MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ 'nựng' bé gái trong thang máy: Cần quy trình điều tra đặc biệt tội dâm ô

19-04-2019 - 08:17 AM | Xã hội

Hôm nay (19/4), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Phiên giải trình được thực hiện sau khi xảy ra hàng loạt vụ xâm hại trẻ em.

Vụ nguyên Phó viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) có hành động ôm hôn bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, phường 1, quận 4, TP.HCM) diễn ra vào ngày 2/4.

Vụ việc kể trên gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên đến này, các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời.

Về phần mình, ông Nguyễn Hữu Linh không thừa nhận hành vi dâm ô bé gái. Phát biểu với báo giới, ông Linh cho đó chỉ là hành động “nựng” bé gái.

Từ vụ việc này cùng nhiều vụ việc tương tự khác xảy ra trong thời gian qua, cho thấy việc thu thập bằng chứng với tội dâm ô trẻ em thường rất khó khăn. Ngay cả việc xác định bộ phận nào trên cơ thể được coi là “vùng nhạy cảm” cũng còn hết sức mơ hồ. Ranh giới để đưa ra mức phạt hành chính và xử lý hình sự tội dâm ô cũng còn rất mong manh. Tất cả những bất cập này sẽ được đặt lên bàn các đại biểu ở phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hôm nay.

Trước đó, trao đổi với PV, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, cần phải xử lý nghiêm khắc tất cả các hành vi xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em. Ông cũng cho rằng, phải rà soát rất kỹ các vụ xâm phạm trẻ em, đặc biệt là hành vi liên quan tới dâm ô người dưới 16 tuổi. “Đây là vấn đề mà dư luận rất quan tâm, rất bức xúc bởi lẽ các gia đình đều có trẻ em, có con, có cháu", Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Từ vụ nựng bé gái trong thang máy: Cần quy trình điều tra đặc biệt tội dâm ô - Ảnh 1.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an

Trước những băn khoăn, ý kiến cho rằng, do quy định về dâm ô không rõ nên điều tra viên rất khó trong việc xác định hành vi này, Thượng tướng Lê Quý Vương bày tỏ: "Cái đó đã có trong Bộ luật rồi, phải căn cứ vào Bộ luật Hình sự. Nhưng cái gì không rõ thì phải sửa. Không sửa thì phải có hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo vệ pháp luật để làm rõ.

Chúng ta đã tham gia rất nhiều công ước của Liên Hợp Quốc: Công ước về quyền tự do của con người, chống tra tấn, bảo vệ nhân phẩm con người, công ước bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em… Chúng ta đang trong quá trình hội nhập nên tất cả điều luật đều phải quan tâm để sửa, làm sao để tiếp cận với những nội dung cụ thể.

Chẳng hạn như quy định về hành vi dâm ô mỗi nước là khác nhau. Như ở Mỹ quy định hoàn toàn khác, rất dễ xử lý. Ở chúng ta, đây là vấn đề quan trọng của Bộ luật Hình sự. Trong đó quy định khâu chứng cứ, nhưng chứng cứ thường là rất khó khăn. Có những chứng cứ cấu thành hình thức nhưng có những chứng cứ cấu thành về vật chất. Đặc biệt, xâm hại tới con người nhiều khi người ta đặt vấn đề cấu thành vật chất, xâm hại cụ thể. Đây là vấn đề cần phải bàn thảo kỹ".

Chỉ cần có bị hại đã khởi tố được tội dâm ô

Cùng trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho rằng, Việt Nam là nước có nền tảng pháp lý dành cho trẻ em từ rất sớm. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách nhằm thực hiện các cam kết quốc tế với vai trò là quốc gia thành viên.

Tuy nhiên theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, trong thực tế, quyền của trẻ em vẫn chưa được xem là một nguyên tắc đảm bảo trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật: "Chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế mang tính chuẩn mực nhằm hiện thực hóa quyền của trẻ em trong thực thi chính sách, pháp luật. Đặc biệt, đến thời điểm này những khoảng trống trong hành lang pháp lý cũng như hạn chế trong nhận thức pháp luật vẫn còn quá nhiều tồn tại".

Qua thực tiễn công tác về bảo vệ trẻ em, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, điểm hạn chế lớn nhất của các tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em đó chính là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Việc quy định tội dâm ô với trẻ em tại điều 146 Luật Hình sự sửa đổi chưa khái quát hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong thực tiễn. Đó là không quy định rõ hành vi “dâm ô” là gì, “hành vi quan hệ tình dục khác” là gì? Vì thiếu sự phân hóa cụ thể từng hành vi dâm ô nên mức hình phạt cũng không tương xứng.

Từ vụ nựng bé gái trong thang máy: Cần quy trình điều tra đặc biệt tội dâm ô - Ảnh 2.

BQH Phạm Thị Minh Hiền

“Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các điều khoản pháp luật hiện hành liên quan đến các tội xâm hại tình dục trẻ em, nhất là tội dâm ô để tạo sự thống nhất trong cách hiểu, cụ thể ở từng hành vi, mức độ xâm hại trực tiếp, mức độ xâm hại gián tiếp không thể định lượng bằng chứng cứ pháp y.

Từ đó quy định một cách thống nhất yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ cần có bị hại, có nhân chứng trực tiếp, thực nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng...thì đã đủ căn cứ và cơ sở để khởi tố bị can đối với người bị cáo buộc thực hiện hành vi dâm ô.

Mặt khác, Bộ Luật tố tụng hình sự cũng chưa quy định cụ thể thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em theo một quy trình đặc biệt cần phải có. Việc bỏ qua lời tường trình của trẻ em, việc đòi hỏi một cách chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố được người thực hiện hành vi “dâm ô” là một thiếu sót vô cùng lớn đối với hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền nêu.

Từ vụ nựng bé gái trong thang máy: Cần quy trình điều tra đặc biệt tội dâm ô - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa

Khó cũng phải điều chỉnh

Trao đổi với PV, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng thống nhất, phải khởi tố để điều tra và đưa ra kết luận rõ ràng vụ ông Nguyễn Hữu Linh.

Liên quan đến quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, theo bà Hòa, có nhiều điều cần phải hết sức lưu ý, vì nhiều nội dung cũng chỉ quy định chung cho các loại tội phạm. “Khi các cháu bị xâm hại thường sẽ bị hoảng loạn, nên khi trả lời cơ quan công an, nếu các cháu trả lời không thống nhất thì cũng đừng coi đó là chuyện bất nhất để kết luận không đủ chứng cứ”, bà Hòa cho hay.

"Như ở nhiều nước, họ phân biệt rất dễ giữa hình sự và hành chính, chỉ cần có hành động ôm cũng đã đủ căn cứ xử lý rồi, còn chúng ta quy định phải đụng chạm vào chỗ nhạy cảm, sẽ rất khó. Vì ngay việc xác định thế nào là chỗ nhạy cảm cũng khó mà phân biệt rạch ròi.

Đây cũng là một vấn đề nan giải trong việc thu thập và đòi hỏi chứng cứ. Dù có thể có những lỗ hổng luật pháp, nhưng chúng ta phải quy định chi tiết hơn, dù khó nhưng vẫn phải xem xét điều chỉnh”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên