 2.387 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế cuối năm tăng từ mức hơn 2.931 tỷ đồng lên hơn 3.058 tỷ đồng. Nguyên nhân tiếp tục được ngân hàng giải thích là Agribank trích lập các quỹ trong năm gần 1.468 tỷ đồng và gần 1.083 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ khen thưởng Ban điều hành trong năm.

Nhiều người đặt dấu hỏi, với việc cứ đẩy mạnh trích quỹ phúc lợi khen thưởng thì Agribank dù có lãi lớn trong năm 2016 là 4.000 tỷ cũng vẫn chưa thể xóa được lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán. Đến thời điểm ngày, ngân hàng vẫn chưa có báo cáo kiểm toán năm qua.

Quỹ phúc lợi khen thưởng gần như không thể thiếu ở mỗi doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng trong chính sách chăm lo đời sống của nhân viên và khuyến khích người lao động tăng hiệu quả làm việc. Tuy nhiên việc trích lập quá nhiều đang khiến cho các cổ đông cảm thấy không mấy hài lòng bởi họ là người bỏ tiền ra đầu tư mà lại thu về cổ tức thấp hơn nhiều so với tiền khen thưởng người lao động, chưa kể có những ngân hàng còn chẳng chia đồng cổ tức nào cho người góp vốn cả chục năm nay.

Cũng có luồng ý kiến cho rằng, trích quỹ khen thưởng cao là hợp lý và không nên so sánh với cổ tức vì cổ đông là người góp vốn nhưng nhân viên ngân hàng mới là người làm ra lợi nhuận để giúp đồng vốn của cổ đông sinh lời, giá cổ phiếu gia tăng và được nhận cổ tức.

Nhìn nhận về vấn đề này, theo TS. Luật sư Bùi Quang Tín, tại Nghị định 57/2012/NĐ-CP của chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, việc phân chia phần lợi nhuận còn lại sau khi chi lãi cho các thành viên, bù đắp cho các khoản lỗ, trích cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính thì sẽ do tổ chức tín dụng tự quyết định. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông.

Do đó, đối với các NHTM có phần vốn góp của nhà nước trên 50%, thì điều quan trọng về việc trích lập cho quỹ khen thưởng phúc lợi này là phải xin ý kiến của NHNN và phải có sự thống nhất với BTC – cổ đông lớn nhất, chứ không đơn thuần quy định cụ thể là tỷ lệ bao nhiêu.

Và ông Tín cho rằng, câu chuyện khó nhất vẫn là có sự đồng thuận từ Bộ Tài chính, vì như trường hợp năm ngoái sau khi đã họp ĐHCĐ xong mà Bộ Tài chính vẫn không đồng ý với nghị quyết họp của đại hội liên quan đến phần phân phối lợi nhuận, rồi các đơn vị đó vẫn phải nghe theo.

Đề cập đến việc tại sao năm vừa rồi ngân hàng mạnh tay chi cho quỹ khen thưởng phúc lợi trong năm vừa qua cũng như việc tăng lương cho người lao động, ông Tín nói không phải ngẫu nhiên. Với các ngân hàng do Nhà nước sở hữu chi phối, năm nay Bộ Tài chính yêu cầu họ phải trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính, điều đó có nghĩa họ không thể tăng vốn bằng con đường chia cổ tức bằng cổ phiếu được. Vì khó tăng vốn nên họ tăng quỹ khen thưởng phúc lợi lên để khuyến khích cán bộ nhân viên làm việc, từ đó tăng các chỉ tiêu kinh doanh, thu hút nhân tài và qua đó dễ kêu gọi tăng vốn bằng các con đường khác.

Còn với nhóm ngân hàng khác thì họ không bị gò bó bởi các quy định về cổ tức như nhóm Nhà nước nắm quyền chi phối nên họ dễ dàng hơn trong việc trích lập quỹ phúc lợi khen thưởng nói riêng và phân phối lợi nhuận nói chung.

Minh Phương

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên