Từ vị thế chỉ dạy Tesla 13 năm trước, Toyota giờ chấp nhận hạ mình trước 'học trò' năm xưa để học điều này ở mảng xe điện
Sau 13 năm, từ vị thế là 'học trò' học hỏi các kinh nghiệm của Toyota, Tesla giờ đã đổi khác, khi chính Toyota giờ phải học hỏi hãng này để có chuyên môn sản xuất xe điện.
- 25-06-2023Nước mắt Toyota: Cựu chủ tịch rơi lệ vì xe điện, đau đớn nói về sự coi thường của tầng lớp tinh anh Nhật Bản với những kẻ ‘sinh ra ở vạch đích’
- 18-06-2023Khi Toyota sản xuất xe điện ‘cho vui’: Ô tô điện số sàn, chẳng có tác dụng gì ngoài chiều lòng khách hàng hoài niệm xe xăng
- 13-06-2023Toyota tìm lại quyền năng nhờ xe điện, sẵn sàng tham gia một cuộc chiến sống còn
Được thành lập cách đây 20 năm, con đường trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Tesla được mở đường thông qua mối quan hệ đối tác năm 2010 với Toyota.
Mối quan hệ hợp tác này đã dừng lại vài năm sau đó, nhưng Tesla, công ty đã kỷ niệm 20 năm ngày thành lập vào thứ Bảy, đã giành được nhà máy đầu tiên của mình từ Toyota cũng như bí quyết sản xuất hàng loạt. Giờ đây, sau 13 năm, vị thế của Tesla đã đổi khác, khi chính Toyota giờ phải học hỏi hãng này để có chuyên môn sản xuất xe điện.
“Cuối cùng cũng đến lúc Toyota phải học hỏi từ Tesla”, một giám đốc điều hành giám sát sản xuất tại một nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ngậm ngùi thừa nhận mới đây. "Đó là một cú sốc.".
“Nhưng với tình hình hiện tại, họ sẽ không thể giảm giá xe điện một cách thỏa đáng”, vị giám đốc này cho biết. "Đã đến lúc Toyota cần phải thay đổi phương thức sản xuất."
Từ vị thế 'dạy dỗ' Tesla, Toyota giờ phải 'học lại'
Toyota đã công bố công nghệ đúc nhôm gigacasting mới của mình vào giữa tháng 6, với các phôi nhôm được sử dụng để chế tạo các mô-đun lớn. Theo đó, công nghệ này thể được sử dụng cho xe điện thế hệ tiếp theo của Toyota vào năm 2026. Mặc dù mang tính đột phá đối với nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Tesla đã sử dụng công nghệ đúc nhôm siêu tốc tương tự từ trước đó.
Thân xe sử dụng các kỹ thuật sản xuất thông thường cần hơn 100 bộ phận kim loại tấm được hàn lại với nhau. Với công nghệ gigacasting của Tesla vốn sử dụng máy đúc khuôn lớn, thân xe chỉ bao gồm hai mảnh.
Kỹ thuật sản xuất nói trên đã được áp dụng trên dòng xe Model Y của Tesla vào năm 2020 và các sản phẩm khác trong dòng sản phẩm, giúp giảm trung bình một nửa chi phí trên mỗi chiếc xe. Mặc dù các công ty khởi nghiệp trong mảng xe điện của Trung Quốc đã học tập theo cách làm của Tesla, bản thân Toyota lại được cho là khá dè dặt với kỹ thuật sản xuất này.
Việc giảm bớt các bộ phận ô tô đồng nghĩa với việc ít đơn đặt hàng hơn cho các nhà cung cấp, làm suy yếu kim tự tháp được hình thành bởi chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên, Toyota cuối cùng đã phải thay đổi cách nghĩ và cách làm.
"Tesla là công ty dẫn đầu thị trường xe điện. Chúng ta nên học hỏi từ họ", một giám đốc điều hành cấp cao của Toyota cho biết. “Vào thời điểm đó, không ai có thể tưởng tượng rằng Tesla sẽ trở thành như bây giờ,” giám đốc điều hành nói thêm, đề cập đến quan hệ đối tác năm 2010.Tham gia cùng Chủ tịch Toyota lúc bấy giờ là Akio Toyoda tại một cuộc họp báo ở Tokyo vào tháng 11/2010, giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, nói rằng ông mong muốn được học hỏi kỹ thuật sản xuất của Toyota, gọi đó là "tốt nhất trên thế giới."
Theo quan hệ đối tác, Tesla đã nhận được 50 triệu USD từ Toyota để đổi lấy khoảng 3% cổ phần của công ty này. Đồng thời, Tesla phải mua một phần của nhà máy ô tô vừa đóng cửa - từ liên doanh NUMMI của Toyota và General Motors - ở California với giá 42 triệu USD.
Món quà của Toyota tặng Tesla 13 năm trước
Do thiếu chuyên môn trong sản xuất, Tesla đã phải vật lộn để sản xuất hàng loạt Model S, mẫu xe đầu tiên được phát triển hoàn toàn nội bộ. Công ty tiếp tục hoạt động trong tình trạng thua lỗ, với lượng tiền mặt trong tay giảm xuống còn khoảng 100 triệu USD.
Trong khi đó, nhà máy NUMMI được trang bị đầy đủ trang thiết bị, giúp Tesla không phải chi bất kì khoản tiền nào để mua sắm thêm. Một số công nhân nhà máy cũng được giữ lại. Một giám đốc điều hành của Tesla khi nhìn lại thương vụ này đã gọi đó là một sự may mắn, vì công ty thiếu bí quyết sản xuất trước khi mua lại nhà máy.
Trên thực tế, thương vụ này có lợi cho Tesla hơn là cho Toyota. Việc hợp tác mang lại lợi nhuận nhỏ giọt cho Toyota, ngoài việc giúp hãng xe Nhật tìm người mua cho nhà máy ở California.
Doanh số bán xe điện cũng tăng trưởng rất yếu, dẫn đến việc Toyota đã bán toàn bộ cổ phần của mình tại Tesla vào cuối năm 2016. Theo một quan chức của Toyota, Toyoda đã dẫn đầu trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác với Tesla nhằm mục đích "kích thích bộ phận phát triển trì trệ".
Nhưng các kỹ sư của Toyota, tự tin rằng họ có thể tạo ra xe điện bất cứ lúc nào, đã không nhiệt tình hợp tác với Tesla. "Với sự gia nhập của Tesla và các công ty Trung Quốc, các đối thủ và quy tắc trong ngành đang thay đổi", Toyoda cho biết tại cuộc họp cổ đông của Toyota vào tháng 6/2017.
Thành công của Tesla đã được xây dựng dựa trên việc xác định những điểm yếu của ngành công nghiệp ô tô và đi ngược lại sự khôn ngoan thông thường.
Công ty này bán xe điện của mình trực tiếp trên mạng mà không thông qua mạng lưới đại lý. Mặc dù các đại lý có thể cung cấp cho người mua xe tiềm năng nhiều dịch vụ cá nhân hơn, nhưng điều này dẫn đến giá cao hơn và chi phí lớn hơn cho nhà sản xuất.
Tesla cũng thực hiện một cách tiếp cận khác đối với triết lý cải tiến liên tục của Toyota, chẳng hạn như luôn cố gắng tiết kiệm chi phí dù nhỏ đến đâu. Khi Tesla xây dựng một nhà máy ô tô mới, họ sẽ đánh giá lại các phương pháp sản xuất từ đầu mỗi lần. Công ty liên tục tìm cách giảm 50% chi phí, gây áp lực trong nội bộ và đối với các đối thủ cạnh tranh.
Nhưng Tesla cũng phải đối mặt với những thách thức, chẳng hạn như những cạm bẫy khi phát triển thành một tập đoàn lớn. Sử dụng 120.000 công nhân, hãng có khả năng sản xuất 2 triệu xe mỗi năm. Việc đưa ra các quyết định quản lý phá vỡ tiền lệ vốn có thể thực hiện được khi mới thành lập sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tính mới lạ và phù hợp của thương hiệu Tesla cũng có thể đang phai nhạt. Giá của Model 3 đã qua sử dụng của Tesla ở Mỹ đã giảm 20% trong nửa năm kể từ mùa xuân năm nay, cho thấy sự thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng. Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và những cái tên mới từ các lĩnh vực khác.
Tesla đã rút ra bài học từ Toyota trong quá trình đi lên của mình và giờ đây các nhà sản xuất ô tô khác đang học hỏi từ Tesla. Công ty theo đuổi lĩnh vực này với tư cách là một công ty khởi nghiệp hiện đang bị theo đuổi với tư cách là người dẫn đầu, đối mặt với những thách thức và áp lực đi kèm.
Tham khảo Asia Nikkei
Phụ nữ số