MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ ứng xử với Uber, Grab nghĩ về câu chuyện của dịch vụ xuyên biên giới

Chính sách ứng xử với Uber, Grab sẽ là tiền lệ mở ra cách thức quản lý phù hợp cho các dịch vụ xuyên biên giới trong thời gian tới…

“Mất trận địa” với các dịch vụ xuyên biên giới

Khi Google, Facebook mới xâm nhập vào Việt Nam, chúng ta tiếp nhận với một thái độ tích cực, bởi các dịch vụ này mang lại sự tiện dụng, kết nối thuận tiện. Không ai nghĩ rằng, một ngày nào đó, như hôm nay, các công ty này lại trở thành nỗi đau đầu cho cả ngành quảng cáo, báo chí, truyền hình và cơ quan quản lý nhà nước.

Google (với các dịch vụ AdSense, AdWords, Google Play store, YouTube), Facebook (Facebook Ads, Instagram, Messenger, WhatsApp) đã nhanh chóng xâm chiếm, thâu tóm thị trường quảng cáo Việt Nam, 70-80% thị trường quảng cáo trực tuyến, tương đương 6-7.000 tỷ đồng/năm chảy ra nước ngoài, rơi vào túi Google, Facebook, còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ “hớt váng” số 20% còn lại.

Netflix cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến theo yêu cầu với giá từ 180.000-260.000 đồng/tháng. Các mức giá tính ra tiền đồng, phương thức trả tiền là đăng ký tài khoản trên trang web và sử dụng thẻ thanh toán quốc tế cho thấy, doanh nghiệp đã có thể thu lợi nhuận tại thị trường Việt Nam mà không cần phải thành lập doanh nghiệp, cũng không phải đóng thuế. So với các nhà cung cấp dịch vụ nội địa như FPT Play... thì lợi thế so sánh là khác hẳn.

Gần đây nhất và đang nóng bỏng là câu chuyện của Grab và Uber. Hai ứng dụng gọi xe trực tuyến này trong thời gian ngắn đã thâu tóm thị phần, doanh thu với số lượng xe Uber và Grab chạm mức 50.000 chiếc, gần gấp đôi số lượng taxi tại Hà Nội và TP.HCM. Với những ưu việt về công nghệ, thái độ phục vụ và đặc biệt là những lợi thế lớn (như không phải chi nhiều loại phí, không bị ràng buộc 13 điều kiện kinh doanh, cấp phép…), Uber và Grab dễ dàng cạnh tranh với taxi truyền thống về giá cước.

“Điểm chung” cơ bản của Google, Facebook, Netflix hay Uber/Grab đều là những dịch vụ xuyên biên giới. Theo cam kết WTO mà Việt Nam là thành viên, các quốc gia thành viên phải tuân thủ Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). GATS cho phép các ngành dịch vụ được quy định cụ thể cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ của một nước thành viên sang lãnh thổ của bất kỳ nước thành viên nào khác. Và như vậy, Google, Facebook, Netflix, Uber/Grab được phép cung cấp dịch vụ, thu lợi nhuận, chuyển tiền ra nước ngoài mà không phải đóng thuế hoặc đóng rất ít cho Chính phủ Việt Nam.

Trong khi đó, đại đa số doanh nghiệp Việt thuộc các lĩnh vực này phải gánh chịu nhiều thuế phí, chịu nhiều ràng buộc về nội dung cung cấp, lại không nhận được nhiều sự ưu đãi, tạo điều kiện từ phía chính sách. Hệ quả là họ mất lợi thế cạnh tranh, cạnh tranh không cân sức dẫn đến việc mất thị phần vào tay nhà cung cấp xuyên biên giới.

“Các công ty Việt Nam chết dần và thị trường rơi vào tay các công ty nước ngoài. Một cách nói vui là cuộc chiến này giống như trận đấu quyền anh giữa 2 đấu thủ: một là nước ngoài mạnh khoẻ mạnh đấu với ốm yếu là Việt Nam, mà còn bị xích lại nữa”, ông Nhan Thế Luân, CEO của Nhaccuatui, chua xót nhận xét.

Trong một buổi tọa đàm về thực hiện Luật Công nghệ Thông tin tổ chức gần đây, nhiều doanh nghiệp lên tiếng về tình trạng “bảo hộ ngược”. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài vốn đã có tiềm lực cực mạnh như Facebook, Google không phải chịu bất kỳ việc quản lý gì về nội dung số, còn các doanh nghiệp trong nước vốn đã nhỏ hơn, tiềm lực yếu hơn còn phải chịu nhiều thứ quy định ràng buộc. Dù quy định là “cần thiết” như bình luận của một lãnh đạo doanh nghiệp tham dự tọa đàm đó, nhưng sẽ là “không bình đẳng” và “tạo thuận lợi cho người quá mạnh”.

Tiền lệ để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới!

Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có một thái độ ứng xử rõ ràng với các dịch vụ xuyên biên giới ngoài thái độ chấp nhận. Ở nước ngoài, đối với Mỹ, Australia, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Bungary, Hungary, Bỉ..đang có làn sóng phản đối Uber, Grab, buộc Uber, Grab phải tuân thủ luật lệ của một công ty kinh doanh vận tải như sở hữu giấy phép, luật lao động, bảo hiểm và các điều kiện kinh doanh khác của một hãng taxi.

Tại Mỹ, Facebook và Google đang đối mặt với khả năng bị chính quyền Mỹ xếp loại vào đơn vị báo chí thay vì là công ty công nghệ như hiện nay. Nhiều nước cũng đã áp dụng các chế tài, khép Facebook và Google vào khuôn khổ nước sở tại, buộc phải đóng thuế và tuân thủ các điều kiện kinh doanh quảng cáo như các doanh nghiệp khác.

Đây sẽ là những bài học tham khảo quan trọng cho Việt nam trong bối cảnh các dịch vụ xuyên biên giới khác đang “nhăm nhe” đổ bộ vào thị trường trong nước màu mỡ.

Trong lĩnh vực trung gian thanh toán, các “ông lớn” như Alipay (của Alibaba), Wechat Pay (của Tencent), PayPal, Google Payment, Facebook Pay…đang tìm mọi cách đặt chân vào thị trường Việt Nam. Không ít trong số đó, hoặc xin cấp phép trực tiếp hoặc qua con đường thâu tóm xâm nhập vào thị trường.

Bài học của Google, Facebook, Netflix, Uber/Grab đang nóng hổi. Và nếu cơ quan quản lý nhà nước không có giải pháp, lộ trình và ứng xử pháp luật phù hợp thì những doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng teo tóp bởi mặt bằng cạnh tranh không bình đẳng. Những người khổng lồ được “chắp cánh” bởi không phải tuân thủ các ràng buộc, còn những doanh nghiệp trong nước bé nhỏ thấy cơ hội cạnh tranh ngày càng mong manh.

Nguyễn Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên