Tự do tài chính là nói không với nợ nần?
Vay nợ có thật sự xấu trong mọi trường hợp? Xấu hay không còn phụ thuộc vào việc khoản nợ đó được sử dụng như thế nào.
- 12-03-2022Bao nhiêu tiền để đạt tự do tài chính? "Bông hồng" Forbes Under 30 cho rằng 3-4,8 tỷ là đủ cho bản thân, tiết lộ một định nghĩa rất khác về sự tự do tài chính mà ít người nghĩ đến
- 21-02-2022Người trước 30 tuổi thực hiện tự do tài chính, là làm đúng những chuyện gì?
- 13-02-2022Con đường đến với tự do tài chính thực ra đơn giản nếu bạn làm được 6 điều này
Chương trình Tự do tài chính được phát sóng trên đài truyền hình VTV tối qua (18/3), khách mời bà Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản, Khối trong nước DCVFM đã chia sẻ nhiều góc nhìn khác nhau về mối liên hệ giữa tự do tài chính và vay nợ.
Thông thường khi nhắc đến vay nợ, đa phần mọi người đều nhìn vấn đề với thái độ tiêu cực, cho rằng nợ nần là phụ thuộc, là chưa thể tự do tài chính. Bàn luận sâu hơn về quan điểm này, Host Ngọc Trinh đưa ra lối sống thường thấy ở người trẻ hiện đại "Mua trước trả sau". Câu hỏi được đặt ra cho diễn giả của chương trình là " ‘Mua trước trả sau’ có phải là tự do tài chính?"
Bà Mỹ Hạnh cho biết, đây là trạng thái tài chính không ổn định, là dùng nợ vay để tự do mua sắm chứ không phải tự do tài chính. Diễn giả cũng chia sẻ thêm: "Việc dùng nợ để chi tiêu là một cách truyền thông sai lệch về tự do tài chính. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nó sẽ làm lệch lạc suy nghĩ về tự do tài chính. Khi suy nghĩ bị lệch lạc, các bạn trẻ dễ bị lún sâu vào nợ nần, không làm chủ tài chính và dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho xã hội."
Khách mời của chương trình cũng chia sẻ, thời gian qua, nợ xấu tại các công ty tài chính cho vay tiêu dùng tăng lên rất cao trong thời điểm dịch bệnh. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc người lao động mất việc làm nên họ phải tìm đến nợ vay, điều này là bình thường. Tuy nhiên, phần còn lại đến từ việc nhiều người vay nợ để mua sắm chi tiêu. Và sau đó nhiều trường hợp đã gặp phải hậu quả không lường của việc vay trước trả sau khi không rõ khả năng trả nợ của mình mà cứ đâm đầu vào.
Sau chia sẻ của bà Mỹ Hạnh, rất nhiều khán giả đã thắc mắc vậy vay nợ như thế nào mới là đúng. "Vay nợ để đi đầu tư tài chính có phải là cách làm đúng và an toàn không?" – câu hỏi một bạn khán giả gửi về cho chương trình.
Trả lời câu hỏi này, diễn giả chia sẻ vay nợ không toàn toàn xấu, không phản đối nợ vì ngay cả bản thân bà Hạnh cũng đang có nợ. Tuy nhiên theo bà, nợ chia làm 2 loại, tạm gọi là nợ xấu và nợ tốt.
Nợ xấu là giống với trường hợp "Mua trước trả sau" ở bên trên, khi tiền đi vay chảy vào các tài sản chi tiêu, tiêu hao mà không làm cho sức mạnh tài chính của mình tăng lên. Trong khi đó, nợ tốt là mình sử dụng đòn bẩy để làm cho tài chính mạnh lên, tài sản gia tăng trong tương lai.
Diễn giả cũng lấy dẫn chứng thực tế về các tỷ phú trên thế giới và cả ở Việt Nam, đằng sau khối tài sản khổng lồ của họ thì ai cũng có nợ. Thậm chí những người càng giàu họ lại vay nợ càng nhiều vì họ có điểm tín dụng với các ngân hàng cao. Dựa vào điểm này, họ có thể đi vay ngân hàng với lãi suất thấp về đầu tư vào kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn.
Khai thác sâu hơn góc độ tích cực của nợ, Host Ngọc Trinh cũng nhanh chóng đưa ra câu hỏi cho khách mời "Mọi người thường nghĩ an toàn là đối nghịch với nợ nần, nhưng theo chị có bao giờ nợ đem lại sự tự do về tài chính không?"
Nợ trong đầu tư được gọi là đòn bẩy. Nếu tỷ lệ đòn bẩy nằm trong ngưỡng an toàn và thu nhập từ việc sử dụng đòn bẩy vẫn đủ trang trải cho khoản nợ kia, thì theo diễn giả đó là chuyện bình thường. Thậm chí bà Mỹ Hạnh còn chia sẻ bản thân mình thường xuyên theo hình thức này.
Nhưng vấn đề là sử dụng đòn bẩy trong đầu tư như thế nào để ít rủi ro và đi đến tự do tài chính nhanh nhất? Bà Mỹ Hạnh cho rằng trên con đường đi đến tự do tài chính không có nghĩa là mình phải tránh nợ. Chúng ta vẫn có thể vay nợ nếu nợ dùng để đầu tư vào tài sản có khả năng sinh ra dòng tiền để tài trợ cho chi phí lãi vay thì tài sản của mình sẽ tăng lên nhanh hơn. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý rằng việc sử dụng đòn bẩy còn tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư của mỗi người, chứ không phải thấy người khác vay nợ mình cũng làm theo.