MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ án thao túng chứng khoán nhìn lại ‘họ’ cổ phiếu APEC

Từ vụ án thao túng chứng khoán nhìn lại ‘họ’ cổ phiếu APEC

Với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" của lãnh đạo công ty cùng những lần dậy sóng trên sàn chứng khoán, APS-IDJ-API là bộ ba cổ phiếu thường xuyên nhận được sự chú ý của giới đầu tư.

Như đã đề cập, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa cho biết, ngày 23/6/2023, cơ quan này đã nhận được thông báo từ Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội về Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương và CTCP IDJ Việt Nam".

Do vậy, UBCKNN đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam và Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

UBCKNN khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc.

APS, API và IDJ được xem như những cổ phiếu cùng "họ", nằm trong hệ sinh thái Apec Group của ông Nguyễn Đỗ Lăng.

Sinh năm 1974, ông Nguyễn Đỗ Lăng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý). Năm 1998, ở tuổi 24, ông Lăng đã là Giám đốc điều hành Công ty Prometeo - Italia. Sau đó, ông Lăng có 6 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường - CIC từ năm 2000-2006.

Từ năm 2006 - 6/2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: APS), Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã CK: IDJ), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: API).

Từ tháng 6/2020 đến nay, ông Lăng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ và Thành viên HĐQT API. Dù không còn trực tiếp đứng tên Chủ tịch song tầm ảnh hưởng của doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng tại nhóm này vẫn rất đáng kể.

Tính đến cuối năm 2022, ông Lăng là cổ đông lớn nhất nắm 11,8 triệu cổ phiếu APS, tương đương 14,3% vốn điều lệ công ty chứng khoán này. Tại API, ông Lăng cũng nắm giữ hơn 16,4 triệu cổ phiếu, chiếm 19,6% vốn điều lệ, còn bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng - đứng tên 8,2 triệu cổ phiếu API, tương đương 9,82% vốn điều lệ. Ở IDJ, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng vợ và con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm 5,35% vốn điều lệ.

Dưới tầm ảnh hưởng của doanh nhân này, APS-IDJ-API đã trở thành 3 cái tên rất "hot" trên sàn chứng khoán. Còn nhớ chỉ cách đây hơn 2 năm, trong giai đoạn thăng hoa của thị trường (chính xác là 2021 - đầu 2022), bộ ba APS, API và IDJ đã "làm mưa làm gió" với chuỗi tăng phi mã được tính bằng lần. Từ mức giá quanh 10.000 đồng, API bật tăng gấp 10 lần lên 100.300 đồng/cổ phiếu (phiên 8/11/2021), IDJ cũng đã đạt tới 74.800 đồng/cổ phiếu (phiên 15/11/2021), tương đương tăng 400% sau nửa năm. Từ mức giá trà đá, APS leo lên mức đỉnh của mình vào phiên 19/11/2021 với 59.900 đồng/cổ phiếu.

Đà tăng sốc của bộ ba này nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhiều hội nhóm trên các diễn đàn chứng khoán thậm chí còn kỳ vọng APS-IDJ-API có thể leo lên mức cao hơn. Như đã đề cập , với sức hút như vậy, không lạ khi hàng triệu cổ phiếu mà họ phát hành để tăng vốn điều lệ đã dễ dàng được hấp thụ, thể hiện qua mức thanh khoản tăng mạnh và số lượng cổ đông khổng lồ.

Thời cổ phiếu còn trên đỉnh, ông Lăng và các đồng sự gây xôn xao mạng xã hội với màn hô hào cổ đông "quyết tâm gồng lãi" tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường 2021 của APS (EGM 2021) diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021.

Theo lý giải của ban lãnh đạo, khẩu hiệu "quyết tâm gồng lãi" đặc biệt để thể hiện niềm tin và quyết tâm gắn bó với doanh nghiệp và đà tăng của cổ phiếu trong hệ sinh thái API  là hệ quả của quá trình phấn đấu.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi màn hô hào này diễn ra, bộ ba cổ phiếu trên đã lao dốc không phanh khiến không ít cổ đông nghe lời "gồng lãi" đã phải trả giá.

Trước nghi vấn của cổ đông về động thái "lái" giá cổ phiếu tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 của API, ông Nguyễn Đỗ Lăng từng tự tin khẳng định: "Công ty làm đúng luật. Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, chúng tôi cam kết xử lý nghiêm".

Đến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của APS diễn ra vào tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Đỗ Lăng tiếp tục khẳng định uy tín của nhóm cổ phiếu này và nhấn mạnh APS là công ty biết đầu tư, biết kinh doanh. CEO APS cho biết khoản đầu tư của APS vào API và IDJ đã tạm lãi 260 tỷ đồng. Nếu tiếp tục nắm giữ cho đến cuối năm, mức lãi có thể lên tới 400-500 tỷ đồng. Đồng thời ông cũng tự tin khi cho rằng nhiều quỹ hàng đầu đánh giá định giá của các cổ phiếu Apec trong nhóm chưa đúng giá trị thực.

"Những cổ phiếu của chúng tôi tốt, kết quả kinh doanh tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh, các chỉ số tốt. Chúng tôi cũng có thử đi tìm mã nào tốt hơn không, nhưng ít thấy", ông Lăng nói.

Hiện tại, kết thúc phiên ngày 23/6, cổ phiếu API dừng tại mức 12.600 đồng/CP, IDJ đạt 13.200 đồng/CP, còn APS cũng đã giảm tới gần 80% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2021, về quanh vùng 14.000 đồng/CP.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên