MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ cú sốc Gỗ Trường Thành hay NTACO, nói chuyện tính minh bạch trên TTCK

Nhiều sự việc xảy ra cho thấy, việc minh bạch thông tin trên thị trường để nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện và xác thực của doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam còn nhiều khó khăn.

Năm 2016 vừa qua mang nhiều dấu ấn nhưng có lẽ với nhiều nhà đầu tư, đậm nét hơn cả là những cú sốc mang tên: “Gỗ Trường Thành” hay NATCO. Từ lãi thành lỗ, thâm hụt hàng tồn kho sau kiểm toán lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhà đầu tư hốt hoảng và giật mình. Hơn bao giờ hết điều người ta nghĩ đến nhiều nhất là tính minh bạch thông tin trên thị trường..

Nội tại Doanh nghiệp: Những phù phép trên báo cáo tài chính.

Thông thường, báo cáo tài chính tập hợp những thông tin cơ bản, thể hiện những chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình sức khỏe của một doanh nghiệp. Tuy nhiên những người làm lâu năm trong ngành cho rằng: các số liệu trên báo cáo tài chính hoàn toàn có thể được phù phép, ẩn dấu giữa các hạng mục để không thành có và giá trị thực sự của doanh nghiệp thực ra hóa ra lại không được cân đo đong đếm chính xác trên báo cáo tài chính. Qua một số những bài học thực tế, có thể kể ra đây một vài những “chiêu trò” các số liệu trên báo cáo tài chính.

Đầu tiên, con số doanh thu thường hay được đề cập để đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. Chỉ tiêu này vẫn có thể kê khai trên báo cáo tài chính, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hạch toán tăng các khoản mục như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản phải thu. Một doanh nghiệp có doanh thu lớn chưa chắc đã là một doanh nghiệp khỏe mạnh, khi doanh thu ẩn mình trong những khoản phải thu khó đòi, những khoản phải thu trong các công ty có liên quan, trong các công ty làm ăn thua lỗ, đang có nợ xấu, nợ khó đòi tại các tổ chức tín dụng. Kể cả khi doanh thu ẩn mình trong một lượng tiền mặt quá lớn cũng cần phải xem xét. Trừ khi doanh nghiệp giải trình được lý do để tồn đọng lượng tiền mặt lớn như có một khoản đầu tư ngay sau kỳ báo cáo.. thì doanh nghiệp rất ít khi để tồn một lượng tiền mặt quá lớn tại quỹ của mình.

Thứ hai là vốn tự có. Đối với doanh nghiệp, vốn tự có không chỉ là tấm lá chắn cuối cùng hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn thể hiện tiềm lực tài chính của những người chủ doanh nghiệp. Để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng được tỷ lệ giữa vốn tự có và nợ phải trả theo quy định cụ thể của từng ngân hàng. Trên thực tế, vốn tự có có thể tăng bằng tiền mặt, tiền gửi hay các khoản đầu tư. Tuy nhiên, để có thể tăng “ảo” vốn tự có, nhiều doanh nghiệp đang để khoản mục tăng tương ứng khoản phải thu hay phải thu khác. Đây có thể là số tiền còn phải thu lại từ những nhà đầu tư, chủ sở hữu. Do vậy, mặc dù không phải là vốn tăng thực nhưng khoản mục này trên báo cáo tài chính vẫn có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Tức là, những số liệu trên báo cáo tài chính hoàn toàn có thể được phù phép, làm khống, làm giả để che mắt nhà đầu tư, che giấu nhiều vấn đề nội tại của Doanh nghiệp. Thực tế còn chỉ ra rằng, công tác kế toán và lập báo cáo tài chính hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa theo kịp các chuẩn mực kế toán quốc tế. Điều này càng đặt ra thách thức, câu hỏi Làm thế nào để nâng cao tính tự giác, minh bạch của Doanh nghiệp cũng như sự sát sao, chuẩn mực của các tổ chức kiểm toán hiện tại.

Đến các yếu tố khác thị trường…

Các cơ quan quản lý nhà nước: Năm 2016 chứng kiến sự ra đời của nhiều quy định quan trọng, thúc đẩy sự minh bạch trên thị trường chứng khoán. Khung pháp lý đang dần hoàn thiện cùng với các quy định cụ thể, đi vào đời sống như: mở rộng các đối tượng, lĩnh vực phải công bố thông tin, khuyến khích các công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh, yêu cầu các công ty đại chúng phải công bố các thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Đồng thời, các chế tài xử phạt đối với các công ty không đủ điều kiện cũng rõ ràng và quyết liệt hơn, thể hiện nỗ lực của nhà điều hành hướng đến sự minh bạch cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên không khó để nhận thấy một thực tế rằng, vẫn cần có thời gian để các quy định có thể điều tiết và tạo nên thói quen tốt cho doanh nghiệp, các chế tài vẫn cần phải mạnh mẽ và rõ ràng hơn nữa, thị trường vẫn cần một cách quản lý sát sao để tránh những cú sốc mạnh mẽ như Gỗ Trường Thành và hàng loạt các công ty như gần đây.

Các tổ chức kiểm toán: trong điều kiện hiện nay, các công ty kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính tin cậy của các thông tin doanh nghiệp công bố. Tuy nhiên qua thực tế hoạt động hiện nay cho thấy hoạt động của các tổ chức kiểm toán đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Việc kiểm toán các hạng mục như hàng tồn kho còn gặp nhiều khó khăn bởi tính phức tạp cũng như đặc thù của hạng mục này đối với từng doanh nghiệp. Cùng với đó, một số thủ tục kiểm toán như: kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho; xác nhận công nợ đối với công ty có rất nhiều khách hàng… lại được tiến hành bởi nhiều cán bộ chưa có kinh nghiệp…

Qua những phân tích trên đây có thể thấy, việc minh bạch thông tin trên thị trường để nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện và xác thực của doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Hi vọng năm nay, với những nỗ lực truyền tải thông điệp mạnh mẽ của nhà điều hành cùng với đạo đức, trình độ của bản thân các doanh nghiệp cũng như tổ chức kiểm toán, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dần dần tiến gần hơn với thế giới về sự trong sạch, minh bạch của thị trường.

T.M

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên