Từ Nam ra Bắc ăn Tết mà phải bay phải lòng vòng như quá cảnh nước ngoài
Dù liên tục tăng chuyến nhưng hàng không Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển của người dân dịp cận Tết. Tình trạng này khiến giá vé máy bay tăng "chóng mặt", thậm chí hành khách phải chấp nhận bay đường vòng, nối chuyến giống như các chặng bay đi châu Âu, châu Mỹ.
- 29-01-2024Số chuyến bay delay tăng cao cuối năm, Cục Hàng không chỉ ra nguyên nhân
- 26-01-2024Hãng hàng không nào bay đúng giờ nhất năm 2023?
- 26-01-202420 triệu USD đầu tư Nhà máy linh kiện hàng không vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Căng thẳng vé máy bay Tết
Cục Hàng không Việt Nam cho biết từ ngày 2/2-9/2, các chặng bay từ TPHCM tới các tỉnh phía Bắc đều có tỷ lệ đặt chỗ rất cao. Thậm chí, giá vé tăng cường, bay đêm cũng không hề rẻ. Khảo sát vé từ TPHCM - Hà Nội trong khoảng thời gian kể trên của các hãng bay thấp nhất đều hơn 3,5 triệu đồng /lượt. Dù chặng bay này có tỷ lệ mới chỉ ở mức trên 80% nhưng giá vé đắt đỏ khiến hành khách hết sức đắn đo khi đặt mua.
Chị Tho - chủ đại lý phân phối vé máy bay từ năm 2014 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội - cho biết: "Giai đoạn trước Tết, lượng người đi từ TPHCM đến Hà Nội rất đông nhưng chiều ngược lại thì ít khách. Vấn đề lệch tải này khiến các hãng hàng không phải điều phối thêm những chuyến bay rỗng từ Hà Nội vào TPHCM để chở khách. Vì chi phí vận hành một chuyến bay rỗng như một chuyến bay chở đầy khách nên giá vé hiện giờ vẫn không thể giảm, khiến tình hình lấy vé cho khách hàng vẫn rất căng thẳng".
Chặng bay từ TPHCM - Thanh Hóa ngày 29 tháng Chạp, Bamboo Airways báo hết vé . Trong khi đó, Vietjet Air và Vietnam Airlines chỉ còn các chặng bay đêm, với giá vé một chiều dao động trong khoảng 3,4-3,6 triệu đồng.
Đơn cử như chặng bay TPHCM - Hải Phòng vẫn còn vé, nhưng giá vé giữa các hãng không có sự chênh lệch và rất đắt, khoảng 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, chặng bay TPHCM - Vinh ngày 5/2 (tức 26 tháng Chạp) đã hết vé. Các ngày khác vẫn còn mở bán vé nhưng vào khung giờ giữa đêm, rạng sáng với giá hơn 5,3-13,3 triệu đồng/vé (tùy hạng).
Sau Tết, nhiều chặng bay từ các tỉnh phía Bắc vào lại TPHCM cũng hết vé từ mùng 4-10 Tết (ngày 14/2-19/2).
Đối với các đường bay du lịch, giá vé cũng không khả quan. Điển hình, vé máy bay một chiều từ Hà Nội đến đảo Phú Quốc ngày 9/2 hiện lên tới mức 13,6 triệu đồng đối với những chặng nối chuyến. Vào thời điểm sau Giao thừa (từ ngày 10/2), vé một chiều chặng bay này luôn ở mức hơn 3 triệu đồng.
Cùng thời điểm trên, vé một chiều Hà Nội - Nha Trang (Khánh Hoà) từ ngày 9/2-11/2 cũng đều hơn 3 triệu đồng. Chỉ sau ngày 11/2, giá vé mới giảm khoảng 500.000 đồng.
Trong khi đó, tình trạng vé máy bay cũng căng thẳng với chặng TPHCM - Quy Nhơn hết vé từ 23-30 tháng Chạp (từ 2/2-9/2). Thậm chí, vào khoảng thời gian 1-3 Tết (từ 10/2-12-2) còn rất ít chỗ vì nhu cầu du lịch tăng mạnh. Ngoài ra, những chuyến bay đến các địa điểm du lịch khác đều có tình cảnh tương tự.
