MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ Evergrande, nghĩ về câu nói kinh điển của tỷ phú Mỹ: Nợ ngân hàng 100 USD là vấn đề của bạn, nhưng nợ 100 triệu USD lại là vấn đề của ngân hàng

21-09-2021 - 11:30 AM | Doanh nghiệp

Từ vụ Evergrande, nghĩ về câu nói kinh điển của tỷ phú Mỹ: Nợ ngân hàng 100 USD là vấn đề của bạn, nhưng nợ 100 triệu USD lại là vấn đề của ngân hàng

Giới phân tích cho rằng, nếu Evergrande vỡ nợ, khủng hoảng dây chuyển sẽ nổ ra mà trong đó các ngân hàng sẽ là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Trung Quốc nói riêng và thị trường tài chính toàn cầu nói chung rúng động trước thông tin tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande có khả năng phá sản.

Theo đó, Evergrande đang oằn mình gánh tổng nợ khoảng 300 tỷ USD (chiếm 84% tổng tài sản). Trước mắt, ngay cuối năm nay công ty này phải thanh toán 669 triệu USD lãi vay. Sang đầu năm sau, tập đoàn này phải thanh toán tiếp khoảng 3,5 tỷ USD trái phiếu đáo hạn.

Tình hình nghiêm trọng đến mức một số chuyên gia kinh tế cảnh báo Evergrande sẽ tái hiện một kịch bản Lehman Brother thứ 2 như năm 2008 khi sự phá sản của công ty này đã gây sụp đổ dây truyền trên thị trường bất động sản, qua đó bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

J. Paul Getty là người được tạp chí Fortune công nhận là người giàu nhất nước Mỹ năm 1957 và được Sách Kỷ lục Guiness công nhận là giàu nhất thế giới năm 1966. Ước tính tổng tài sản trước khi qua đời của ông lên tới hơn tỷ USD, tương đương khoảng 21 tỷ USD vào năm 2018.

Nhìn vào khủng hoảng Evergrande mới thấy câu nói của vị tỷ phú J. Paul Getty (1892-1976) đến nay vẫn còn nguyên giá trị: "If you owe the bank $100 that's your problem. If you owe the bank $100 million, that's the bank's problem".

Tạm dịch: "Nếu bạn nợ ngân hàng 100 đô, đó là vấn đề của bạn. Nếu bạn nợ ngân hàng 100 triệu đô, đó lại là việc của ngân hàng".

Nếu kịch bản Evergrande vỡ nợ xảy ra, các ngân hàng sẽ là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Theo Fitch, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã cung cấp cho Evergrande khoản vay trị giá 88,8 tỷ USD. Nhưng con số thực tế có thể cao hơn, vì có khả năng các ngân hàng còn làm việc gián tiếp với các nhà cung cấp của Evergrande, những người đang bị nợ 103 tỷ USD tiền hàng hóa và dịch vụ.

"Các ngân hàng nhỏ hơn có mức độ tiếp xúc cao hơn với Evergrande hoặc với các nhà phát triển dễ bị tổn thương khác có thể phải đối mặt với việc nợ xấu gia tăng, tùy thuộc vào cách thức bất kỳ sự kiện tín dụng nào liên quan đến Evergrande xảy ra", Fitch cho biết.

Với bức tranh tài chính như hiện tại, Evergrande sẽ vỡ nợ nếu không được "giải cứu". Mới đây, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ký một quyết định cho phép Evergrande đàm phán giãn nợ với các ngân hàng và chủ nợ, mở đường cho những khoản bồi thường và cứu trợ khác. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã yêu cầu các cơ quan tại tỉnh Quảng Đông lên kế hoạch giải quyết nợ của Evergrande, bao gồm việc tìm kiếm những người mua lại tài sản của doanh nghiệp này.

Từ vụ Evergrande, nghĩ về câu nói kinh điển của tỷ phú Mỹ: Nợ ngân hàng 100 USD là vấn đề của bạn, nhưng nợ 100 triệu USD lại là vấn đề của ngân hàng - Ảnh 1.

Thực tế, khi các doanh nghiệp có vay nợ lớn gặp khó khăn, ngân hàng sẽ tìm cách cứu, trước khi nghĩ tới chuyện siết nợ. Tại Việt Nam, có thể thấy ngay trong đại dịch Covid-19, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói tín dụng hỗ trợ giảm, giãn nợ cho các doanh nghiệp, với mong muốn doanh nghiệp không gục ngã.

Ví dụ tiêu biểu cho câu chuyện này là cách đây 5 năm, Ngân hàng Nhà nước cũng từng phải hợp nhiều cục, vụ chức năng để bàn bạc, xem xét đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức. Khi đó, Hoàng Anh Gia Lai nợ tổng cộng 28.100 tỷ đồng, tỏng đó riêng nợ BIDV là hơn 10.000 tỷ đồng. Khi đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, không trả được các khoản nợ tới hạn. Tuy nhiên, với sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Hoàng Anh Gia Lai đã được giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn nợ và miễn giảm lãi một số khoản nợ, qua đó tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, không ngân hàng nào muốn doanh nghiệp phá sản, kể cả khi các khoản vay có tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận và trả lãi đầy đủ là điều mà các ngân hàng mong đợi nhất, chứ không phải chờ doanh nghiệp phá sản để bán tài sản siết nợ.

Theo Hà My

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên