MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc đến bài toán phát triển cho vay tiêu dùng bền vững

13-07-2017 - 15:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Tiêu dùng nếu không giúp phục vụ tăng trưởng thì tiêu dùng cũng sẽ giảm lại. Tín dụng tiêu dùng do đó sẽ không thể phát triển bền vững. Quản lý tài chính nên chăng có thể đưa vào chương trình học đường như một môn học chính thức?

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Cho vay tiêu dùng là hình thức tài trợ cho mục đích chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống trước khi họ có đủ khả năng về tài chính để hưởng thụ. Ngoài ý nghĩa kinh tế, tín dụng tiêu dùng còn giúp giảm tín dụng đen, vốn là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Trong hai ba năm gần đây, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khá “nóng”.

Tuy nhiên, làm sao để cho vay tiêu dùng có thể hỗ trợ tăng trưởng ở cấp độ vi mô cá nhân người đi vay hay cấp độ vĩ mô là nền kinh tế, tránh những cuộc đổ vỡ như trong lịch sử đã từng ghi nhận?

Đây cũng là một trong các nội dung được tập trung thảo luận tại Tọa đàm về “Phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức với sự tham gia của đại diện Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, Viện chiến lược Ngân hàng, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, các Chuyên gia kinh tế và các Công ty tài chính (CTTC).

Theo T.S Cấn Văn Lực, tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.

Tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam cũng liên tục tăng cao. Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam đã tăng phi mã từ 52,5% vào năm 2005 lên đỉnh điểm 77,7% vào năm 2009. Giai đoạn 2010-2016 nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy giảm khiến chỉ số này cũng suy giảm đến đáy vào năm 2012. Từ năm 2013 đến nay tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016, cao hơn mức đỉnh ghi nhận năm 2009.

Ông Nguyễn Tú Anh cũng đặt ra vấn đề việc cho vay nếu bản chất mang tính chất đầu tư sẽ giúp phục vụ cho tăng trưởng. Nhưng như trường hợp tiêu dùng để mua hàng nhập khẩu, không phải công cụ lao động thì lại là dấu trừ.

"Bởi tiêu dùng nếu không giúp phục vụ tăng trưởng thì rồi tiêu dùng cũng sẽ giảm lại, tín dụng tiêu dùng do đó sẽ không thể phát triển bền vững", ông Tú Anh nhận định.

Tuy vậy, theo Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, cách tiêu dùng hỗ trợ cho tăng trưởng cũng cần nhìn tổng thể hơn. Một ví dụ được ông đưa ra đó là việc một người bán kem vay tiền mua xe máy thì chính áp lực trả nợ cũng phải khiến người này tìm cách tăng số lượng kem bán ra mỗi ngày.

Đứng ở vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, lo lắng về sự phát triển bền vững của tín dụng tiêu dùng không phải không có căn cứ. Cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc năm 2003 là một ví dụ rõ ràng về nguy cơ tăng trưởng quá nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng.

Khi Hàn Quốc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng 1997, từ năm 2000, các ngân hàng thương mại dư thừa thanh khoản trong khi các doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh giảm mạnh. Điều này đã tạo sức ép lên các tổ chức tín dụng tìm cách phát triển lĩnh vực cho vay tiêu dùng để bù đắp vào. Sự phát triển quá nóng của lĩnh vực này trong khi hệ thống kiểm soát còn lỏng lẻo đã làm cho khách hàng vay mượn quá mức, vượt khả năng chi trả. Cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng lớn nhất Hàn Quốc đã nổ ra năm 2003 khi đồng loạt nhiều khách hàng không có khả năng chi trả.

Bài học tại một số quốc gia hay sự đổ bể của quỹ tín dụng nhân dân thời gian trước đây cũng được chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhắc tới. Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng cần đặc biệt lưu ý việc bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro vỡ nợ, đồng thời khuyến cáo các công ty tài chính cần nâng cao quy trình thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay, trả và các yếu tố khác của khách hàng để tránh những xung đột xã hội.

“Bảo vệ khách hàng là bảo vệ chính mình”. Ông Tú Anh cũng đưa ra kiến nghị về việc nên có những quy định hạn mức tiêu dùng trên toàn hệ thống của một khách hàng hay về số lượng thẻ tín dụng của một cá nhân,…

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho chính mình, theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình và tìm hiểu kỹ lưỡng về lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,...

T.S Cấn Văn Lực cho rằng muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, NHNN, các cơ quan quản lý Nhà nước… không chỉ cần hoàn hiện hành lang pháp lý mà còn phải tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng của người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng còn cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa tài chính tiêu dùng vào chương trình học đường như một môn học chính thức. Hiện đã có một số trường tư làm được việc này trong khi các trường công chưa làm được. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tài chính tiêu dùng, hay nói đơn giản hơn là việc chi tiêu cá nhân là một trong những bài học cơ bản của các em học sinh, giúp các bạn trẻ có sự chuẩn bị tốt về kế hoạch tài chính cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên