MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này"

26-09-2023 - 02:21 AM | Sống

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này"

Với thông điệp "Thay vì kết thúc số phận trong thùng rác hay lang thang ngoài môi trường hàng trăm năm mà không thể phân hủy, giờ đây những chiếc vỏ mì “vô tri vô giác” sẽ được sống một cuộc sống mới ý nghĩa hơn nếu chúng ta yêu môi trường và sáng tạo một chút’’, dự án “Mì tôm xanh” đã được ra đời.

Đi vào hoạt động từ tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên tại Việt Nam, “Mì tôm xanh” là dự án tái chế vỏ mì tôm thành những vật dụng hữu ích được thành lập bởi cô Vũ Thị Thảo với mục tiêu giảm thiểu rác thải là vỏ mì tôm ra môi trường. Từ khi thành lập tới nay, dự án nhận được rất nhiều sự ủng hộ và đang lan tỏa đến mọi người ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Nhà sáng lập dự án, cô Vũ Thị Thảo, là một giáo viên, một người làm giáo dục. Xuất phát từ trách nhiệm mang những kiến thức bổ ích đến học sinh của mình, cô Thảo hi vọng được làm nhiều hơn thế, cống hiến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội.

Trong suốt 3 năm thực hiện dự án, cô Thảo cùng dự án “Mì tôm xanh” nỗ lực truyền đến đến mọi người kiến thức về cách để thích nghi với những biến đổi trên toàn cầu qua các hành động, việc làm thiết thực nhất. 

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này" - Ảnh 1.

Cô giáo Vũ Thị Thảo

Mới đây, dự án "Mì Tôm Xanh" đã ghi tên tham gia vào Hạng mục Dự án của Giải thưởng vì cộng đồng - Human Act Prize. Đây là một Giải thưởng thường niên tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Hạng mục Dự án của Giải thưởng sẽ vinh danh những dự án cộng đồng, CSR hoặc Phát triển bền vững có những sáng kiến đột phá, tạo được tác động sâu rộng, bền vững hoặc giải quyết được những vấn đề cấp thiết của xã hội.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng cô Vũ Thị Thảo, lắng nghe những câu chuyện của cô và trò từ những ngày đầu đi gom từng chiếc vỏ mì tôm. 

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề Phú Xuyên với truyền thống mây, tre đan đã ảnh hưởng thế nào đến nhận thức, suy nghĩ của cô Thảo trong ý tưởng tái chế vật liệu bằng vỏ mì tôm? 

Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy cho những bước đan cơ bản, đó là những đường nét độc đáo của nghề mây tre đan Việt. Từ khi 14 tuổi, tôi đã bắt đầu xa nhà trở thành 1 vận động viên chuyên nghiệp nhưng những bước đan đó vẫn không thể mờ phai trong trí nhớ của tôi bởi đó là cả một thời thơ ấu đầy yêu thương và khó khăn. Nghề mây tre đan không chỉ mang lại thu nhập chính cho gia đình để mẹ tôi có thể vượt qua khó khăn chăm nuôi cho 3 chị em tôi thời đó mà còn trang bị cho tôi rất nhiều những kĩ năng, phẩm chất như sáng tạo, kiên trì, khéo léo, chăm chỉ…. 

Chính vì vậy mà tôi mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị đó bằng một cách khác đặc biệt hơn, sáng tạo và độc đáo hơn, đó là dùng nguyên liệu bằng vỏ mì. 

Tại sao lại là vỏ mì, thưa cô?

Vỏ mì là nguyên liệu được thải ra rất nhiều trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là tại địa điểm du lịch, nhà hàng, quán ăn. Vỏ mì khó phân hủy nhưng khi tái chế thành những vật dụng thì lại có màu sắc bắt mắt, mềm, óng, độ bền cao. Nắm bắt tính chất này để tạo ra các sản phẩm từ vỏ mì, dự án góp phần nâng cấp, tối ưu hóa giá trị của rác thải nhựa những thành phẩm thân thiện với môi trường như. Các sản phẩm được tạo ra bởi dự án “Mì tôm xanh” rất đang dạng, mang tính thời trang và có độ bền cao thậm chí có thể lên tới 40, 50 năm vì nguyên liệu vỏ mì, nilon vốn rất khó phân hủy.

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này" - Ảnh 2.

Hơn thế nữa, do tính ứng dụng linh hoạt để làm ra các sản phẩm đa dạng của vỏ mì, đây hoàn toàn có tiềm năng trở thành một ngành nghề thủ công mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là ở các thành phố lớn ở Việt Nam.

Hiện nay, “Mì tôm xanh” là dự án đầu tiên làm các sản phẩm đa dạng từ vỏ mì tại Việt Nam. Dự án là một giải pháp 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế).

Trước khi thành lập Mì Tôm Xanh, chị đã thử nghiệm trước với những sản phẩm nào? Chị có gặp khó khăn nào không? 

Trước khi thành lập Mì Tôm Xanh, tôi đã thử nghiệm đan lót ly và bình hoa bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như giấy, vải, chai nhựa,…. Tuy nhiên không thành công bởi giấy và vải thì không bền, không dùng được trong nước, màu sắc không bắt mắt. Chai nhựa thì cứng và không phải là sản phẩm độc lạ, khó uốn, không đáp ứng được mong muốn của tôi. 

Sau khi tôi làm thử trên vỏ mì thì thấy rất đẹp đáp ứng được các yêu cầu và mong muốn của tôi. Tôi bắt đầu nhờ người thân trong gia đình nếu ăn thì giữ lại vỏ cho tôi. Tôi viết bài trên group chung cư nơi tôi sinh sống để xin từng bao vỏ mì tôm của mọi người. Đợi mãi được khoảng hơn 100 vỏ, tôi bắt đầu làm hoàn thiện 1 chiếc lót ly và 1 bình hoa nhỏ. 

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này" - Ảnh 3.

Tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi thời gian đầu nghiên cứu chính là thời gian giãn cách vì dịch Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Không được ra khỏi nhà, không được tới trường, gia đình ngăn cản vì sợ vỏ mì cư dân cho là nguồn lây Covid-19, mọi người không muốn tích rác trong nhà, không tin mình làm dài hạn, chỉ nghĩ mình làm chơi nên không sẵn sàng gom vỏ cho mình. Tôi kiên trì thuyết phục mọi người và cho gia đình thấy rằng tôi rất nghiêm túc với dự án này, lâu dần, mọi người đã hiểu và ủng hộ tôi.

Những ngày đầu thành lập, chị kêu gọi và kết nối như thế nào để có được hàng trăm cộng tác viên từ khắp nơi trên cả nước làm đầu mối gom vỏ mì tôm gửi về cho CLB? 

Những ngày đầu chủ yếu tích từ gia đình và họ hàng. Tôi cứ bền bỉ nghiên cứu thử nghiệm cho tới 8 tháng sau khi biết đến một cuộc thi liên quan tới việc giảm thiểu rác thải nilon ra biển, tôi mới chính thức kêu gọi học sinh của tôi đồng hành cùng. Từ đó cô trò cứ viết bài kêu gọi trên MXH để xin vỏ mì. Tôi luôn up kèm các sản phẩm của mình làm ra từ vỏ mì, chia sẻ về sự ảnh hưởng của rác thải nilon từ vỏ mì, nói về cách thức làm từ thiện của tôi thông qua việc bán các sản phẩm làm ra, từ đó tôi hình thành các đại diện CTV ở các tỉnh thành

Cứ vậy bền bỉ không bỏ cuộc, chúng tôi làm ra được hàng trăm mẫu mã sản phẩm đa dạng và dùng hiệu quả trong cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ với tất cả những ai mong muốn đan bằng cách gửi video hướng dẫn cho họ, chứng minh để mọi người biết rằng dự án mình đang làm là vì tất cả mọi người chứ không phải vì lợi ích cá nhân.

Dự án cho đến nay đã được thực hiện hơn 3 năm và thu hút hơn 2000 CTV trên toàn quốc cùng thu gom vỏ mì. Hiện tại, dự án “Mì tôm xanh” đang được triển khai tích cực tại khu vực Hà Nội và dần nhân rộng lên phạm vi cả nước nhờ đội ngũ cộng tác viên ngày càng lớn mạnh khắp các tỉnh thành.

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này" - Ảnh 4.

Mỗi sản phẩm tái chế mất bao nhiêu lâu để thành phẩm? 

Mỗi sản phẩm sẽ mất thời gian khác nhau để tạo thành. Ví dụ một chiếc lót ly mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ để hoàn thành 1 cái. Túi xách thì 12 tiếng. Một chiếc ghế mất 2 tuần. Nón thì 1 ngày...

Để tạo nên những sản phẩm từ vỏ mì tôm, đội ngũ của dự án “Mì tôm xanh” đã thực hiện 4 công đoạn: Thu gom vỏ mì từ cộng đồng – Xử lý và làm sạch – Tạo sợi đan bằng vỏ mì – Thiết kế và đan thành sản phẩm.

