MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ "kẻ hủy diệt iPhone" đến mắt xích khiến kinh tế Hàn Quốc lao đao

18-10-2016 - 12:41 PM | Tài chính quốc tế

Công ty có giá trị vốn hóa đạt hơn 200 tỷ USD và doanh thu hàng năm lên tới 177 tỷ USD chính là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế Hàn Quốc.

Những fan hâm mộ của Samsung gọi Galaxy Note 7 là “kẻ hủy diệt iPhone” vì sản phẩm này được coi là vũ khí giúp công ty đến từ Hàn Quốc đối chọi lại với những chiếc điện thoại thông minh của Apple. Tuy nhiên, chính Note 7 lại mang trong mình “mầm mống” của sự hủy diệt – chúng tự phát nổ do lỗi pin và khiến Samsung lao đao.

Sau khi thông báo khai tử chiếc smartphone có giá bán lẻ khởi điểm 900 USD, giá trị vốn hóa của Samsung đã sụt giảm hơn 20 tỷ USD chỉ trong vài ngày. Samsung Electronics dự báo cú sốc này sẽ khiến lợi nhuận sụt giảm 5,3 tỷ USD cho đến quý I năm sau.

Rắc rối bắt đầu xuất hiện ngay sau khi Note 7 ra mắt không lâu. Samsung Electronics – trụ cột của tập đoàn chaebol lớn nhất và cũng có thể coi là hùng mạnh nhất của Hàn Quốc đa trỗi dậy từ đống tro tàn chiến tranh vào những năm 1950 – đã có cách xử lý khá khôn khéo, khoanh vùng vấn đề nằm ở pin và thu hồi toàn bộ sản phẩm.

Trong khi Samsung và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng vẫn đang điều tra nguyên nhân khiến những chiếc điện thoại Note 7 phát nổ, bài viết này muốn đề cập đến một vấn đề to tát hơn đang đe dọa không chỉ Samsung. Công ty có giá trị vốn hóa đạt hơn 200 tỷ USD và doanh thu hàng năm lên tới 177 tỷ USD chính là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế Hàn Quốc.

“Không ngoa khi nói rằng Samsung và Hàn Quốc có cùng chung số phận, nếu xét đến tầm ảnh hưởng khổng lồ của tập đoàn này đối với nền kinh tế quốc gia”, Park Ju-geu – giám đốc công ty nghiên cứu doanh nghiệp CEO Score nói. Những rắc rối của Samsung chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu. Sản xuất từ những thứ nhỏ bé như chip bán dẫn đến những hàng hóa khổng lồ như tàu biển, Samsung chiếm đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Kể cả sau khi cổ phiếu xuyên thủng đáy vì sự cố nổ pin Note 7, Samsung Electronics vẫn chiếm 17% tổng giá trị vốn hóa của chỉ Kospi.

Trên thực tế, những lỗ hổng đã dần xuất hiện. Thống đốc NHTW Hàn Quốc Lee Ju-yeol vừa cảnh báo bê bối của Samsung là một trong những nhân tố đè nặng lên nền kinh tế quốc gia. Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện điện tử của Hàn Quốc sụt giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bê bối chính là từ đang ám ảnh các tập đoàn Hàn Quốc. Lotte đang dính phải hàng loạt bê bối, từ đấu tranh quyền lực trong nội bộ gia đình đến hối lộ quan chức trong khi hãng tàu tập đoàn vận tải biển hàng đầu thế giới Hanjin Shipping đệ đơn phá sản.

Tất cả những bê bối của các tập đoàn Hàn Quốc đều nằm ở những lĩnh vực như sai sót trong khâu quản lý chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của công ty.

“Bệnh” của Chaebol

Theo một số chuyên gia phân tích, sai lầm của Samsung lại nằm ở quyết tâm chạy đua với Apple. Samsung đã rất nỗ lực để có thể ra mắt Note 7 ngay trước khi Apple tung ra iPhone 7.

Tất nhiên Samsung bác bỏ lập luận này và nói rằng thời gian ra mắt sản phẩm mới được quyết định dựa trên quá trình sản xuất cũng như độ sẵn sàng của sản phẩm. Thế nhưng Kim Sang-jo, giáo sư kinh tế tại ĐH Hansung, cho rằng vì quá vội vã các kỹ sư của Samsung đã không có đủ thời gian kiểm tra sản phẩm trước khi tung ra thị trường, dẫn đến sự cố đáng tiếc. Đây là lời buộc tội sắc bén rất bất lợi đối với công ty sản xuất tới 300 triệu chiếc smartphone mỗi năm.

Sau vụ bê bối này, Samsung đương nhiên phải kiểm tra và kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách kỹ càng hơn. Nhưng nhiều chuyên gia phân tích và không ít người trong ngành đang đặt dấu hỏi về Koh Dong-jin, người phụ trách mảng di động của hãng. Con người trẻ tuổi mới ngồi vào vị trí này từ tháng 12 năm ngoái để thay thế cho Shin Jong-kyun (vốn là người đã tạo nên chuỗi Galaxy đình đám có ý nghĩa quan trọng với thành công của Samsung) đang gặp phải “sóng to gió lớn”.

Kể từ khi Chủ tịch Lee Kun-hee nhập viện tháng 5/2014, tập đoàn Samsung giống như “một con thuyền phải vượt giông bão mà không có vị thuyền trưởng tài ba”. Đây cũng là rắc rối mà nhiều chaebol của Hàn Quốc đang gặp phải bởi không tìm được người kế vị xuất sắc. Người thừa kế Lee Jae-yong vẫn chưa củng cố được vị thế và còn phải đối mặt với cuộc chiến khốc liệt để giành được sự ủng hộ của nhân viên cũng như xã hội.

Ai hưởng lợi?

Với những gì Samsung đang gặp phải, các đối thủ của hãng có thể nhìn thấy cả cơ hội và những bài học sâu sắc. Một khảo sát được thực hiện trên Sammobile.com, trang web thu hút được cả những fan hâm mộ lớn nhất của Samsung, cho thấy 40% người dùng muốn chuyển sang một thương hiệu khác.

Theo Ronan de Renesse, chuyên gia đang làm việc tại công ty tư vấn công nghệ Ovum, Apple là bên hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất. Nếu chỉ 1/5 trong số 2,5 triệu khách hàng đã mua Note 7 chuyển sang mua iPhone, doanh thu của Apple có thể tăng gần 400 triệu USD. Nếu tỷ lệ tương tự trong nhóm 10 triệu khách hàng mà Samsung dự đoán sẽ mua Note 7 trong vài tháng tới cũng chuyển sang iPhone, Apple đút túi thêm 1,5 – 1,7 tỷ USD trong quý IV.

Huawei, công ty Trung Quốc đang đứng thứ 3 trên thị trường smartphone và đang muốn tiến lên trên phân khúc cao cấp, cũng được hưởng lợi. Có cùng hệ điều hành Android với các sản phẩm của Samsung sẽ là một lợi thế dành cho Huawei.

Thu Hương

FT

Trở lên trên