MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư tỷ phú Howard Marks: 'Đừng nên cược quá nhiều vào dự báo vĩ mô'

Nhà đầu tư tỷ phú Howard Marks: 'Đừng nên cược quá nhiều vào dự báo vĩ mô'

Hơn một tháng qua, các tổ chức quốc tế như ADB, World Bank hay Standard Chartered lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Song, nhà đầu tư huyền thoại Howard Marks từng nhận định: "Những dự báo về triển vọng kinh tế vẫn chỉ là dự báo".

Mới đây nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố dự báo kinh tế châu Á. Theo đó, tổ chức này đã hạ tăng trưởng GDP dự kiến xuống còn 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Cả hai đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4 là 6,7% (2021) và 7% (2022).

Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam còn 4,8%. Dự báo này thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo do nhóm WB đưa ra vào tháng 12/2020.

Nhà đầu tư tỷ phú Howard Marks: Đừng nên cược quá nhiều vào dự báo vĩ mô - Ảnh 1.

Đầu tháng 9, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cũng công bố hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7% cho năm 2021 và từ 7,3% xuống 7% cho năm 2022. Thông thường khi nhìn vào các con số hạ dự báo tăng trưởng như trên, nhà đầu tư thường có xu hướng tập trung chủ yếu vào yếu tố lạm phát. Nhưng nhà đầu tư huyền thoại Howard Marks từng chia sẻ: "Nhà đầu tư không nên đặt cược quá nhiều vào các dự báo vĩ mô".

"Là một nhà đầu tư đã chứng kiến nhiều chu kỳ thị trường, tôi học được cách xem xét các dự báo kinh tế vĩ mô với thái độ cẩn trọng". Theo ông Howard, những dự báo có thể đúng kỳ vọng hoặc không, tuy nhiên các nhà đầu tư không nên bỏ qua, nhất là thời điểm hiện tại.

Vì sao lại như vậy? "Ngược với những gì Warren Buffett từng nói với tôi, tương lai kinh tế vĩ mô có thể không ai biết trước, nhưng chắc chắn là điều quan trọng", ông Howard lý giải. Kể từ khi bong bóng công nghệ bùng nổ vào năm 2000, nhà đầu tư dường như ít quan tâm về các sự kiện của doanh nghiệp riêng lẻ, mà họ tập trung nhiều hơn vào nền kinh tế, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay những sự kiện toàn cầu. Điều này càng đúng hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đáng chú ý, lo ngại về các chỉ số vĩ mô cũng ngày càng cao, nhất là chủ đề lạm phát. Thời gian vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang, Kho bạc và Quốc hội Hoa Kỳ đã liên tục hỗ trợ, trợ cấp và kích thích người lao động, doanh nghiệp, và cả nền kinh tế tổng thể. Trên thực tế, từ năm 2020 đến nay có lẽ là giai đoạn từ "nghìn tỷ" được sử dụng mỗi ngày.

Điều này cũng dẫn đến những lo ngại về lạm phát gia tăng. Nhiều tranh luận cũng đã diễn ra về việc liệu hiện tượng này sẽ tồn tại vĩnh viễn hay chỉ là tạm thời? Câu trả lời phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bởi tăng giá nhanh chắc chắn sẽ dẫn đến lãi suất cao, rồi giá trị tài sản thấp hơn, và nhu cầu hạ nhiệt nền kinh tế lại tăng.

"Có rất nhiều chuyên gia đưa ra các luận điểm cho cả hai câu trả lời. Nhưng tôi tin rằng, không có cái gọi là 'biết chắc' kết quả sẽ ra sao", tỷ phú đầu tư Howard Marks nhấn mạnh.

Trong nhiều năm, các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2%, song không nước nào đạt được tỷ lệ này. Điều này diễn ra bất chấp tăng trưởng kinh tế liên tục, thâm hụt ngân sách đáng kể, cung tiền mở rộng nhanh chóng thông qua nới lỏng định lượng và lãi suất thấp.

Đến nay, Fed cho thấy họ đang lo lắng về sự trì trệ của nền kinh tế hơn là về lạm phát. Nhưng ngay cả khi trước mắt là rủi ro lớn, thì nguy cơ lạm phát kéo dài vẫn là có thật. Như vậy, không ai có thể kết luận rằng mình "có toàn bộ câu trả lời" về câu chuyện lạm phát, thậm chí "một câu trả lời" cũng không.

Vậy còn các nhà đầu tư thì sao? Mặc dù họ là những người thường được đánh giá là "quan sát giỏi", siêu tập trung vào diễn biến thị trường, thì họ cũng có thể không kiên định trước những sự kiện kinh tế. Hơn nữa, họ cũng hiếm khi là những nhà "tiên đoán" giỏi để biết điều gì xảy ra tiếp theo.

Trong vài tháng qua, lạm phát gia tăng và lo ngại về lãi suất tăng cao là những yếu tố thường xuyên được sử dụng để giải thích cho hầu hết những thay đổi trên thị trường chứng khoán.

Song hồi tháng 6, các nhà đầu tư đã chứng kiến sự suy yếu của thị trường chứng khoán, được cho là do lo ngại lạm phát, nhưng giá trái phiếu lại tăng, với kỳ vọng của người mua trái phiếu rằng nền kinh tế suy yếu sẽ làm lạm phát giảm. Trong khi đó, vàng - công cụ chống lạm phát kinh điển, lại giảm giá rõ rệt.

Ông Howard Marks khẳng định: "Sự thật là chúng ta biết rất ít về lạm phát, bao gồm cả nguyên nhân và cách để kiểm soát. Tôi thường đánh giá đây là nhân tố 'bí ẩn'. Bởi vậy, tôi tin rằng các nhà đầu tư đừng nên đặt nặng việc dự đoán chỉ số này hơn các yếu tố kinh tế khác".

Nhà đầu tư Howard Marks kết luận, các nhà đầu tư có thể chấp nhận những dự báo về lạm phát tăng cao, nhưng nên cẩn trọng trong việc phân bổ tài sản để đáp ứng những dự báo vĩ mô mới nhất.

Tham khảo: Financial Times

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên