Từ 'nâu' sang 'xanh', Quảng Ninh thành công bởi cách làm táo bạo
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, Quảng Ninh đã thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng trong chiến lược chuyển từ 'nâu' sang 'xanh'.
Được biết vừa qua, ông đã có sự trải nghiệm thực tế trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ông có cảm nhận ra sao khi đi trên tuyến đường này?
Đây là tuyến đường chuẩn mực và hiện đại. Hiếm tỉnh nào có sự kết nối hạ tầng xã hội tốt như thế. Đa số nguồn lực thực hiện tuyến cao tốc này từ ngoài nhà nước, đó là gợi mở rất đáng phải suy ngẫm. Tuyến đường này không chỉ có ý nghĩa đối với cực tăng trưởng Quảng Ninh thông qua hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, mà còn kết nối 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái, đưa Quảng Ninh có cơ hội trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác "hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Tôi cho rằng, đây là tuyến đường của sự giao thương, quảng bá hình ảnh, thương hiệu và mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp… cho Quảng Ninh.
Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ghi dấu ấn gần 10 năm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh Quảng Ninh, với lộ trình và hướng đi khá bài bản. Ông có đánh giá ra sao khi nhìn lại quá trình phát triển này?
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã xác lập được một vị thế mới, vượt trội và hàm chứa những cảm hứng phát triển đặc biệt.
Các mặt nổi bật tích cực khi nhắc đến Quảng Ninh là: Bước chuyển dần từ "nâu" sang "xanh" và vai trò dẫn dắt của du lịch đối với sự phát triển của tỉnh ngày một rõ nét hơn; Hạ tầng khá đồng bộ với những công trình không – thủy – bộ hiện đại; Thể chế, chính quyền số, môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực cải cách của Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.
Đường lối phát triển kinh tế xanh của Quảng Ninh đang được thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều thành công qua hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và ngành du lịch được đầu tư bài bản. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, một loạt các công trình lớn xuất hiện, chủ yếu do các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư đã làm thay đổi diện mạo Quảng Ninh như Cảng hàng không Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, và mới nhất là Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa động lực, quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh, quốc gia và khu vực; tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể khẳng định, với những gì đã làm được, Quảng Ninh xứng đáng là một hình mẫu phát triển kinh tế du lịch nhờ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng.
Sân bay quốc tế Vân Đồn - Sân bay khu vực hàng đầu châu Á.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã làm thay đổi diện mạo hạ tầng và du lịch Quảng Ninh?
Tôi cho rằng, phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao đã giúp Quảng Ninh huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Trong gần 10 năm qua, Quảng Ninh đã huy động được gần 60.000 tỷ đồng để triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, nhà nước tham gia chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng.
Các dự án khi đưa vào sử dụng không chỉ có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển không gian của tỉnh mà còn mở ra không gian phát triển mới cho khu vực, thúc đẩy phát triển liên kết Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; khai thác, phát huy được tối đa lợi thế, tiềm năng vùng và khu vực.
Có thể thấy, nguồn lực tư nhân là rất lớn, quan trọng đối với phát triển hạ tầng của Quảng Ninh.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long
Vậy đâu là "nội lực" để Quảng Ninh có thể hấp dẫn nhà đầu tư, thưa ông?
Tôi muốn khẳng định rằng, môi trường kinh doanh, sự ổn định và cam kết đồng hành dài hạn của chính quyền là yếu tố quan trọng khiến các nhà đầu tư tìm đến và dành nhiều tâm huyết cho Quảng Ninh. Cơ hội kinh doanh, lợi ích lâu dài, tầm nhìn của doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích trong lĩnh vực mà họ thực sự quan tâm. Ví dụ như khi xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì Sun Group đã đặt ra mục tiêu đồng hành với tỉnh để tạo dấu ấn chiến lược. Và chắc chắn doanh nghiệp sẽ đặt ra mục tiêu gắn với khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Đó là lợi thế kết nối của hạ tầng và hiệu ứng quay vòng tích cực. Khi doanh nghiệp thực hiện dự án mà hiệu quả mang lại tích cực thì ngoài lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp, địa phương thì còn mang lại lòng tin và uy tín ngày càng lớn mạnh. Tầm nhìn không chỉ là bản thân dự án hay công trình ấy mà trong dài hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho chính doanh nghiệp. Hiệu ứng đó cũng sẽ lại mang lợi ích cho địa phương trong việc huy động vốn để phát triển.
Sâu xa hơn là cần kiên định tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn để thu hút các tập đoàn lớn, không chỉ là bất động sản mà còn là du lịch, văn hóa, hạ tầng, chuyển đổi số, công nghệ, logistics, khu công nghiệp…
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nhịp sống kinh tế