Từ sự cố ngừng tim của Christian Eriksen tại Euro 2020, bác sĩ BV Việt Đức đưa ra lời khuyên nhằm phòng tránh trường hợp tương tự: "Thời gian vàng ngọc để sơ cứu là 3 PHÚT"
Theo bác sĩ Khánh, mọi người có thể rút ra được rất nhiều bài học về sức khỏe từ sự cố bất ngờ xảy ra với tiền vệ người Đan Mạch Eriksen Christian Eriksen.
Rạng sáng ngày 13/6 (giờ Việt Nam), hàng triệu người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đã cùng hướng về sân Parken để cầu nguyện cho tiền vệ Christian Eriksen. Giữa trận đấu với Phần Lan trong khuôn khổ bảng B tại Euro 2020, cầu thủ người Đan Mạch đã bất ngờ ngã xuống dù không va chạm với ai.
Khoảnh khắc Christian Eriksen gục ngã trên sân khi đang thi đấu
Ngay sau đó, trận đấu đã được dừng lại để đội ngũ y tế can thiệp kịp thời, sơ cứu và thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho Eriksen. Khoảng 15 phút tiếp theo, tiền vệ mang áo số 10 đã tỉnh lại và được đưa đến bệnh viện gần nhất ở Copenhagen (Đan Mạch). Theo UEFA, sức khỏe của Eriksen đang trong tình trạng ổn định.
Trong lịch sử bóng đá thế giới, những sự cố bất ngờ như trường hợp của Eriksen không phải là hiếm. Đã có rất nhiều báo cáo về tình trạng ngừng tim đột ngột xảy ra với các VĐV trong quá trình thi đấu và luyện tập.
Mới đây, bác sĩ Trần Quốc Khánh - hiện đang công tác tại BV Hữu nghị Việt Đức - đã chia sẻ một số điều về hiện tượng nguy hiểm này trên trang cá nhân để mọi người cùng rút kinh nghiệm.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh - BV Việt Đức
1. Chuyện gì đã xảy ra với Eriksen?
Theo bác sĩ Khánh, tiền vệ người Đan Mạch đã ngã gục vì một cơn ngừng tim (cardiac arrest). Tại Mỹ, mỗi năm có 356.000 ca ngừng tim xảy ra bên ngoài bệnh viện, biến đây trở thành một trong những nguyên nhân gây đột tử hàng đầu tại quốc gia này.
"Đây là tình trạng tối cấp cứu và chúng ta cần hồi sinh tim phổi (CPR - Cardiopulmonary resuscitation) ngay lập tức nhằm cố gắng bảo tồn chức năng não nguyên vẹn theo cách thủ công cho đến khi các biện pháp y tế tiếp theo xuất hiện (máy khử nhịp tim)", anh giải thích.
"Thời gian vàng ngọc cho sơ cứu chỉ có 3 PHÚT, sau thời gian ấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tăng lên theo từng giây".
2. Ngừng tim khác với đột quỵ và nhồi máu cơ tim
Nhiều người thường nhầm lẫn 3 khái niệm này với nhau, nhất là khi nhồi máu cơ tim cũng có thể là nguyên nhân gây ngừng tim. Tuy nhiên, bác sĩ Khánh đã chỉ ra những điểm khác biệt quan trọng:
"Ngừng tim là tình trạng tim đột ngột ngừng đập dẫn đến mất chức năng do hệ thống điện của tim bị trục trặc, nên tim mất khả năng bơm máu đi nuôi não và cơ thể.
Còn nhồi máu cơ tim là do tắc nghẽn hệ thống mạch vành lưu thông máu đến nuôi tim dẫn đến các tế bào cơ tim bị chết dần do thiếu máu nuôi, đây là vấn đề liên quan đến ‘lưu thông tuần hoàn’".
3. Ai có thể bị ngừng tim đột ngột?
Bác sĩ Khánh cảnh báo: "Ngừng tim đột ngột có thể xảy ra ở người không có tiền sử bệnh tim, tuy nhiên chúng thường xảy đến ở những người có bệnh tim từ trước (có thể chưa được chẩn đoán)".
Anh cũng chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hiện tượng ngừng tim đột ngột:
- Bệnh động mạch vành: Hầu hết các trường hợp ngừng tim đột ngột xảy ra ở những người bị bệnh mạch vành (xơ vữa, tắc nghẽn mạch vành).
- Bệnh cơ tim: Điều này xảy ra chủ yếu khi các thành cơ tim phì đại và dày lên, góp phần dẫn đến rối loạn nhịp tim.
- Bệnh hẹp hở van tim.
- Dị tật tim ngay từ khi sinh ra (bệnh tim bẩm sinh): Đây là nguyên nhân hay gặp gây ngừng tim đột ngột ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Những người trưởng thành đã phẫu thuật chỉnh sửa dị tật tim bẩm sinh vẫn có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột.
- Các vấn đề về điện trong tim: Ở một số người, vấn đề nằm ở chính hệ thống điện của tim thay vì vấn đề với cơ tim hoặc các van. Chúng được gọi là bất thường nhịp tim nguyên phát như hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW)...
- Sẹo của mô tim: Nó có thể là kết quả của một cơn nhồi máu cơ tim trước đó hoặc một nguyên nhân khác. Trái tim bị "sẹo" rất dễ bị rối loạn nhịp thất đe dọa tính mạng. 6 tháng đầu tiên sau khi bị nhồi máu cơ tim là giai đoạn có nguy cơ cao nhất bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột.
- Do dùng thuốc tim mạch: Một số loại thuốc điều trị loạn nhịp đôi khi có thể gây ra loạn nhịp thất ngay cả ở liều bình thường. Đây được gọi là hiệu ứng "loạn nhịp". Những thay đổi đáng kể về nồng độ kali và magie trong máu (VD: do sử dụng thuốc lợi tiểu) cũng có thể gây loạn nhịp tim và ngừng tim.
- Bất thường mạch máu: Những trường hợp hiếm gặp này đặc biệt xảy ra ở động mạch vành và động mạch chủ. Adrenaline được giải phóng khi hoạt động thể chất cường độ cao có thể gây ngừng tim đột ngột.
- Do sử dụng ma túy: Điều này có thể xảy ra ở cả những người khỏe mạnh.
- Một số yếu tố nguy cơ gây ngừng tim đột ngột: tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành hoặc bệnh rối loạn nhịp tim, hút thuốc kéo dài, huyết áp cao, cholesterol máu cao, béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ, tiểu đường, người lớn tuổi (nguy cơ ngừng tim đột ngột tăng lên theo tuổi), nam giới hay gặp hơn nữ, mất cân bằng dinh dưỡng khiến mức kali hoặc magie trong máu thấp...
4. Khi nào cần nghĩ đến ai đó đang bị ngừng tim?
Theo bác sĩ Khánh, hình ảnh thường gặp của ngừng tim đột ngột là đột ngột đổ gục, mất ý thức, không bắt được mạch và ngừng thở. Tuy vậy, đôi khi bệnh nhân cũng có các dấu hiệu gợi ý cảm giác khó chịu ở ngực, khó thở, hồi hộp tim đập nhanh (đánh trống ngực).
5. Xử trí ngừng tim đột ngột như thế nào?
Về vấn đề này, bác sĩ Khánh đã liệt kê các bước cần thiết để cấp cứu cho người bị ngừng tim đột ngột.
"Ngừng tim là tình trạng nguy hiểm TỐI CẤP CỨU đòi hỏi mọi người phải nhận ra kịp thời và triển khai hô hấp nhân tạo (CPR) cùng máy khử rung tim (defibrillator) ngay khi có thể", anh cho biết.
Hồi sinh tim phổi (CPR) là một hoạt động sơ cứu kết hợp giữa ép tim ngoài lồng ngực thường xuyên với thông khí nhân tạo nhằm cố gắng bảo tồn chức năng não nguyên vẹn theo cách thủ công cho đến khi có sự hỗ trợ từ ekip cứu hộ y tế đến. Đây là "Kỹ năng sinh tồn" mà hầu hết chúng ta nên học cách thực hiện vì trong cuộc sống có rất nhiều tình huống xảy đến đòi hỏi chúng ta cần đến nó.
Khi chứng kiến tình huống bất tỉnh ngừng tim, cần phản xạ để bệnh nhân nằm ngửa, hô hoán gọi người trợ giúp, hoặc bấm cấp cứu 115 mang theo máy khử rung tim tự động (AED) đến ngay. Đồng thời, cần song song tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với tốc độ 100-120 lần ấn mỗi phút và lực ép đủ mạnh (độ lún thành ngực tầm 5 cm).
Bác sĩ Khánh cũng lưu ý: "Đừng sợ bệnh nhân gãy xương sườn, vì nếu có gãy mà cứu sống được bệnh nhân cũng là tốt. Hãy duy trì ép tim liên tục cho đến khi có máy khử rung tim di động hoặc nhân viên cấp cứu đến".
6. Tiên lượng cho những người sống sót sau cơn ngừng tim?
Theo bác sĩ Khánh, đa số những người sống sót sau cơn ngừng tim đều bị chấn thương sọ não và suy giảm ý thức ở một mức độ nào đó.
"Việc tiên lượng dựa trên nhiều biến số (và nhiều trong số đó chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng) như: tuổi tác, sắc tộc, tình trạng sức khỏe đi kém (tiểu đường, ung thư, nhiễm trùng, bệnh thận và đột quỵ...), các yếu tố trong quá trình ngừng tim (thời gian từ khi đổ gục đến khi bắt đầu cấp cứu ngừng tuần hoàn và dùng máy khử rung tim), những thiếu hụt chức năng thần kinh sau khi tỉnh lại...
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được kiểm tra đánh giá bằng rất nhiều những thăm dò tân tiến như xét nghiệm máu hoặc dịch não tủy, điện thế gợi cảm giác não (SSEP), điện não đồ (EEG), CT scanner và MRI sọ não, quang phổ cộng hưởng từ và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để xác định tổn thương cấu trúc não…trước khi đưa ra tiên lượng cuối cùng", anh viết.
7. Liệu Erikson có thể trở lại chơi bóng?
Bác sĩ Khánh cho biết, rất khó để trả lời về khả năng Erikson trở lại sân cỏ vào lúc này. Tương lai của tiền vệ người Đan Mạch còn phụ thuộc vào sự hồi phục và những di chứng có thể anh phải đón nhận sau cơn ngừng tim.
Bác sĩ Khánh cũng trích dẫn nhận định của một số chuyên gia nước ngoài về vấn đề này.
"Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia y tế thể thao đều nhận định: ‘Christian Eriksen khó có thể chơi bóng chuyên nghiệp trở lại’.
Sanjay Sharma, giáo sư tim mạch thể thao tại London’s St George’s University cho biết tùy thuộc vào cả cầu thủ và câu lạc bộ để đánh giá rủi ro của việc tiếp tục thi đấu. Ở nước Anh thì nhiều khả năng là không. ‘Thực sự là anh ấy đã chết hôm nay, dù chỉ vài phút. Vậy liệu các chuyên gia y tế có cho phép anh ấy chết một lần nữa không? Câu trả lời là không’, Sanjay Sharma phát biểu.
Cầu thủ Fabrice Muamba bị ngừng tim trong hiệp một của trận tứ kết FA Cup giữa Bolton với Tottenham Hotspur vào tháng 3/2012 và may mắn được cứu sống. Giờ anh ấy đã bình phục nhưng tuyên bố từ giã bóng đá chuyên nghiệp sáu tháng sau đó ở tuổi 24 để chuyển sang làm huấn luyện viên đội trẻ", bác sĩ Khánh viết.
8. Trước mỗi sự kiện thể thao, chúng ta cần chuẩn bị những gì để dự phòng tốt nhất?
Để mọi người không gặp phải sự cố ngừng tim khi đang chơi thể thao, bác sĩ Khánh đã đưa ra một số lời khuyên.
- Với vận động viên: Cần được thăm khám sức khỏe sàng lọc kỹ lưỡng, đặc biệt là vấn đề tim mạch. Tránh sử dụng chất kích thích, dinh dưỡng đảm bảo và tránh thức quá khuya.
- Với ban tổ chức: Luôn có ê-kíp sơ cứu được đào tạo chuyên nghiệp và diễn tập thường xuyên cũng như những trang thiết bị cần thiết đi kèm, được biệt là máy khử nhịp tim.
- Với mỗi chúng ta: Tham khảo những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến ngừng tim đột ngột, từ đó rút ra những bài học dự phòng cho chính mình và những người thân yêu.