Theo đại diện doanh nghiệp lữ hành có trụ sở tại Hàng Bún, Hà Nội, giá vé máy bay nội địa dịp Tết năm nay tăng trong khoảng 10-30% so với dịp Tết năm ngoái. Điều này buộc công ty phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa. Ngoài ra, đơn vị này cũng giới thiệu khách du lịch xuất ngoại với chi phí hấp dẫn và chất lượng cũng không thua kém.
Theo dữ liệu thống kê của tổ chức OAG , đường bay Hà Nội - TPHCM có hai năm liên tiếp lọt top 4 đường bay nội địa bận rộn nhất toàn cầu. Trong năm 2023, đường bay này vận chuyển hơn 9 triệu hành khách, chiếm tỷ trọng 22% tổng lượng khách vận chuyển toàn thị trường nội địa và 17,5% số chuyến bay trong nước. Điều này cho thấy dung lượng chặng bay nội địa ở nước ta đạt mức cao so với thế giới.
Khách chọn bay đường vòng vê quê ăn Tết
Trước tình hình hết các chuyến bay thẳng, anh Huy - làm việc tại một công ty truyền thông ở quận 7, TPHCM - cho biết chọn cách "đi đường vòng" để về tới quê nhà kịp thời khắc giao thừa.
Với chuyến TPHCM - Hải Phòng bay ngày 8/2, anh Huy lựa chọn đi 2 chặng, từ TPHCM đến Đà Nẵng từ 5h55 bởi hãng bay Vietravel Airlines rồi nghỉ chân, đến tận 15h40 cùng ngày mới đi từ Đà Nẵng về Hải Phòng bằng Vietnam Airlines.
"Do đi hai chặng nên vé một chiều từ TPHCM đến Hải Phòng của mình có giá lên tới 4,5 triệu đồng. Nhưng không sao, có vé để về là may rồi, hai năm qua vướng dịch, rồi khó khăn kinh tế, mình không được ăn Tết ở nhà" - anh Huy chia sẻ.
Tương tự, chị Phương (quê ở Thanh Hóa còn phải sử dụng cách tốn kém hơn. Do công việc tổ chức sự kiện nên đến tận ngày 9/2 (30 Tết), chị Phương phải bay từ TPHCM đến Hà Nội với hãng Vietjet Air bằng số tiền gần 3,3 triệu đồng. Vì xe khách cũng hết ghế, chị tiếp tục phải đặt taxi 4 chỗ từ Hà Nội về Thanh Hóa với chi phí 1,5 triệu đồng.
Còn có rất nhiều khách phải chuyển hướng đi đường vòng giống anh Huy và chị Phương. Họ ví von việc này giống như đi du lịch châu Âu phải quá cảnh ở các sân bay Thái Lan, Singapore.
Dù không bay nối chuyến nhưng gia đình chị Mai, trú tại quận Tân Bình, TPHCM có hai trẻ nhỏ cũng phải có lựa chọn khó khăn khác khi về quê. Vì chuyến bay tới Vinh, Nghệ An ban ngày không đủ chỗ, chị và chồng đành phải chịu cảnh "chia hành lý".
"Thời tiết tại Vinh hiện nay vẫn rất lạnh, đặc biệt vào ban đêm. Để 2 đứa con của tôi không phải ốm nặng như các lần về quê trước đây, tôi phải đưa chúng đi vào ban ngày trước. Sau đó, chồng tôi sẽ bay về Vinh vào đêm ngày 9/2", chị Mai ngậm ngùi chia sẻ.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết tổng số chuyến bay trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024 (từ 24/1 - 25/2/2024) dự kiến đạt 33.800 chuyến, tăng 14% so với cùng kỳ Tết năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ. Dù đã dự báo trước và có chiến lược tăng cường chuyến bay , nhưng nhu cầu quá cao của người dân vẫn dẫn tới tình trạng " cháy vé".
Tiền phong