Từ "con ma MTM" nhớ về Dược Viễn Đông và nỗi đau mất nghìn tỷ của nhà đầu tư
Doanh nghiệp công bố thông tin không minh bạch và những cái "sàng" lọc thông tin minh bạch có vẻ như đã không sàng được hết những thông tin sai lệch cơ bản nhất. Và, người chịu trận đang là nhà đầu tư!
- 03-09-2016MTM chuẩn bị tổ chức ĐHCĐ để tái cơ cấu công ty
- 26-08-2016Sau quyết định hủy thành lập chi nhánh, MTM lại chuyển trụ sở chính ra Hà Nội
- 11-08-2016Ông Chu Danh Phương trở thành kế toán trưởng của MTM: Vào hang cọp mới bắt được cọp?
- 03-08-2016Nhà đầu tư: Cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm trong việc để MTM lên sàn Upcom
Có lẽ giờ đây, các nhà đầu tư lỡ đặt niềm tin vào cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung đang tự than thân, trách phận sao lại rót tiền vào một doanh nghiệp mà trụ sở của họ còn chẳng rõ ràng, là quán bò né. Họ cũng tự trách thân khi càng lộ ra các báo cáo thì sự việc tại MTM càng trở nên không biết còn gì tệ hại hơn đang chờ họ sau đó.
Sau trụ sở "bò né" là cổ phiếu ảo
"Đang yên đang lành", khoảng 3 tháng trước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội bất ngờ ra một thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung. Nhiều nhà đầu tư tự nhiên bơ vơ, không biết rồi đây những cổ phiếu mà mình vừa bỏ tiền tươi thóc thật ra mua sẽ thế nào. Đem nỗi lo lên các diễn đàn của dân tài chính hỏi, họ cũng chỉ biết chờ thông tin.
Và, thông tin từ đó cũng tấp nập đến với nhà đầu tư. Từ tin về trụ sở, tin thay đổi nhân sự, tin sắp sửa đại hội cổ đông…Gần đây nhất là một tin khiến nhà đầu tư còn sốc hơn tin trụ sở là quán bò né nữa: 4 triệu cổ phiếu ảo của MTM đã được đưa lên sàn giao dịch chứng khoán, một sự việc chưa từng có tiền lệ trên sàn chứng khoán. Tức, có thể, nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra mua cổ phiếu ảo.
Theo đó, vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2014 cũng như 31/12/2015 thay vì là 310 tỷ đồng thì thực tế chỉ có 268,4 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa số cổ phiếu thực tế lưu hành của MTM chỉ là 26,84 triệu cổ phiếu thay vì 31 triệu cổ phiếu.
Điều đáng nói là MTM đã được lưu ký và đăng ký giao dịch 31 triệu cổ phiếu trên Upcom. Như vậy có hơn 4 triệu cổ phiếu đã không được góp vốn, hay nói cách khác là thực tế không tồn tại, vẫn được đưa lên sàn giao dịch.
Cổ phiếu đã phát hành rồi, đã trao đi bán lại nhiều lần trên thị trường chứng khoán rồi thì phải làm sao. Thu hồi thì biết thu hồi cổ phiếu của ai, mà có thu hồi theo tỷ lệ sở hữu của cổ đông thì họ cũng thiệt hại, họ đã bỏ tiền ra mua quả táo thì không lý gì bắt họ cắn một miếng trả lại người bán được. Mà, quả táo bán ra là cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng còn thứ họ mua trên thị trường thay đổi liên tục. Cổ phiếu MTM trong 2 tháng ngắn ngủi giao dịch trên UpCOM đã biến động giá từ 2.600 đồng đến 14.700 đồng nhưng tất nhiên, càng về những ngày giao dịch cuối cùng trên UpCOM thì giá cổ phiếu MTM càng thấp. Chốt phiên giao dịch ngày 17/6/2016, cổ phiếu MTM còn 2.600 đồng/cổ phiếu.
Nói đến đây, nhiều nhà đầu tư bớt trách thân đi một chút. Những thông tin về tình hình tài chính, về vốn góp… nọ kia đều được công ty công bố công khai. Khi đầu tư, họ đâu thể biết rằng bản cáo bạch cùng dấu đỏ của công ty được công bố trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là bản cáo bạch với thông tin sai? Báo cáo tài chính năm 2014 được kiểm toán bởi công ty kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế-chi nhánh Thanh Hóa (IFC) là báo cáo đã được kiểm toán mà thông số quan trọng nhất là vốn điều lệ thực góp 310 tỷ đồng là sai? Họ cũng không thể biết kể cả khi giấy đăng ký kinh doanh công ty đã được cấp năm nọ qua năm kia vẫn có thể là thông tin không đúng sự thật.
Trong bản công bố thông tin liên quan phần thu hồi cổ phiếu "khống", công ty viết rõ "Việc xác định thu hồi số cổ phiếu đang lưu hành hiện nay lớn hơn số cổ phiếu thực tế phát hành này sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng trong các năm tài chính tiếp theo". Tức, có thu hồi hay không, thu hồi được không và nếu không thu hồi được thì xử lý ra sao, quyền lợi của nhà đầu tư thế nào vẫn là câu chuyện của thì tương lai.
Trong văn bản mới đây gửi đến cơ quan điều tra, dàn lãnh đạo mới của MTM đã đề xuất UBCK, HNX và Trung tâm lưu ký phong tỏa toàn bộ 6,95 triệu cổ phiếu MTM chưa lưu ký để phục vụ điều chỉnh số lượng cổ phiếu khớp với vốn điều lệ, nhưng không biết các cơ quan quản lý sẽ thực hiện như thế nào.
Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm với những "sự vênh" trên hàng loạt giấy tờ có tính pháp lý rất cao mà đáng lẽ nhà đầu tư có thể dựa vào đó để tin tưởng phân tích đầu tư? Là công ty kiểm toán, là sở kế hoạch đầu tư nơi cấp phép đăng ký kinh doanh, là UBCKNN hay HNX là nơi quyết định cho công ty đăng ký giao dịch chứng khoán trên UpCOM hay là đơn vị nào khác? Câu hỏi quá lớn và nhà đầu tư đứng trước bờ vực của mất mát tiền vẫn không thể trả lời được.
Nhớ lại trường hợp kinh điển của Dược Viễn Đông và nỗi đau mất nghìn tỷ của nhà đầu tư
Vì sao trường hợp Dược Viễn Đông với mã cổ phiếu DVD một thời lại được nhắc đến trong bài viết này? Chắc hẳn, nhà đầu tư vẫn chưa quên Dược Viễn Đông đã "đánh gục" nhà đầu tư của mình như thế nào.
Từ mức giá hàng trăm nghìn đồng/cổ phiếu, DVD đã chào bán thêm cổ phần với mức giá 20.000 đồng/cp. Những tưởng là nhà đầu tư được hưởng lợi và đã không ít nhà đầu tư đặt thêm tiền mua cổ phiếu, UBCKNN bất ngờ đình chỉ vụ phát hành này sau khi cổ đông đã "lăn chốt" và không ít người đã nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Lý do chính được đưa ra là do một số thông tin quan trọng được DVD đưa ra trong bản cáo bạch đã không đúng với thực tế.
Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, việc hủy niêm yết cổ phiếu phát hành thêm được áp dụng. Sau đó là hủy niêm yết cổ phiếu.
Thông tin cuối cùng cho nhà đầu tư liên quan đến quyền lợi là DVD vẫn là công ty đại chúng dù bị hủy niêm yết, nhà đầu tư có thể thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Việc giao dịch và thanh toán tiền đối với giao dịch mua bán nói trên do các bên tự thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm giải quyết nếu có tranh chấp phát sinh.
Chuyện đã qua rồi, nhắc lại chỉ để nói lên rằng, cuối cùng, những người bị mất nghìn tỷ vốn hóa không ai khác chính là nhà đầu tư. Doanh nghiệp công bố thông tin không minh bạch và những cái "sàng" lọc thông tin minh bạch có vẻ như đã không sàng được hết những thông tin sai lệch cơ bản nhất. Và, người chịu trận đang là nhà đầu tư!
Trí Thức Trẻ