MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ "thần tượng KhaiSilk sụp đổ" nghĩ về những hệ lụy khó lường xuất phát từ sai lầm của doanh nghiệp

26-10-2017 - 14:42 PM | Doanh nghiệp

Những tấm khăn lụa của KhaiSilk phần nhiều được mua và dùng cho mục đích quà tặng. KhaiSilk có thể đổi khăn, đền tiền cho người mua nhưng ai sẽ đền được những tổn thất về tinh thần từ những "sai lầm" của doanh nghiệp?

Những ngày này dư luận đang dậy sóng vụ khăn lụa thương hiệu Khaisilk bị phát hiện có tới 2 nhãn mác, một là Made in China và một là Made in Vietnam. Ông chủ Tập đoàn Khải Silk – ông Hoàng Khải sau những ngày im lặng cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng.

Theo ông Khải, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng đủ chất lượng trong nước.

Cùng với đó, hàng loạt hình ảnh về những “khăn lụa Khaisilk” còn gắn cả mác Made in China chưa kịp cắt bỏ lẫn những chiếc khăn đã kịp cắt bỏ mác Trung Quốc nhưng vẫn còn dấu vết được cư dân mạng đưa lên.

Những chiếc khăn lụa của Khaisilk được định vị là hàng cao cấp nên cũng có giá không hề thấp, từ tiền trăm đến vài ba triệu đồng. Do vậy, người tiêu dùng khắp nơi tỏ ra hoài nghi và bất bình trước thông tin này. Những người không phải là người tiêu dùng từng mua chiếc khăn lụa KhaiSilk cũng bất bình khi một thương hiệu tên tuổi lại như thế.

Đối mặt với bão dư luận, ông Hoàng Khải cho biết, Khaisilk sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả và thương hiệu này sẽ bồi thường cho khách hàng. Thoạt nghe thì có vẻ như người tiêu dùng nên cảm thông với doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã có phương án có vẻ như đang đứng về phía họ và nhận lấy phần thiệt về mình. Nhưng, liệu có bao nhiêu khách hàng còn giữ lại những hóa đơn mua hàng để đổi trả? Và quan trọng nhất, có bao nhiêu khách hàng mua làm quà tặng hàng mấy chục năm nay đã vô tình "mang tiếng" khi mang khăn nguồn gốc mập mờ đi biếu đối tác, bạn bè…Đó là chưa kể đến hàng triệu du khách đến Việt Nam đã mang theo chiếc khăn tưởng là nguồn gốc Việt về nước họ với niềm tin yêu và rồi, niềm tin có thể bị vỡ vụn.

Mới đây nhất, một công ty xe điện “made in Việt Nam” – CTCP xe điện toàn cầu Pega LTT đã phải gửi thư cầu cứu Bộ Công thương trước thực trạng hàng giả, hàng nhái. Theo đại diện của Pega, trên thị trường đã xuất hiện quá nhiều sản phẩm xe điện gắn mác của Pega rao bán tràn lan với giá bán rẻ hơn hàng chính hãng 4 đến 5 triệu đồng mỗi chiếc. Thậm chí có hãng còn công khai "ăn cắp" mẫu mã của Pega để sản xuất những chiếc xe y hệt...

Cũng như xe đạp của Page, trên thị trường thường xuyên xuất hiện hàng loạt hàng hóa Trung Quốc gắn mác Made in Việt Nam, đặc biệt hàng tiêu dùng, may mặc... Không khó để tìm thấy những bộ đồ “hàng hiệu” bán trong các cửa hàng lớn với giá hàng triệu đồng – trong khi chỉ mấy bước chân ra hè phố, chợ, ngách nhỏ, bạn đã có thể tìm thấy những bộ đồ giống hệt với cùng chất liệu, giá chỉ bằng 1/3, thậm chí còn rẻ hơn rất nhiều.

Việc làm giả, hay bán hàng giả, nhập hàng Trung Quốc về gắn mác thương hiệu Việt bán trôi nổi trên thị trường là rất nhiều, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt cũng khó để truy quét hết được.

Tuy nhiên, trường hợp Khaisilk lại đặc biệt hơn nhiều. Đó là, một thương hiệu lớn đi nhập hàng Trung Quốc về gắn mác của chính mình lên để bán.

Khaisilk có thể biện minh là hàng đã qua kiểm định, hàng chuẩn, hàng tốt của Trung Quốc. Những người ủng hộ ông Hoàng Khải cũng có thể biện minh rằng bạn chẳng qua chỉ là khó chịu khi bị lừa, chứ hàng đó được tuyển chọn kỹ, giá cả không thua kém bao nhiêu, có chăng chỉ là hình tượng một thương hiệu sụp đổ trong mắt bạn còn Khaisilk mới là người bị thiệt hại nặng nề.

Nhưng, những lời biện minh đó cũng chỉ là từ 1 vài cá nhân có cái nhìn ưu ái cho ông Hoàng Khải. Hơn 30 năm, bao nhiêu người đã mua bao nhiêu khăn lụa của Khaisilk tặng bạn bè đối tác? Bao nhiêu trong số đó đã vô tình phát hiện ra khăn bạn tặng không phải hàng Made in Việt Nam? Và bao nhiêu trong số đó hiểu rằng, không phải bạn cố tình mua “hàng giả” mà do bạn không biết? Bao nhiêu người trong số đó không chợt một thoáng nghĩ rằng bạn đang không tôn trọng họ - không tôn trọng ngay cả khi tặng họ món quà? Và bao nhiêu người – đối tác của bạn – đã âm thầm rời bỏ bạn khi phát hiện ra điều đó. Bao nhiêu người đánh giá rằng đến món quà nhỏ bạn còn dùng hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ thì sao có thể đáng tin cậy để làm đối tác được? Và, những cái đó, buồn thay, không phải ai cũng nói cho bạn và bạn không hề có cơ hội giải thích cho đối tác, người thân, bạn bè – những người nhận khăn lụa từ bạn.

Lời xin lỗi của Khaisilk quá muộn màng. Danh tiếng, thương hiệu gần 30 năm đã bị đánh đổi. Khaisilk có thể biện hộ do hàng trong nước không đủ sức cung cấp, nhưng hàng loạt các cơ sở sản xuất lụa Hà Đông và các loại lụa khác của Việt Nam đều đang tìm đầu ra, đang tìm đối tác. Và đây đều là những dòng sản phẩm cao cấp, chất lượng không thua kém gì các thương hiệu lụa tốt trên thế giới. Nếu về việc thiếu nguồn cung, thì có lẽ cũng không hẳn.

Khaisilk có thể lên tiếng sẽ thu hồi hàng, đền bù cho khách hàng, nhưng bao nhiêu trong số các khách hàng mua khăn Khaisilk trong gần 30 năm qua được đổi trả khi cái công đi đổi trả có khi còn lớn hơn cả tiền khăn? Bao nhiêu trong số các khách hàng đó đã gián tiếp bị thiệt hại nặng nề cả về uy tín, về hình tượng hay vì sự tin tưởng của các đối tác, bạn bè, người thân của họ.

Khaisilk có thể sẽ thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, lẫn việc mất đi thương hiệu. Nhưng, có thể, bạn – một trong hàng triệu người mua sản phẩm của Khaisilk trong mấy chục năm qua đã từng bị thiệt hại nhiều hơn mà bạn không hề biết.

Quà tặng là một thứ gì đó được trao cho một người một cách tự nguyện và không có tính chất trao đổi. Quà tặng thường được dùng để làm cho người nhận được nó hạnh phúc, hoặc thể hiện sự trân trọng, kính trọng của người tặng quà đối với người nhận. Quà tặng cũng có thể biểu hiện lòng biết ơn của người tặng quà đối với người nhận vì những điều mà người được tặng quà đã làm cho họ trong quá khứ. Những tấm khăn lụa của KhaiSilk phần nhiều được mua và dùng cho mục đích quà tặng. KhaiSilk có thể đổi khăn, đền tiền cho người mua nhưng ai sẽ đền được những tổn thất về tinh thần từ những "sai lầm" của doanh nghiệp?

Hải An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên