Tự doanh công ty chứng khoán lớn nắm giữ cổ phiếu nào?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống ở quý II, mảng tự doanh của các công ty chứng khoán đều bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo lùi kết quả kinh doanh.
Nửa đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động không mấy tích cực trước ảnh hưởng từ hàng loạt thông tin liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine, Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm, lạm phát tăng cao ở các nước như Mỹ hay châu Âu... Kết thúc phiên giao dịch 30/6, VN-Index dừng ở mức 1.197,6 điểm, tương ứng giảm 300,68 điểm (-20,07%) so với cuối năm trước. HNX-Index giảm đến 41,42% xuống 277,68 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 24,05% xuống 85,58 điểm.
Tính riêng trong quý II, VN-Index giảm 294,55 điểm (-19,74%) so với cuối quý I. Tương tự, HNX-Index giảm 38,34%. UPCoM-Index giảm 26,88%.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong nửa đầu năm 2022 đạt 25.673 tỷ đồng/phiên, giảm 14,8% so với nửa cuối năm ngoái. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 15,2% xuống 23.677 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng quý II, giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên, giảm 35,8%.
Thị trường chứng khoán biến động tiêu cực làm cho kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán sụt giảm mạnh. Xét 15 công ty chứng khoán lớn, tổng doanh thu hoạt động đạt 12.787,6 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ, song giảm hơn 12% so với quý I. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.854,3 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ và giảm 64% so với quý trước.
Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu các doanh nghiệp này là hoạt động tự doanh. Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong đó, phần lãi FVTPL và HTM ghi nhận vào kết quả kinh doanh còn lãi AFS hạch toán vào vốn chủ sở hữu nên không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, khoản mục này giúp các công ty chứng khoán điều tiết lợi nhuận từ việc chuyển các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.
Theo thống kê, tổng giá trị tài sản tự doanh của top 15 công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý II đạt 102.385,5 tỷ đồng, tăng 7,4% so với quý I. Nếu loại trừ đi khoản HTM, giá trị danh mục tự doanh với 2 khoản mục FVTPL và AFS là 77.183,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán đều gồm các tài sản ít hoặc không biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, trong khi đó, phần cổ phiếu niêm yết lại chiếm tỷ lệ không quá lớn.
Chứng khoán VNDirect ( HoSE:VND ) đứng đầu về giá trị tài sản tự doanh với 28.870 tỷ đồng, tăng 23% so với quý I, chủ yếu bởi tài sản tài chính FVTPL tăng 36,5% lên hơn 20.978 tỷ đồng. Trong đó, 9.646,7 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, 9.532,5 tỷ đồng trái phiếu và 286,5 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chưa niêm yết. Giá trị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết là 1.512,5 tỷ đồng, giảm 24,8%.
Chứng khoán SSI ( HoSE:SSI ) đứng thứ 2 với 23.164 tỷ đồng, đi ngang so với quý trước. Trong danh mục FVTPL, 12.439 tỷ đồng là chứng chỉ tiền gửi, 4.232,7 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, và 125 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chưa niêm yết. SSI nắm giữ 598,5 tỷ đồng giá trị cổ phiếu niêm yết, giảm 40,2% so với quý I. Trong danh mục AFS trị giá 294 tỷ đồng là cổ phiếu chưa niêm yết (271,6 tỷ đồng) và trái phiếu chưa niêm yết (22,4 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/6, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết mà 15 doanh nghiệp chứng khoán lớn nắm giữ đạt 12.812,2 tỷ đồng, giảm 24,8% so với cuối quý I. Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE:VCI ) là công ty có danh mục cổ phiếu niêm yết lớn nhất với 4.055 tỷ đồng, chiếm 70,5% giá trị của 2 khoản mục FVTPL và AFS.
Giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết trong mảng tự doanh của các công ty chứng khoán lớn. Đơn vị: Tỷ đồng.
Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán lớn gồm các cổ phiếu nào?
Các công ty chứng khoán đứng đầu thị trường phần lớn lựa chọn những cổ phiếu vốn hóa lớn trong danh mục tự doanh.
Đối với Chứng khoán SSI, đơn vị đang nắm giữ 403,3 tỷ đồng cổ phiếu SGN của Phục vụ mặt đất Sài Gòn ( HoSE:SGN ). Bên cạnh đó, SSI cũng sở hữu khoảng 28,3 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Hòa Phát ( HoSE:HPG ) và 12,8 tỷ đồng cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE:MWG ).
Chứng khoán VNDirect có khoản đầu tư lớn nhất vào cổ phiếu PTI của Bảo hiểm Bưu điện ( HNX:PTI ) với gần 949 tỷ đồng. VNDirect còn nắm giữ 161,6 tỷ đồng cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen ( HoSE:HSG ), 112,2 tỷ đồng cổ phiếu MWG, và 103,9 tỷ đồng cổ phiếu NLG của Tập đoàn Nam Long ( HoSE:NLG ). Ngoài ra, VNDirect còn cầm các cổ phiếu trong danh mục phòng ngừa rủi ro chứng quyền là 37,3 tỷ đồng MWG, 30,9 tỷ đồng FPT của FPT ( HoSE:FPT ), và 5,7 tỷ đồng VHM nhà Vinhomes ( HoSE:VHM ).
Danh mục tự doanh của Chứng khoán TP HCM (HSC, HoSE:HCM ) đều gồm các mã bluechip như MWG (17,7 tỷ đồng), FPT (17 tỷ đồng), VPB của VPBank ( HoSE:VPB ) (10 tỷ đồng),… Ngoài ra, HSC còn cầm các cổ phiếu trong danh mục phòng ngừa rủi ro chứng quyền là MWG (99 tỷ đồng), FPT (48 tỷ đồng), MBB của ngân hàng MB ( HoSE:MBB ) (27 tỷ đồng)…
Đối với Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội ( HNX:SHS ), công ty có khoản đầu tư 424,7 tỷ đồng cổ phiếu TCB của Techcombank ( HoSE:TCB ) và 167,7 tỷ đồng cổ phiếu PET của Petrosetco ( HoSE:PET ) được phân vào FVTPL. AFS của công ty chứng khoán này có những khoản đầu tư lớn như SHB của ngân hàng SHB ( HoSE:SHB ) (533 tỷ đồng), TCB (249,4 tỷ đồng) hay BCG của Bamboo Capital ( HoSE:BCG ) (141 tỷ đồng).
Chứng khoán Bản Việt nắm gần 314 tỷ đồng cổ phiếu KDH của Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền ( HoSE:KDH ) và 4,2 tỷ đồng cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan ( HoSE:MSN ) trong danh mục FVTPL. Còn trong AFS, đơn vị có khoản đầu tư 1.670 tỷ đồng cổ phiếu IDP của Sữa Quốc tế ( UPCoM:IDP ), 588,4 tỷ đồng cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô ( HoSE:HDG ), 432,6 tỷ đồng cổ phiếu KDH, và 156,5 tỷ đồng cổ phiếu MWG.
Đỏ: cổ phiếu phòng ngừa rủi ro chứng quyền. |
Người Đồng Hành