MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ bị lừa 1 tỷ vé máy bay giả: Càng giáp tết càng lộng hành

09-01-2019 - 09:55 AM | Thị trường

Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân về công nghệ, nhiều đối tượng đã lừa bán vé máy bay giả thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Điều này làm cho nhiều người nạn nhân phải khổ sở vì tiền thì mất mà không thể về quê, nhất là dịp tết đang đến gần.

Nhiều chiêu trò tinh vi để lừa bán vé máy bay giả

Ngày 7.1 vừa qua, Công an thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã bàn giao đối tượng Phạm Minh Tân (23 tuổi) ngụ Hà Nội, cho Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa bán vé máy bay giả .

Theo đó, đầu năm 2017, Tân lên Facebook đăng tải thông tin lừa bán vé máy bay giả cho rất nhiều người và đã chiếm đoạt trên 200 triệu đồng. Cuối tháng 8.2018, Tân bị khởi tố nhưng bỏ trốn, đến ngày ngày 3.1 thì bị bắt tại Buôn Ma Thuột.

Từ vụ bị lừa 1 tỷ vé máy bay giả: Càng giáp tết càng lộng hành - Ảnh 1.

Đối tượng Phạm Minh Tân vừa bị bắt về hành vi bán vé máy bay giả.

Đầu tháng 11 vừa qua, nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản hoang mang khi cả tỷ đồng của họ đặt mua vé về quê dịp tết Nguyên đán 2019 đã bị chiếm đoạt bởi một đối tượng tại Việt Nam thông qua hình thức bán vé máy bay giá rẻ.

Theo chính sách của các hãng bay, khách đặt vé sẽ được giữ chỗ trong vòng 24h cùng với mã đặt chỗ, sau đó khách phải  chuyển tiền cho hãng để lấy vé máy bay. Lợi dụng chính sách này, các đối tượng lừa đảo sẽ lấy mã đặt chỗ và chuyển cho khách hàng làm tin.

Khi nhận mã đặt chỗ, khách hàng lầm tưởng đã có vé và nhanh chóng thanh toán tiền cho đối tượng. Sau khi nhận tiền của khách hàng, đối tượng lừa đảo đã không thanh toán cho hãng hàng không và để cho mã đặt chỗ tự hủy sau khi hết hạn.

Tinh vi hơn, nhiều đối tượng vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé thật và cho khách điện lên hãng để kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi khách thanh toán đủ tiền, thì tiến hành hoàn vé để nhận lại số tiền mua vé và chỉ mất một khoản phí nhỏ.

Từ vụ bị lừa 1 tỷ vé máy bay giả: Càng giáp tết càng lộng hành - Ảnh 2.
Khi nào cầm đước vé lên tàu bay thế này thì khách hàng mới chắc chắn là mình được bay.

Chính sách bán vé tết của các hãng hàng không thế nào?

Thị trường vé hàng không dịp tết Kỷ Hợi 2019 luôn trong tình trạng cầu vượt quá cung. Trong giai đoạn từ nay đến tết, Vietnam Airlines sẽ cung ứng 1,4 triệu vé.

Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng đã triển khai bán gần 600.000 chỗ, hãng Vietjet cũng bán cả triệu chỗ để phục vụ hành khách có nhu cầu tăng cao trong dịp tết.

Tuy nhiên, nhìn chung vé tết đều có giá cao, rất khó để mua được giá thấp. Lợi dụng điều này nhiều đối tượng đã tung chiêu rao bán vé máy bay giá rẻ hơn rất nhiều so với giá chính hãng nên nhiều người có nguy cơ sập bẫy.

Từ vụ bị lừa 1 tỷ vé máy bay giả: Càng giáp tết càng lộng hành - Ảnh 3.
 Các hãng hàng không đưa ra khuyến cáo để hành khách đề phòng vé giả.

Chiều 8.1, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Vietnam Airlines cho biết, để ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng chính sách giữ chỗ bán vé giả, hãng đã thường xuyên kiểm tra hệ thống bán vé. Nếu phát hiện những tài khoản, IP nào đặt nhiều chỗ mà không xuất vé sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.

“Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách khi mua vé bay trong dịp tết, nên lựa chọn một trong 3 phương thức mua vé là mua trực tiếp tại website, phòng vé đại diện của hãng và các đại lý được hãng công nhận.” – đại diện Vietnam Airlines  nói.

Đại diện hãng Vietjet thì khuyến cáo khách hàng khi mua vé, nên yêu cầu lấy hóa đơn để đảm bảo không mua phải vé giả, vé bị nâng giá cao hơn giá thực. Sau khi xuất vé thành công, nên vào website hoặc gọi điện lên hãng để xác minh lại vé.

Theo Huân Cao

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên