MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự phát trồng bí Cô Tiên, dân vụ này gặp họa kép

02-08-2017 - 09:32 AM | Thị trường

Người trồng bí nương hay còn gọi là bí Cô Tiên ở các xã Phú Thượng, Phương Giao, Tràng Xá... của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đang phải sống trong cảnh lao đao vì sản phẩm đã mất mùa lại còn bị trượt giá...

Rẻ như bèo

Ông Chu Văn Đương ở xóm Là Đông, xã Tràng Xá cho biết, thời tiết năm nay quá khắc nghiệt. Mưa liên tục khiến bí bị ủng dây, thối hạt. Đến lúc thụ phấn thì không đạt. Nhiều quả còn non cũng bị thối rữa ngay trên đồng. Gia đình ông trồng được 7 sào bí song do thời tiết bật thuận nên sản lượng rất thấp, chỉ được 3 tấn quả. Đáng nói là hiện tại, gia đình mới xuất bán được 1 tấn với giá chỉ dao động ở mức 2.000 - 2.200 đồng/kg, trong khi mọi năm giá bán là 4.000 - 4.500 đồng/kg.

Người dân lao đao vì bí mất mùa, rớt giá thê thảm

Người dân lao đao vì bí mất mùa, rớt giá thê thảm

Cùng cảnh như vậy, ông Nguyễn Văn Tiếp ở xóm Là Lưu, xã Tràng Xá cho biết, năm nay ông đã bỏ ra hơn 7 triệu tiền giống bí cho 2ha đất vườn, ruộng. Cũng diện tích đó, mọi năm ông thu được khoảng 30 tấn quả với thu nhập trên 100 triệu đồng, thì năm nay mới thu được 13 triệu đồng từ 9 tấn bí.

Ông Tiếp hạch toán, giá của 4 tấn đầu được 2.000 đồng/kg thành 8 triệu; giá của 5 tấn tiếp theo chỉ có 1.000 đồng/kg thành 5 triệu. Tuy nhiên, để có được 9 tấn bí mang về giao cho thương lái thì ông đã phải bỏ ra 3 triệu đồng thuê nhân công là người Mông bên Chòi Hồng về thu hoạch. Giá thu mua đã thấp thương lái lại chỉ chọn những quả đẹp, có phấn mới mua. Ông Tiếp cay đắng, tính ra, trừ hết công chăm sóc, bón tưới… người trồng bí lỗ nặng quá, chắc vụ sau cuốc bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trên con đường đi vào các xóm Khuôn Ruộng, Là Bo, Là Đông, Là Lưu… của xã Tràng Xá, có hàng chục điểm tập kết bí của nông dân chất khắp dọc đường để chờ thương lái. Nhưng cả ngày chỉ thấy bóng dáng người dân tập kết thêm bí mà không hề có bóng dáng thương lái nào đến mua bán. Ông Nguyễn Văn Chiến ở xóm Là Lưu cho biết, với giá 1.000 đồng/kg thì chỉ đủ để thuê nhân công về thu hoạch.

Dân bỏ của

Ông Nguyễn Hữu Tưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá cho biết, Tràng Xá có gần 70ha bí, mọi năm, bí được mùa giá dao động ở mức 4.000 - 5.000 đồng/kg, bà con cũng có lãi, nên diện tích ngày càng được nhân rộng. Tuy nhiên năm nay, bí vừa mất mùa lại còn rớt giá nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con.

Ông Nguyễn Văn Học, một người thu mua bí cho hay, từ đầu vụ, ông thu mua của bà con với giá 2.000 đồng/kg. Đến lúc bán hàng chậm thì giảm còn 1.000 đồng/kg. Đó là mức giá không thể thấp hơn được nữa nhưng cũng không thể mua thêm được vì không bán được thì mua vào càng thêm nặng nợ.

 Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Miền Đông Bo được coi là vựa bí của huyện Võ Nhai. Nhiều người dân ở đây cho biết, mọi năm đầu mùa đã có người đến tìm thu mua bí. Năm nay, bí thu về chất đống cả nhà nhưng chẳng thấy ai hỏi han. Vì loại bí này chỉ có thể bảo quản trong thời gian khoảng 1 tháng nên nhiều hộ dân đã phải nhặt các loại quả xấu, nhỏ băm ra nấu dần cho lợn, cho trâu ăn. Vừa qua, Đoàn thanh niên xã Tràng Xá đã ra quân “giải cứu” và mua được cho bà con hơn 3 tấn bí quả. Số lượng trên còn quá ít ỏi so với một lượng lớn hàng tồn trong nhà các hộ dân đang chờ người mua. Trên các sườn đồi, bãi ruộng, dây bí vẫn bám xanh, còn nhiều quả nhưng dường như người dân đang quay lưng bỏ của để rồi mưa xuống, bí thối rữa, không ai buồn thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Mai Huyên, Phó phòng Nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết, bí nương được người dân gieo trồng trên địa bàn huyện chủ yếu mang tính tự phát. Trước đây, huyện cũng đã hỗ trợ một hợp tác xã chuyên trồng và thu mua bí của bà con để đưa sản phẩm vào các siêu thị. Nhưng sản lượng bí của bà con cung cấp không ổn định nên hiện nay không có đơn vị thu mua.

"Trước tình trạng bà con khó khăn do bí mất mùa, rớt giá, phía phòng sẽ báo cáo để chính quyền và các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ. Về lâu dài, ngoài quản lý, kiểm sát cũng vận động, khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng bí...", bà Huyên chia sẻ.

Theo Đồng Văn Thường

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên