Từ vụ cán bộ sở GTVT Hà Nội đánh nhân viên hàng không, nhìn cách người Hàn xử lý vụ "Công chúa Mắc ca"
Sự việc tại sân bay quốc tế Nội Bài gây xôn xao mấy ngày qua gợi lại bê bối đình đám ở Hàn Quốc, khi con gái Chủ tịch hãng hàng không Korean Air phải ngồi tù khi buộc máy bay quay đầu vì không vừa ý với tiếp viên trưởng.
Trong khi nhà chức trách đang xử lý vụ việc hành hung nữ nhân viên hàng không ở sân bay Nội Bài, không ít người sẽ liên tưởng vụ việc với “Bê bối hạt Mắc ca” của Korea Air. Theo đó, ngày 5/12/2014, chuyến bay số hiệu KE086 của hãng hàng không Korean Air thực hiện lộ trình từ Sân bay quốc tế Kennedy, New York, Mỹ về Incheon, Hàn Quốc, buộc phải quay lại sân đỗ vì “cơn lôi đình” của Cho Hyun Ah, con gái Chủ tịch tập đoàn Korean Air.
Có mặt trên khoang hạng nhất chiếc máy bay, Cho Hyun Ah yêu cầu tiếp viên phục vụ hạt mắc ca. Tuy nhiên, món ăn “cô công chúa” của Korean Air yêu cầu được đựng trong túi thay vì đổ vào đĩa. Sự việc khiến Cho Hyun Ah, người cũng đảm trách cương vị Giám đốc bộ phận dịch vụ trên máy bay kiêm Phó Chủ tịch Hãng Hàng không Korean Air, nổi đóa.
Cơn thịnh nộ được Cho Hyun Ah trút lên mình tiếp viên trưởng chuyến bay, người đảm trách phục vụ hành khách trong khoang hạng nhất. Tuy nhiên, sự việc có lẽ sẽ chỉ dừng lại ở việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ hãng nếu “cô công chúa” không buộc phi công phải cho máy bay quay trở lại điểm xuất phát ở sân bay Kennedy.
Cho Hyun Ah, con gái Chủ tịch tập đoàn Korean Air, mất chức, ngồi tù vì bê bối hạt mắc ca gây chấn động.
Chuyến bay chở 250 hành khách phải quay đầu để Cho Hyun Ah đuổi tiếp viên trưởng xuống khỏi phi cơ vì ông ta không làm đúng quy định của hãng. Tiếp viên trưởng rời khỏi phi cơ nhưng “cô công chúa” của Korean Air mới là người gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất khi vi phạm các quy định về an toàn bay và khiến chiếc phi cơ tới đích muộn hơn 11 phút.
Dù là con gái của Chủ tịch tập đoàn Korean Air Cho Yang Ho nhưng Cho Hyun Ah vẫn phải trả giá đắt cho hành động của mình. Ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc đã yêu cầu mở cuộc điều tra về hành vi vi phạm luật an toàn hàng không. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa xét xử diễn ra, Cho Hyun Ah cũng đã phải trả những cái giá rất đắt.
Trước làn sóng phẫn uất của dư luận Hàn Quốc, những người gọi Cho Hyun Ah là kẻ coi trời bằng vung, ỷ thế cậy quyền để muốn làm gì thì làm, “cô công chúa” của Korean Air phải từ chức khỏi vị trí Phó chủ tịch hãng 4 ngày sau bê bối. Những lời xin lỗi muộn màng của Cho Hyun Ah không đủ xoa dịu làm sóng phẫn uất của dư luận.
Chủ tịch tập đoàn Korean Air Cho Yang Ho cúi đầu xin lỗi vì bê bối của con gái.
Dù Korean Air cho rằng hành động của Cho Hyun Ah nhằm mục đích nâng cao mức độ phục vụ của hãng nhưng họ cũng không thể bao che cho con gái của chủ tịch về hành vi bắt máy bay quay đầu. Trong khi đó, nhiều người Hàn Quốc tẩy chay Korean Air và đặt biệt danh cho hãng là “Air Nuts” trong đó từ “nut” được sử dụng trong thành ngữ Tiếng Anh với nghĩa là “điên”.
Bản thân chủ tịch Cho Yang Ho của Korean Air cũng phải đăng đàn để xin lỗi vì không dậy dỗ cẩn thận con gái, dẫn tới hành động “ngu ngốc” trên chuyến bay từ Mỹ về Hàn Quốc. Cúi đầu xin lỗi công chúng và phi hành đoàn trên chuyến bay bị quay đầu, ông Cho Yang Ho thừa nhận: “Đó là lỗi của tôi. Tôi đã không dạy dỗ tử tế con gái mình”.
Trong động thái nhằm khắc phục hậu quả do hành động “ngu ngốc”, Cho Hyun Ah đã tới nhà tiếp viên trưởng và một tiếp viên khác trên chuyến bay quay đầu để xin lỗi. Tuy nhiên, cả hai người này đều không có nhà nên “cô công chúa” của Korean Air phải để thư trước cửa. Dẫu vậy, những việc làm của Cho Hyun Ah đã quá muộn màng.
Ngày 12/2/2015, tòa án Hàn Quốc tuyên phạt Cho Hyun Ah 1 năm tù giam vì tội vi phạm luật an toàn hàng không. “Cô công chúa” đối mặt với 5 tội danh bao gồm thay đổi đường bay; có hành vi bạo lực vi phạm an toàn hàng không; hăm dọa; cản trở hoạt động kinh doanh và nói dối để cản trở công lý. Đây là mức án nhẹ so với khung án phạt dành cho những tội danh Cho Hyun Ah vướng phải.
Bà Cho được trả tự do vào tháng 5 sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc giảm mức tù xuống còn 10 tháng và hoãn thi hành án 2 năm. Chưa đầy 2 tháng sau, tiếp viên bị đuổi khỏi máy bay đâm đơn kiện lên tòa án ở bang New York, Mỹ, nơi chiếc máy bay bị buộc quay đầu. Tiếp viên bị đuổi yêu cầu cựu phó chủ tịch Korean Air bồi thường về thể chất và tinh thần cho ông sau vụ việc chấn động.