MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ làm nail đến tỷ phú khiến phố Wall phải kiêng dè, 5 con người này đang thành danh trên đất Mỹ như thế nào

31-10-2016 - 23:00 PM | Tài chính quốc tế

Câu chuyện về những doanh nhân gốc Việt thành danh ở nước ngoài có lẽ sẽ chẳng bao giờ đi đến hồi kết. Ở đó có những góc khuất còn nhiều vất vả nhưng cũng có những tấm gương vươn lên thành công khiến hàng triệu người nể phục.

Chính E Chu: 15 lần xin việc thất bại đến tỷ phú khiến phố Wall phải “kiêng dè”

Chính E. Chu sinh năm 1966 tại Việt Nam. Sau khi nhận bằng Cử nhân Tài chính Đại học Buffalo và 15 lần xin việc thất bại, ông được nhận vào làm tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brothers năm 1988. Cơ hội đã đưa Chính Chu đến với lĩnh vực tài chính khi ông đầu quân cho tập đoàn tài chính Blackstone năm 1990.

Chính Chu từng giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc cấp cao quản lý tài sản của Blackstone. Dưới bàn tay đạo diễn của Chính Chu, Blackstone đã hoàn thành nhiều thương vụ thâu tóm lớn như vụ mua lại Ondeo Nalco trị giá 4,2 tỷ USD; vụ thâu tóm tập đoàn hóa chất Celanese của Đức với giá 3,8 tỷ USD hay vụ hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions với giá 3,3 tỷ USD...

Năm 2013, Chính Chu trở thành "đạo diễn" cho kế hoạch thu mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD. Mặc dù cuối cùng Blackstone rút khỏi thương vụ này và nhường chỗ cho Silver Lake Management nhưng những gì mà Chính Chu đã thực hiện vẫn khiến cả phố Wall phải “kiêng dè”.

Không những thế, ông còn được biết đến là "một thương nhân ẩn danh" đã chi 34,3 triệu USD để mua trọn tầng 89 và một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower khiến tỷ phú bất động sản, ứng viên Tổng thống Mỹ 2016 Donald Trump phải “tái mặt”.

Tháng 11/2015, Chính Chu đã từ chức tại Blackstone, nhưng ông vẫn giữ vị trí Cố vấn cấp cao tại Tập đoàn này. Chính Chu cho biết, ông muốn tìm kiếm thử thách ở những lĩnh vực mới, bao gồm lĩnh vực phi lợi nhuận. Hiện tài sản của vị tỷ phú này lên tới 1,1 tỷ USD.

Hoàng Kiều: Từ tuổi thơ khốn khó đến top 400 người giàu nhất nước Mỹ

Ông Hoàng Kiều sinh ra tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1975, ông tay trắng ra nước ngoài kiếm sống khi đã có vợ và 5 người con. Vì gánh nặng gia đình, lối thoát duy nhất của Hoàng Kiều khi đó là buộc phải lăn xả kiếm tiền.

Giỏi tiếng Anh và cũng nhờ có nhiều mối quan hệ, ông xin được vào phòng thí nghiệm của hãng Abbott trong lĩnh vực điều trị bệnh viêm gan. Sau 5 năm, từ một nhân viên, ông đã bước lên vị trí giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương. Năm 1980, Hoàng Kiều đã mua lại một phần cơ sở thí nghiệm của Abbott và thành lập RAAS (Rare Antibody Antigen Supply).

Ban đầu, RAAS chỉ tập trung thu gom huyết thanh chuyên dụng cung cấp cho ngành công nghiệp phân tách mà chưa ra sản phẩm cuối cùng. Sau khi đi vào hoạt động, RAAS đã xây dựng được hàng loạt trung tâm tách hồng huyết cầu ra khỏi dịch tương ở khắp vùng phía Tây của Hoa Kỳ.

Những năm cuối thập kỷ 80, khi nguồn nguyên liệu huyết tương trở nên khan hiếm, ông nghĩ ngay đến việc chuyển công ty đến Trung Quốc. Năm 1988, công ty của ông đặt tại Thượng Hải và lấy tên Shanghai RAAS. Năm 2014, Shanghai RAAS thực hiện IPO và ông Hoàng Kiều ngay lập tức lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do Forbes bình chọn.

Hiện ông Hoàng Kiều là một trong 400 người giàu nhất nước Mỹ và là một trong 1000 tỷ phú giàu nhất thế giới với tổng tài sản khoảng 3,8 tỷ USD.

Triệu Như Phát: “Tỷ phú nghèo” sở hữu khổi bất động sản trăm triệu đô tại Mỹ

Sinh ra tại Hải Phòng, năm 7 tuổi, Triệu Như Phát theo gia đình vào Sài Gòn. Đến năm 1975, ông cùng vợ sang Mỹ định cư. Nhờ vào vốn tiếng Anh nên ông dễ dàng tìm được công việc bán máy hút bụi tại California. Thế nhưng, với đam mê làm giàu sẵn có, ông quyết tâm khởi sự kinh doanh cho riêng mình.

Ông nói: “Tôi không quan tâm việc lấy bằng cấp. Tôi chỉ muốn có kiến thức để có thể phát triển trong lĩnh vực bất động sản”. Ông học các chương trình về bất động sản, tài chính doanh nghiệp, luật kinh doanh, kế toán, thiết kế và xây dựng.

Năm 1978, ông Triệu Như Phát chính thức khởi sự kinh doanh ngành bất động sản tại California khi thành lập Công ty Bridgecreek. Dồn hết tâm huyết vào đây, suốt 10 năm trời gần như tuần nào ông cũng làm việc 7 ngày với hơn 16 tiếng mỗi ngày.

Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đã đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến khoảng 500 triệu USD. Trong đó, có khu thương mại Phước Lộc Thọ (tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ.

Là CEO của Bridgecreek, ông Triệu Như Phát không chỉ phụ trách phát triển Cộng đồng Little Saigon với hơn 5.000 doanh nghiệp châu Á mà ông còn giám sát hoạt động của nhiều công ty trong lĩnh vực phát triển bất động sản, dịch vụ bất động sản và đầu tư. Năm 1981, ông đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang Trung Quốc và Đông Nam Á.

Năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush đã chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là một quỹ trực thuộc Nhà Trắng chuyên hỗ trợ trao đổi giáo dục Việt - Mỹ, từng cấp học bổng cho hàng trăm trí thức Việt Nam sang Mỹ để tu nghiệp, học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Sau đó, ông trở thành Giám đốc của VEF.

Trung Dũng: “Vốn dắt lưng” 2 USD đến thương vụ khiến cả nước Mỹ “e dè”

Sinh năm 1967 tại Việt Nam, Trung Dũng đến Mỹ từ năm 17 tuổi với “vốn dắt lưng” vỏn vẹn 2 USD và vốn tiếng Anh ít ỏi. Những ngày đầu sang Mỹ là khoảng thời gian khó khăn của Trung Dũng. Lúc đầu, Trung Dũng và người chị của mình xin được lưu trú ở Louisiana, sau đó chuyển sang Boston.

Trung Dũng vừa học vừa làm đủ mọi công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình. Mặc dù vậy, chàng thanh niên nghèo vẫn hoàn thành chương trình tiến sĩ và bắt đầu khởi nghiệp tại công ty phần mềm thương mại điện tử OpenMarket.

Nhận ra rằng đây chính là thời điểm bùng nổ Internet, Trung Dũng quyết định rời OpenMarket để thành lập công ty OnDisplay vào năm 1996. Năm 1999, OnDisplay là một trong 10 công ty lần đầu lên sàn chứng khoán thành công nhất ở Mỹ.

Năm 2000, Trung Dũng đã khiến cho cả nước Mỹ e dè và nể phục khi chuyển nhượng công ty OnDisplay cho hãng Vignette Corp với giá gần 1,8 tỷ USD.

Sau thành công với OnDisplay, Trung Dũng tiếp tục thực hiện một số dự án kinh doanh và đạt được không ít thành công. Trung Dũng hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Mobivi – công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Charlie Tôn Quý: Vua nails tại Mỹ

Charlie Tôn Quý sinh năm 1970 tại Qui Nhơn. Năm 1986, sau khi học xong lớp 8 tại Việt Nam, Tôn Quý một mình đến bang Louisiana, Mỹ khi mới 14 tuổi.

Một năm sau khi sang Mỹ, Charlie Tôn Quý bắt đầu tiếp tục chương trình học trung học tại trường West Jefferson, New Orlean, Lousiana. Trong thời gian đi học, Charlie phải vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì vợ anh kinh doanh tiệm nails nên anh nảy ra ý tưởng mở một tiệm cung cấp linh kiện và hóa chất cho các tiệm nails khác.

Cuối năm 1997, trong một lần đi mua sắm tại Wal-Mart – chuỗi siêu thị mua sắm lớn nhất tại Mỹ, Charlie quan sát và nhận ra rằng có đến 70% khách hàng tại đó là phụ nữ. Anh đã đề nghị Wal Mart hợp tác để mở tiệm nails ngay trong khu vực thương mại của họ. Quá trình đàm phán và thuyết phục Wal-Mart tại Mỹ kéo dài mất 2 năm, Charlie mới nhận được cái gật đầu của “kẻ khó tính” này.

Cho đến nay, các cửa hàng Regal Nails làm theo phương thức franchise (nhượng quyền) của Charlie Tôn Quý đã lên tới con số gần 1.200 tiệm trải dài trên khắp đất Mỹ. Từ một người nhập cư với hai bàn tay trắng, Charlie đã xây dựng Regal Nails trở thành một đế chế nails lớn tại Mỹ

Theo thống kê, doanh thu mỗi năm của toàn hệ thống Regal Nails là khoảng 500 triệu USD. Mức doanh thu lên tới nửa tỷ USD mỗi năm quả thực là một con số không hề nhỏ chỉ với công việc chăm sóc và sơn sửa móng tay, móng chân tại Mỹ.

Theo lời một chuyên gia trong ngành chứng khoán, nếu Regal Nails niêm yết trên sàn chứng khoán thì cổ phiếu của hãng này sẽ là một trong những cổ phiến hot nhất vì con số doanh thu ấn tượng cũng như yếu tố an toàn do không có nợ.

Hà My

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên