MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự sự của một người già: "Qua gần hết đời người tôi mới nhận ra, đường đời, tự mình vượt qua, chính là đáp án cuối cùng"

14-11-2020 - 11:35 AM | Sống

Chúng ta nỗ lực hết mình, chẳng qua cũng chỉ đang sống một cuộc đời bình phàm. Chúng ta đều khát khao trưởng thành, muốn xông pha thiên hạ, nhưng lại không thể không học cách thỏa hiệp với cuộc sống, học cách hòa giải với thế giới. Khó khăn, gian truân vốn dĩ là một phần của cuộc sống, nhưng, dù có lún vào bùn lầy, cũng đừng quên ngẩng đầu lên nhìn những ánh sao trên trời cao.

Đáp án mà mỗi người đều đang đi tìm cho mình: đi qua nửa đời người mới nhận ra, đường đời, tự mình vượt qua, chính là đáp án cuối cùng

Khó khăn, là bản sắc của cuộc sống

Honoré de Balzac từng nói: "Đời người, đâu đâu cũng là khó khăn thật, hân hoan giả."

Cũng giống như lời của một bài hát mang tên "Đáp án của bạn":

"Có lẽ thế giới chính là như vậy, tôi vẫn bước đi trên đường, không có ai để tâm sự. Có lẽ tôi chỉ có thể trầm lặng, nước mắt rơi ướt hai khóe mắt, nhưng lại không cam tâm làm một kẻ yếu đuối."

Cuộc sống chính là như vậy, luôn có những đoạn đường phải tự mình bước đi, luôn có những khó khăn mà mình phải tự gánh vác, tự vượt qua.

Nhân vật nữ chính C. trong bộ phim có tên "I’ll find you a better home" (Tạm dịch: "An gia") là một cô gái xuất thân bần hàn, khi lớn lên, cô một thân một mình rời quê hương tới thành phố hoa lệ lập thân.

Cô nói: "Không ai có thể hiểu được cái khổ của cuộc sống hơn tôi."

Vì cuộc sống, cô chỉ có thể ở khu nhà có giá thuê rẻ nhất, ăn bánh bao cho qua ngày.

Vì để bán được một căn nhà, cô đã phải 3 lần liên tiếp trèo lên 28 tầng cầu thang, cuối cùng lay động được khách hàng nhờ sự chân thành của mình.

Cả quãng đường ấy, tất cả những sự vô tâm, tủi thân, uất ức, bất lực, chê cười, cô đều đã trải qua hết.

Hiện thực cuộc sống luôn tàn khốc hơn so với nghệ thuật, so với phim ảnh.

Hiện tại, dù mức lương không thấp, nhưng vào mùa đông, cô vẫn tiếc không dám bật lò sưởi.

Dụng cụ cần dùng tới điện duy nhất trong nhà chính là chiếc bàn là, dùng để ủi quần áo khi đi làm.

Cô ấy nói, cuộc sống đã tôi luyện tôi thành một con lạc đà, ăn được một bữa no thôi là sống được rồi.

Có người khen ngợi cô mạnh mẽ, cô lại nói, đây thực ra chính là thường thái của cuộc sống.

Lỗ Tấn từng nói: "Bi hỉ trong nhân gian vốn dĩ không hề tương thông."

Ai cũng đang sống trong cuộc sống của chính mình, rồi không ngừng nỗ lực để tiến về phía trước.

 Tự sự của một người già: Qua gần hết đời người tôi mới nhận ra, đường đời, tự mình vượt qua, chính là đáp án cuối cùng  - Ảnh 1.

Càng khó khăn, càng phải mạnh mẽ

Có người nói, cuộc sống chính là một quá trình âm thầm và lặng lẽ, vượt qua được khó khăn mà số phận tạo ra, ắt có ngày nếm được vị ngọt của thành công.

Ở thành phố làm việc đã 7 năm, L. cuối cùng cũng có được cho mình một căn hộ riêng.

Ngày kí hợp đồng mua nhà, L. rủ một vài người bạn tới ăn liên hoan. Nhớ lại chuyện trước đây, anh ngậm ngùi:

Ngày mới chân ướt chân ráo lên thành phố, anh từng bị một người môi giới lừa hết sạch tiền mang theo.

Nhờ bạn bè giúp đỡ anh mới có tiền để ở nhà thuê chung 4 người cũ kĩ.

L. nói, khi ấy, ước mơ lớn nhất là có một căn phòng riêng.

Vì công việc, tăng ca tới đêm khuya ở công ty đã trở thành chuyện thường xuyên như cơm bữa.

Kể từ sau khi tốt nghiệp, hầu như chưa có một cái Tết nào trọn vẹn bên gia đình.

Từ một người mới, cho tới thành công như ngày hôm nay, số lần bị mắng, bị phê bình, cảm giác bất lực nhiều không kể siết.

Trên trang cá nhân của L., tôi có đọc được một chia sẻ như này:

"Thế gian này, ngoài những người sáng đi chiều về, thì vẫn còn rất nhiều người phải tăng ca tới tận đêm khuya.

Không có 2 ngày nghỉ cuối tuần, không có cơm canh nóng hổi, cũng không có căn nhà ấm áp luôn sáng đèn mỗi buổi tối.

Nỗ lực hết sức chẳng qua cũng chỉ để đủ ăn.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn là một màu đen, thứ bạn muốn, một ngày nào đó rồi cũng sẽ đến!"

Cũng giống như khi uống nước vậy, nước nóng hay nước lạnh, chỉ có bản thân mới biết.

Luôn tồn tại những khó khăn mà người ngoài cuộc không thể nào đồng cảm được.

Trên mạng có một video như này:

Ở hầm gửi xe vào lúc 10h21 tối, có một người đàn ông trung niên mặc vest đang ngồi tựa vào cột khóc rưng rức…

Không ai biết anh ấy đã phải chịu sự ấm ức tới đâu, cũng chẳng ai có thể đồng cảm.

Điện thoại reo, là cuộc gọi của ông chủ, anh lau khô nước mắt, cố gắng điều chỉnh lại cảm xúc rồi đứng lên quay người đi về phía lên văn phòng.

Dù có khó khăn tới đâu, cũng chỉ có thể tiến về phía trước.

Cuộc sống, rốt cuộc khó khăn tới đâu?

Mới có thể khiến một người ba không gì không làm được phải cúi đầu, khiến một người chồng dũng cảm kiên cường phải rơi nước mắt!

Trong bộ phim "Léon", cô bé 12 tuổi Mathilda hỏi nhân vật chính Léon rằng:

"Cuộc sống sẽ mãi mãi khó khăn như vậy ư? Hay chỉ có hồi nhỏ là như vậy thôi?"

Léon nhìn khuôn mặt non nớt của Mathilda rồi kiên định nói: "Luôn là như vậy."

Không ai có thể "gồng" lên mãi được, chúng ta chẳng qua là đã quá quen với việc phải tỏ ra kiên cường, rồi chờ đợi ngày mai tươi sáng hơn.

Cũng giống như phần lời bài hát "Đáp án của bạn":

"Tia sáng lúc bình minh sẽ xé toạc màn đêm tăm tối, đánh bay mọi nỗi sợ hãi, và tôi sẽ có thể tìm ra được đáp án của mình."

Trong bộ phim mang tên "Replay 1988" có một câu thoại như này:

"Người lớn, họ chỉ là đang giả vờ kiên cường để gánh vác tất cả, không phải họ không đau không mệt, chỉ là họ đang nhẫn nhịn."

Thế giới của người trưởng thành, ai chẳng vậy, vừa hào nhoáng, vừa lộn xộn.

May mắn đó là, bóng tối đem lại cho chúng ta khả năng tự chữa lành cho chính mình, mỗi một ngày mới, sẽ luôn có một con đường ngập tràn ánh nắng chờ đợi phía trước.

 Tự sự của một người già: Qua gần hết đời người tôi mới nhận ra, đường đời, tự mình vượt qua, chính là đáp án cuối cùng  - Ảnh 2.

Mọi cái khó khăn, tự mình vượt qua mới là chân ái

Cuộc sống không thể nào đẹp đẽ như cách mà chúng ta hay tưởng tượng, nhưng nó cũng không tồi tệ tới như vậy.

Năm 2017, một vụ cháy đã hủy hoại một gia đình nọ, chỉ duy nhất L., người chồng, người cha còn sống sót. Đối mặt với căn nhà bốc cháy ngùn ngụt và thi thể của vợ con, L. đau đớn tột cùng. Tất cả mọi người đều cho rằng trận hỏa hoạn ấy đã hủy hoại cuộc đời của anh ấy.

Trong bức thư viết cho người vợ đã khuất của mình, anh đã chia sẻ một câu chuyện như này:

"Trong cuốn "The Unlikely Pilgrimage of Harold Fry" (Tạm dịch: Cuộc hành hương không có khả năng của Harold Fry), Harold khi đó 65 tuổi nhận được bức thư của một người bạn tốt.

Trong thư, người bạn nhiều năm không gặp nói rằng mình mắc bệnh nan y.

Vậy là, Harold của tuổi 68 bắt đầu hành trình hành hương kéo dài 87 ngày với hơn 1.000 km.

Ông tin rằng: chỉ cần kiên trì đi tiếp, người bạn của ông sẽ có cơ hội sống.

Cuộc hành hương không thể giữ lại người bạn, nhưng lại giúp ông hoàn thành được một hành trình tự cứu rỗi bản thân.

Ông nói:

"Đời người chính là như vậy, không gì có thể giúp ta vượt qua được giai đoạn khó khăn hơn là niềm tin."

Cũng trong câu chuyện này, L. tìm được đáp án cho mình: Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, nhưng cũng chỉ có mình tự vượt qua được nó.

Tháng 4 năm ngoái, hơn 700 ngày kể từ sau trận hỏa hoạn, anh cuối cùng cũng đã tự cứu được lại chính mình.

Bỏ thuốc và chạy bộ là bước đầu tiên trong công cuộc bắt đầu cuộc sống mới của anh, và cũng chính vào khi ấy, anh ý thức ra được rằng:

"Bất kể cuộc sống có tối tăm tới đâu, mặt trời cũng sẽ xuất hiện, khi mặt trời xuất hiện rồi, nhất định sẽ chiếu rọi những tia sáng và cả hi vọng xuống nhân gian."

Nhà văn người Pháp, Romain Rolland từng nói:

"Cuộc sống chỉ có một kiểu chủ nghĩa anh hùng, đó là sau khi nhìn rõ được chân tướng cuộc sống, bạn vẫn nhiệt huyết với nó."

Chiến binh thực sự là người một bên bịt lại vết thương, một bên vẫn cầm khiên giáp ra trận.

Bất kể cuộc sống có khó khăn tới đâu, họ cũng vẫn có thể tìm được điểm cân bằng cuộc sống giữa một ngày mới đầy nắng và gió.

Trong một chương trình truyền hình thực tế nước ngoài mang tên "Cuộc sống vạn tuế", một cặp cụ già hát trên đường phố đã được ghi lại.

Nếu không nói ra, rất khó phát hiện rằng đôi mắt của họ gặp vấn đề, thế giới của họ không có một chút ánh sáng nào.

Cuộc sống vốn đã khó khăn như vậy rồi, nhưng vẫn phải mò mẫm trong bóng tối.

Còn bạn và tôi, không phải cũng như vậy ư?

Cuộc sống lăn lộn, ai không vừa mò mẫm, vừa nỗ lực tiến về phía trước?

Chỉ cần không ngừng tiến về phía trước, cuối cùng rồi sẽ có một ngày, mọi khó khăn và thất bại, đều sẽ trở thành huân chương của cuộc đời bạn.

 Tự sự của một người già: Qua gần hết đời người tôi mới nhận ra, đường đời, tự mình vượt qua, chính là đáp án cuối cùng  - Ảnh 3.

Trên mạng có một câu hỏi như này: bắt đầu từ khi nào, bạn cảm nhận được sự khó khăn của cuộc sống?

Trong đó có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt like đó là: khi tôi phát hiện ra, bản thân chỉ là một người bình thường.

Phần lớn thời gian, tôi và bạn đều như vậy.

Chúng ta nỗ lực hết mình, chẳng qua cũng chỉ đang sống một cuộc đời bình phàm.

Chúng ta đều khát khao trưởng thành, muốn xông pha thiên hạ, nhưng lại không thể không học cách thỏa hiệp với cuộc sống, học cách hòa giải với thế giới.

Khó khăn, gian truân vốn dĩ là một phần của cuộc sống, nhưng, dù có lún vào bùn lầy, cũng đừng quên ngẩng đầu lên nhìn những ánh sao trên trời cao.

Rồi sẽ có một ngày, chúng ta vượt qua được giai đoạn cô đơn ấy, vượt qua đêm tối ấy, bước qua những chông gai kia.

Khi chạy trên đường đời với sự nhiệt tình và kì vọng, bạn sẽ phát hiện ra:

Trên thế gian này, tất cả những hi vọng vô tận, đều sẽ biến thành những ấm áp bất ngờ.

Mong bạn và tôi đều có thể vững tin, được yêu thương và sống hết mình trong thế giới hối hả này.


Theo Thiên Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên