MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn

21-10-2020 - 22:42 PM | Sống

Từ vùng lũ lụt Hà Tĩnh, một bạn đọc gửi cho chúng tôi bài viết này. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Lời giới thiệu:

Miền Trung đang vừa chống chịu với lũ lụt vừa chuẩn bị đón nhận những trận bão sắp tới. Những ngày này cả nước và bà con kiều bào, các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng đều hướng về miền Trung, mong chia sẻ khó khăn của đồng bào. Để cứu trợ được hiệu quả, chúng ta cần biết người miền Trung cần gì.

Lũ thành quen, trẻ con cũng biết buộc cửa chống gió

Tôi sinh ra ở một vùng chiêm trũng của tỉnh Hà Tĩnh, năm nào bão cũng đến mấy lần, người dân sống với bão lũ lâu dần thành quen.

Cứ tháng 6 đến tháng 11, nhìn thời tiết và nghe Đài báo bão, chẳng ai bảo ai, mọi người xách dao rựa đi quanh làng phát những nhánh cây to, chặt hạ những thân cây yếu ớt để khỏi bị bão xô ngã vào nhà hay vào đường điện. Trẻ con quê tôi mười tuổi đã biết dùng dây thừng buộc cửa, chặt cành cây hay xúc cát vào bao tải để đắp lên mái nhà giữ ngói những lần gió nổi.

Làng tôi rất nhiều nhà có thuyền, dù con sông chảy qua giữa làng bình thường nước không quá ngực một người trưởng thành. Họ chuẩn bị sẵn thuyền để phòng lúc “chạy lũ” cứu lúa, cứu tài sản và thả lưới bắt cá vào mùa nước lên. Lũ đến, người lớn thường vạch những vạch sơn lên tường nhà mình để đánh dấu mực nước khi nó tràn vào nhà. Nhà của các hộ sống dưới vùng đất thấp đều loang lổ những vệt sơn như thế.

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 1.

Năm nào cũng lũ, mọi người đều có chút ít kinh nghiệm để ứng phó. Cả làng làm việc chung. Mọi người thống nhất phương án kê kích hoặc di dời tài sản và triển khai rất nhanh. Ưu tiên những nhà dưới thấp, những hộ neo đơn và nhà cửa tạm bợ trước. Nước lên, khi không còn có thể kê lên cao trong nhà nữa thì mọi người đẩy thuyền đưa tài sản và vật nuôi đến những nơi an toàn hơn. Luôn chủ động để ứng phó với cả những trường hợp xấu nhất.

Nhưng những lần nước lên quá nhanh như khi các hồ lớn xả đập, nước tràn bờ đê hay mưa lớn nhiều ngày không dứt thì trở tay không kịp. Lúc xác định phải chạy lấy người thì mới xác định là mất tất cả.

Mùa lũ bận rộn và vất vả hơn so với mùa gặt nhiều. Chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ lúc lũ về vì mọi người đều phải cùng nhau làm mọi việc chống lũ.

Chắc sẽ có người còn nhớ trong đợt lũ lịch sử năm 2010, một chiếc xe khách đi trên Quốc lộ 1A qua địa phận Hà Tĩnh đoạn cầu Rong, huyện Nghi Xuân đã bị nước lũ cuốn xuống sông Lam khiến 17 người tử nạn.

Đận ấy hai hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh cùng xả lũ để bảo vệ đập.

Lũ đến, nhà nào cũng là “nhà chung”

Nước lên to lắm. Ở quê tôi có nhà ở vùng thấp nước ngập đến cổ. Tất cả thanh niên và những người trung niên khoẻ mạnh trong làng tự lập thành đội vài chục người, ngày đêm lội lụt hoặc chèo thuyền đi quanh làng, hết nhà nọ đến nhà kia kê kích, di dời đồ dùng và gia súc lên cao, đưa người già và trẻ em đi lánh lũ, cứu từng cái TV, từng bao lúa giống lên trạn (phần gác làm cao gần sát mái nhà để chứa đồ dùng và người khi lũ lên cao). Nhà neo đơn, ít người, trẻ con người già nhiều thì đâu có sức vóc để làm những việc này, nên tự động người làng chia việc ra giúp nhau.

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 2.

Lụt đến tầm ngày thứ 4, không ai trong chúng tôi còn bộ quần áo nào khô. Cả làng bị cô lập, xung quanh là một biển nước trắng bạc. Nhưng người dân thì không cô lập. Vì trước đó, khi nước bắt đầu dâng cao thì những ngôi nhà hai tầng kiên cố, nằm trên vùng đất cao đã được tập trung làm “căn cứ điểm”. Dân làng cùng đến tránh trú ở đó, lúa gạo, tài sản, gia súc….. được tập trung về hết tại đó. Các bà các mẹ tập trung nấu cơm ăn và chăm sóc người già, giữ trẻ con của tất cả các nhà, cánh đàn ông lo việc cứu lụt bên ngoài. Lúc đó cả làng là một ngôi nhà chung, lương thực thực phẩm góp vào ăn uống ngủ nghỉ chung, lo làm công việc chung.

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 3.

Kể ra nếu tập trung lên các trường học, ủy ban xã vốn được xây cao tầng để làm nơi tránh lụt hay những nơi trú tránh công cộng sẽ an toàn hơn. Nhưng đấy chỉ là phương án cuối cùng, lúc không còn lựa chọn nào khác. Còn nếu nước lũ cứ dâng lên bình thường, không kèm bão tố, hay mưa lớn đột biến nhiều ngày, xả lũ quá gấp…. thì dân quê tôi vẫn cố bám lấy nhà, lấy tài sản vì không muốn bất cứ thứ gì của mình bị cuốn trôi theo dòng nước.

Phải ở nhà để hàng giờ biết mực nước dâng lên bao nhiêu còn kê kích, chèn chống. Một bao lúa, một cái TV, một chiếc bếp gas hay chỉ vài cái nồi nấu ăn cũng phải đổi bằng biết bao nhiêu mồ hôi trên đồng ruộng. Đóng cửa bỏ đi thì tài sản trong nhà biết đâu mà giữ, nước chảy vào không được chèn kỹ thì nghiêng trôi, hư hỏng. Chưa kể còn nguy cơ trộm cắp. Dân làng dĩ nhiên không ai trộm cắp của ai nhưng lợi dụng nước lụt, nhà vắng, kẻ gian cũng xuất hiện ít nhiều. Thế nên người ta quý mà giữ cho đến tận cùng của giới hạn sức người. Chỉ khi nào nước dâng lên cao đến mức sát mái ngói rồi, không cách chi ở trong nhà mình nữa thì mới lên thuyền tránh đi chỗ khác.

Thường thì khoảng một tuần là nước rút. Những lúc hoạn nạn ấy, tình cảm xóm giềng trở nên khăng khít hơn bao giờ hết.

Câu chuyện mì tôm

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 4.

Hồi bé, tôi được chứng kiến rất nhiều đoàn từ thiện về quê dịp mưa bão, có đoàn mang theo cả người quay phim đi cùng. Đại diện chính quyền và bên từ thiện phát quà hỗ trợ, trẻ con tíu tít chạy theo người vác máy quay để hi vọng có dịp lên “ké” ti vi, người lớn thì vội vã ra nhận “phần” của mình rồi về thật nhanh.

Cũng đận ấy, các đoàn từ thiện về rất nhiều. Họ đến từng làng phát gạo, mì tôm, nước mắm, lương khô, quần áo.... Mỗi nhà được chia “phần” theo sự tham mưu của địa phương. Những người già cả, neo đơn phần nhiều, thanh niên tráng hạng phần ít hơn. Đến chục ngày thì nhà nào cũng có ít nhất đôi ba thùng mỳ tôm, mấy yến gạo, nước mắm xà phòng và cả quần áo cũ từ khắp nơi đưa về. Như nhà tôi năm lũ vừa kể, cả chục thùng mì tôm được phát.

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 5.

Nhưng đây cũng là vấn đề. Quê tôi tuy nghèo nhưng từ xa xưa các cụ đã dạy “ăn khi lành dành khi đau” nên trong nhà lúc nào cũng có một khoản dự trữ cho mùa mưa sa nước bạc. Chỉ cần cứu được người và tài sản, không phải lo cái ăn cái mặc sau lũ. Và như tôi đã kể, khi lụt thì cả làng dồn về vài ngôi nhà cao, gom lương thực thực phẩm lại ăn chung. Chúng tôi không hề thiếu thốn bữa ăn trong mấy ngày lụt. Lợn gà ngày nắng nuôi được, thì ngày lũ thịt ra ăn. Mới có sức mà làm việc quần quật trong lũ chứ.

Đến đây sẽ có người đọc hỏi: Vậy tại sao các đoàn từ thiện về tặng mì tôm mà dân quê mình vẫn nhận?

Đó là vì các đoàn từ thiện thường thường ai cũng đưa mì tôm vào cả. Đó là quà tặng, một miếng một gói cũng quý vì là tấm lòng người ta tự nguyện trao tặng, người nhận không thể nào cất lên câu nói rằng chúng tôi không cần mì tôm lắm đâu, các anh chị hãy đừng tặng mì tôm. Chúng tôi rất cảm kích, chỉ là nhu cầu thật sự thì không nhiều với mỳ tôm.

Hơn nữa, các đoàn từ thiện chỉ có thể về làng sau khi lũ đã bắt đầu rút dần, vì lúc đó đường sá mới bớt nguy hiểm, có thể đi lại được. Còn trong đỉnh lũ thì nước dâng vài mét, chỉ người dân tại chỗ mới tự cứu nhau được thôi.

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 6.

Thêm chuyện tế nhị này không thể không nói ra.

Các đoàn từ thiện về, nhiều đoàn tặng thêm quần áo, nhưng trong đó có khi có cả đồ rách, và quần áo lót phụ nữ. Dĩ nhiên những thứ này chỉ có bỏ, chứ không ai dùng. Sau Ủy ban nhờ Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ đưa đi từng nhà phân phát theo “chỉ tiêu”.

Quần áo cũ đa phần ai cần thì lấy, không hết thì chia nhau làm giẻ lau. Còn mì tôm sau mấy đợt phân phát cũng nhiều đến nỗi bọn trẻ con xé lấy gói muối bên trong chấm ăn rồi bỏ vắt mì lăn lóc khắp nơi. Người lớn bận bịu nhiều việc, không thể mỗi lúc mỗi quản chúng được.

Đến khi nước rút, nhiều gia đình lại đưa mì tôm, lương khô, xà phòng… ra tạp hóa đổi lấy thuốc trừ muỗi, vôi xử lý sân vườn và cả đồ gia dụng để thay thế những thứ đã hỏng hóc.

Dân vùng lụt cần phèn chua, vôi bột, viên xử lý nước, cồn I-ốt, Panadol

Công cuộc tái thiết sau thiên tai vất vả không kém gì so với những ngày còn sống giữa biển nước. Nguồn nước duy nhất để sử dụng lúc ấy là nước lũ. Xác động vật, cây cỏ chết thối rữa, các hầm vệ sinh đưa phân nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trên nguồn đổ về không biết bao nhiêu loại rác rưởi, có hôm tôi còn thấy bọn trẻ con kéo một cái nắp ván thiên khá mới dạt đâu về về định đóng bè chuối ra sông tắm.

Quê tôi đến giờ vẫn còn giữ tục hung táng (người chết chôn xong vài năm mới cải táng, chôn cất vĩnh viễn). Xung quanh các làng toàn nghĩa địa, nước ngập băng lên cả vùng.... Nghĩ lại phải dùng nước ấy nấu ăn, đến giờ tôi vẫn thấy rợn người. Nhưng không dùng nước ấy, thì cũng chẳng đào đâu ra nước sạch.

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 7.

Bây giờ thì ở các thị trấn, thành phố, hàng tạp hóa cũng có bán viên xử lý nước, nhưng hàng ngày đâu có ai dùng, thường thường cũng không trữ. Nước lụt mênh mông nên cũng chẳng lội đi mua được. Ở các vùng sâu vùng xa thì không ai bán cả. Giá lúc ấy có thuốc xử lý nước, than lọc hay máy lọc để người dân vùng lũ có nước sạch sử dụng thì tốt biết chừng nào.

Nước rút, khi xe cộ đi lại lưu thông được thì vào mùa vôi bột. Vôi rất cần để xử lý rác thải, cây cỏ chết. Vôi diệt rêu mốc, tẩy uế và diệt các khu vực đọng nước để diệt loăng quăng….. Nhớ hồi đó, những ngày đầu xe tải chở vôi đến chỉ tiếng đồng hồ là bán hết. Giá bán cũng rất cao vì lúc ấy “cơ chế thị trường” tự làm việc của nó, người dân quá cần trong khi nguồn cung thì có hạn, ai chậm chân là hết.

Vâng, đó mới chính là những thứ chúng tôi cần nhất. Phèn chua, chất tẩy rửa, vôi bột và nước sạch, cần hơn rất nhiều so với mì tôm và áo phao.

Từ một người con Hà Tĩnh lớn lên cùng lũ lụt: Trẻ con cũng được học buộc cửa chống gió, cả làng “không nhà nào là nhà riêng” khi lũ về và câu chuyện gói mỳ tôm cứu nạn - Ảnh 8.

Còn nữa là thuốc men. Những người cả ngày ngâm trong nước đa phần về sau đều bị cảm hoặc bị bệnh ngoài da. Nước lụt bẩn lắm, lội vài ngày là ghẻ ngứa đầy chân. Thuốc men lúc ấy thường là chuyền tay nhau, một vỉ Panadol hay chai cồn I-ốt xức ngoài da chia năm sáu người dùng. Lúc ấy nhà thuốc và bệnh viện quá xa để nghĩ tới chuyện đi mua. Hậu quả để lại sau này là nhiều người bị khớp, nhiễm phong hàn hoặc bị ghẻ, hắc lào, tổ đỉa…. Rất lâu sau mới chữa được khỏi.

Đó là câu chuyện của vùng quê lũ lụt hàng năm Hà Tĩnh quê tôi. Tại sao hàng năm lũ lụt, bão tố mà người dân chúng tôi vẫn bám giữ quê hương, nhà cửa? Đó là vì, một phần như câu chuyện tôi vừa kể, chúng tôi đã quen sống hàng ngàn đời ở vùng này, và để sống được thì phải có cách sống chung với nó rồi làm chủ nó.

Hy vọng câu chuyện này có thể giúp mọi người ở xa hiểu thêm chút ít về vùng quê khó khăn Hà Tĩnh.

Phan Việt Anh (Hà Tĩnh)

Theo Phan Việt Anh

Pháp luật và Bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên