Không khí lạnh tràn về, miền Bắc rét dưới 10 độ C
Không khí lạnh tràn về khiến nền nhiệt miền Bắc giảm mạnh. Ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến từ 16-18 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ 13-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.
- 09-01-2024Từ mai, miền Bắc chuyển mưa rét
- 08-01-2024Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, có nơi rét dưới 10 độ C
- 08-01-2024Miền Bắc tăng nhiệt trước khi đón không khí lạnh tăng cường
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo, khoảng gần sáng ngày 10-1, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, hầu hết Bắc Trung Bộ và phía Tây Bắc Bộ.
Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3.
Từ ngày 10-1, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm.
Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến từ 16-18 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ 13-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.
Trên biển, từ gần sáng ngày 10-1, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 1,5-2,5 m, biển động.
Từ chiều và đêm 10-1, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, riêng vùng biển Đông Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 2-3,5 m.
Các tỉnh chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển
Để chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương nêu trên theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến thời tiết, thiên tai và biện pháp ứng phó gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Người lao động