Cụ thể, vỏ mì tôm sau khi thu về sẽ được xử lý cẩn thận, vệ sinh sạch sẽ và cắt bỏ hai cạnh cứng. Khi vệ sinh xong, vỏ mì được cuộn vào một sợi dây thép để tạo thành các sợi đan nhỏ, sau đó cố định hai đầu bằng băng keo và rút sợi dây thép ra để tạo thành một sợi đan hoàn chỉnh. Các sợi đan ấy sẽ tạo thành nhiều sản phẩm khác nhau như hộp bút, miếng lót ly, giỏ hoa, túi xách, bông tai,...

Các sản phẩm từ vỏ mì tôm của cô giáo Thảo và học trò

Điểm đặc biệt, toàn bộ nguyên liệu thừa trong quá trình tạo sản phẩm sẽ được chuyển về cho dự án “Rác là vàng” và “Dấu chân xanh” để sản xuất vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế. Như vậy, toàn bộ rác thải đều được xử lý tiếp thay vì bị thải ra môi trường.

Do sử dụng nguyên liệu chính là nguồn vỏ mì được thu gom nên sẽ chỉ mất cho các phụ liệu dùng để trang trí cho sản phẩm. Nhờ tính sáng tạo và độc đáo, các sản phẩm của dự án hiện đang được người tiêu dùng rất thích, đặt hàng rất nhiều ngay cả khi dự án chưa đăng bán công khai.

Cô và các học trò, cộng tác viên của mình đã có những kỷ niệm đáng nhớ nào trong hành trình này?

Chúng tôi rất nhiều những kỉ niệm đẹp và đáng nhớ, nhớ nhất là chuyến đi dạy nghề cho người khuyết tật tại Huế vào tháng 7/2023. Cả 5 ngày cô trò được cùng nhau chia sẻ những bước đan cơ bản cho 20 thành viên trung tâm khuyết tật và 5 chị em hội phụ nữ tại Huế. Nhìn họ đam mê, họ sáng tạo và họ hoàn thành những sản phẩm đầu tay, cô trò tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi đã đi được xa hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn trên hành trình màu xanh này. 

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này" - Ảnh 6.

Với những thành quả đã đạt được trong suốt thời gian qua, dự án "Mì tôm xanh" cho thấy đây là một sáng kiến hoàn toàn có tiềm năng để nhân rộng mô hình. Kế hoạch và những dự định tiếp theo của chị là gì? 

Chúng tôi luôn vững tin với giá trị cốt lõi của mình đó là SÁNG TẠO và CỐNG HIẾN. Năm nay chúng tôi sẽ tập trung dạy nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm Hope - Nhật lệ - Huế theo lịch trình 3 đợt kết hợp với việc hình thành hệ thống các CLB nhánh của MTX tại một số trường Đại học là FPT, Ngoại thương, Luật, Kinh tế quốc dân. 

Tôi sẽ tiếp tục dạy nghề và đồng hành cùng Doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam, tiếp tục lan tỏa chia sẻ với mọi người trên nhiều kênh thông tin khác nhau để hình thành thói quen nếu có ăn mì tôm thì giữ lại vỏ mì gửi về cho CLB. Tiếp tục kết nối CTV thu gom vỏ trên khắp các tỉnh thành để giảm thiểu rác và có đủ nguồn nguyên liệu cho trung tâm khuyết tật tại Huế tái chế. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu sáng tạo ra nhiều mẫu liên quan đến thời trang tái chế, tìm kiếm cơ hội để trình diễn thời trang tái chế từ vỏ mì. 

Chị có thông điệp gì muốn gửi đến các bạn trẻ - những người sẽ quyết định "số phận" của môi trường trong tương lai? 

Thế hệ trẻ sẽ là người tiếp tục song hành cùng Trái Đất trong tương lai. Rác thải là nguồn gây ô nhiễm và bệnh tật vì thế chúng ta hãy biết Tiêu dùng xanh - Tận dụng xanh để có Hạnh phúc xanh cho tất cả mọi người các bạn nhé!

Từ cô giáo trẻ lên mạng xin từng vỏ mì tôm đến dự án đầy yêu thương: "Chúng tôi đã đi được xa hơn trên hành trình màu xanh này" - Ảnh 1.

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

photo-1695792160034

 

Theo Quỳnh Trân

Tổ Quốc

Trở lên trên