Từ cuộc chiến TMĐT giữa Tiki, Sendo với Shopee, Lazada đến du lịch trực tuyến, bức tranh ngành OTA Việt Nam khốc liệt ra sao?
Cuộc chiến của các doanh nghiệp OTA Việt Nam hiện nay cũng khốc liệt không kém TMĐT bán lẻ. Thị trường OTA đang dần hình thành bức tranh cạnh tranh giữa Vntrip và Traveloka khi các doanh nghiệp nội khác đang có dấu hiệu hụt hơi hoặc từ bỏ cuộc chơi.
- 16-07-2019CEO Tiki: Tôi tin trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ là đất nước của những kỳ lân!
- 11-07-2019Tổng quan bức tranh TMĐT Việt Nam: Tiki, Lazada, Shopee, Sendo phải chịu lỗ bao nhiêu nếu muốn giành 1% thị phần từ đối thủ?
- 27-06-2019“Đặt một lần, nhận mãi mãi”: Mô hình “thần thánh” đem về 10 tỷ USD mỗi năm của Amazon mà Tiki đang học hỏi
Từ cuộc chiến khốc liệt của thương mại điện tử ngành bán lẻ
Theo báo cáo của Google-Temasek năm 2018, thương mại điện tự (TMĐT) Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-2018 và có giá trị 2,8 tỷ USD (chỉ tính giá trị của kênh Doanh nghiệp tới người tiêu dùng-B2C). Thị trường được dự báo tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2018-2025, với tốc độ tăng trưởng kép 27% nhờ sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh cùng với thế hệ người tiêu dùng mới am hiểu công nghệ hơn.
Cuộc chơi TMĐT Việt Nam hiện nay đang được định hình bởi 4 tên tuổi lớn, đa số sử dụng mô hình kết hợp (B2C/C2C) gồm: Lazada và Shopee là 2 thương hiệu quốc tế và Tiki và Sendo được sáng lập bởi các doanh nghiệp trong nước. Số liệu nghiên cứu quý II do Iprice vừa công bố cho thấy Shopee, Tiki, Lazada lần lượt giữ ngôi vị nhất, nhì, ba về lượt truy cập trong lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam.
Nhận định của công ty chứng khoán Vndirect cho thấy ngành TMĐT Việt Nam cạnh tranh khốc liệt nên các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực… nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp TMĐT vẫn lỗ, ngay cả ba ông lớn TMĐT cũng chính là những cái tên lỗ sâu nhất. Tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015-18 là 9.400 tỷ đồng.
Đơn vị này cũng ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam. Cạnh tranh khối doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại cũng rõ nét hơn khi mới đây Viettel gia nhập cuộc chơi với nền tảng Voso.
Đến cuộc chiến thương mại điện tử du lịch
"Cạnh tranh với những công ty lớn của nước ngoài cũng là một điều thú vị, vì nhờ vậy chúng tôi học hỏi được rất nhiều. CEO Tiki, anh Trần Ngọc Thái Sơn từng chia sẻ với tôi rằng đây là điều may mắn bởi được ví như việc mình có cơ hội được đánh cờ với những kiện tướng thế giới. Và nhờ thế mình sẽ tiến bộ được rất nhanh và tự nâng tầm của mình lên. Tuy nhiên, tôi nghĩ học hỏi nhanh mấy thì mình vẫn là người đi sau họ nhiều năm. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài thì phải cố gắng và nỗ lực hơn rất nhiều thì mới có cơ hội thành công", CEO công ty du lịch trực tuyến Vntrip Lê Đắc Lâm chia sẻ quan điểm về cạnh tranh với những doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam.
Thực tế cuộc chiến của các doanh nghiệp du lịch trực tuyến Việt Nam hiện nay cũng khốc liệt không kém thị trường TMĐT. Cuối năm 2017, Vntrip đã từng tố cáo Agoda trốn thuế tại Việt Nam khi nhận thấy những bất cập và không minh bạch trong cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại, điển hình trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến. Ngay sau khi Bộ Tài Chính ban hành công văn yêu cầu thu thuế đối với các trang web nước ngoài, Agoda cũng đã gỡ bỏ trang web tiếng việt của mình và tiếp tục tập trung vào thị trường khách quốc tế.
Hơn 2 năm sau khi Vntrip tố cáo Agoda, thị trường thương mại điện tử du lịch Việt Nam biến động không nhỏ. Năm 2018, Việt Nam chứng kiến thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lĩnh vực du lịch trực tuyến khi Vntrip mua lại Atadi, một công ty dẫn đầu trong thị trường đặt vé máy bay trực tuyến. Kể từ sau đó, theo số liệu của SimilarWeb, nếu tính về lượng truy cập, hiện Vntrip đứng đầu trong các OTA nội địa. Bức tranh này đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm năm 2017, khi Ivivu và theo sau là Mytour mới chính là những trang web dẫn đầu thị trường OTA trong nước.
Đối với thị trường OTA nội, hiện đối thủ nước ngoài lớn nhất đang cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Việt chính là Traveloka - một công ty của Indonesia được định giá khoảng 5 tỷ USD. Traveloka đã mở rộng hoạt động đến hầu hết các nước trong Đông Nam Á và có lượng truy cập lên tới gần 40 triệu lượt / tháng (phần lớn từ Indonesia). Công ty này cũng liên tục huy động hàng trăm triệu đô tiền vốn để tiếp tục lấn sân sang các thị trường mới như Việt Nam.
Ngược lại, đối với các OTA Việt như Mytour, Ivivu và Chudu24 đã từng một thời đứng đầu thị trường, hiện đang có dấu hiệu hụt hơi khi lượng truy cập trên đà tụt giảm. Điển hình là Mytour, một doanh nghiệp từng được thành lập bởi Vatgia, sau nhiều năm cạnh tranh cuối cùng đã được các nhà đầu tư bán lại cho Traveloka.
Đối với các công ty còn lại, để tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ ngày càng mạnh hơn về tiềm lực tài chính, cũng sẽ bắt buộc phải huy động thêm vốn để cạnh tranh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chưa thấy doanh nghiệp OTA nào ngoài Vntrip công bố huy động thành công. Như vậy, thị trường OTA Việt Nam đang dần hình thành bức tranh cạnh tranh song mã giữa Vntrip và Traveloka.
Và với thực trạng này, câu hỏi đặt ra là: Liệu ngành du lịch trực tuyến, mũi nhọn tương lai của nền kinh tế Việt Nam, sẽ được dẫn đầu bởi một doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài?
Trí thức trẻ