MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ tăng giá bị 'ném đá' của Bách Hóa Xanh đến hiện tượng tăng giá khắp toàn cầu: Rủi ro sắp tới là gì?

Thời gian gần đây, chuỗi siêu thị lớn Bách Hóa Xanh đang trở thành tâm điểm với hàng loạt vụ "tố" tăng giá hàng hóa trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. Ngay sau đó, Bách Hóa Xanh đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không phải với mục đích vụ lợi.

Song, chuỗi siêu thị này vẫn đang đối mặt với làn sóng "ném đá" trên mạng xã hội. Nhiều người trong số đó cho rằng việc tăng giá bán ngay lúc này đã thể hiện sự vô trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp.

Khi làm việc với Cục Quản lý Thị trường TP. HCM hôm 16/7, Tổng Giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh Trần Kinh Doanh khẳng định việc hệ thống Bách Hóa Xanh tăng giá bán một số mặt hàng "không phải vì mục đích lợi nhuận".

Lý giải về điều này, ông Doanh cho biết, thứ nhất là chi phí vận chuyển tăng. Điều này là do thời gian vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm soát liên tỉnh, cũng như tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ, kéo theo đó là tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.

Thứ hai là chi phí nhân công tăng. Vấn đề này là do nhân viên phải tăng ca hoặc nhân viên phải đi cách ly; chi phí lấy giấy xét nghiệm.

Bên cạnh đó, giá tăng từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông.

Vậy những lý do đại diện Bách Hóa Xanh đưa ra có phù hợp với thực tế đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới?

Lý do thứ nhất: Giá từ nguồn cung tăng vọt

Liên quan đến câu chuyện tăng giá mùa dịch, hồi tháng trước, hãng sản xuất thịt bò và thịt lợn lớn của Hoa Kỳ, JBS Meat, đã buộc phải đóng cửa các nhà máy tại Bắc Mỹ và Úc do một cuộc tấn công mạng. Giới chuyên gia cho biết, kể từ đó, sau sự việc này, các nhà máy mặc dù đã hoạt động trở lại nhưng do gián đoạn, giá thịt bán buôn sẽ tăng vọt.

Không chỉ đối với các hãng nguyên liệu thô, ngay cả các công ty thực phẩm như Nestlé và Unilever cũng thông báo tăng giá đối với một số mặt hàng nhất định. Các nhà kinh tế học đánh giá rằng, xu hướng này có thể chỉ tạm thời. Bởi sự gia tăng về nguồn cung thời gian tới sẽ giúp ghìm giá lại, nhất là khi giá ở mức cao ngất ngưởng như hiện nay sẽ là động lực cho người nông dân trồng nhiều cây trồng hơn.

Từ vụ tăng giá bị ném đá của Bách Hóa Xanh đến hiện tượng tăng giá khắp toàn cầu: Rủi ro sắp tới là gì? - Ảnh 1.

Lý do thứ hai: Chi phí nhân công tăng cao

Nguồn cung không phải là yếu tố duy nhất khiến giá cả tăng mạnh. Chi phí nhân công cũng là một nhân tố có khả năng gia tăng áp lực buộc các công ty phải tăng giá đề bù đắp mức lương phải tăng gần đây.

Không chỉ riêng ở Hoa Kỳ, ngay cả châu Âu cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Điển hình như với Whirlpool (WHR), công ty sản xuất máy giặt, tủ lạnh và lò nướng, chi phí nguồn cung, nhân công và vận chuyển tăng cao đã dẫn đến nhiều đợt tăng giá sản phẩm.

Giám đốc điều hành Whirlpool, ông Marc Bitzer nhận định: "Đây là cách duy nhất để bù đắp đợt tăng giá chi phí vừa rồi".

Lý do thứ ba: Chi phí vận chuyển đạt kỷ lục

Nếu như ở Việt Nam, chi phí vận chuyển đang bị ảnh hưởng lớn do thời gian qua các chốt kiểm soát liên tỉnh, thì các quốc gia khác cũng phải đối mặt với việc gián đoạn chuỗi logistics hàng hải, và giá vận chuyển cũng đạt mức kỷ lục.

Danh sách các doanh nghiệp trên khắp thế giới phải chi trả phí vận chuyển cao hơn ngày càng dài, từ nhà sản xuất động cơ Cummins (CMI) đến nhà sản xuất thiết bị tập thể dục Peloton (PTON). Khi giá vận chuyển hàng hóa đắt đỏ, các công ty đã buộc phải chọn nâng giá bán để bù đắp chi phí này.

Từ vụ tăng giá bị ném đá của Bách Hóa Xanh đến hiện tượng tăng giá khắp toàn cầu: Rủi ro sắp tới là gì? - Ảnh 2.

Theo số liệu về Chỉ số Nhà quản lý về Logistics, hầu hết các giám đốc hãng vận tải đều dự báo, chi phí trên cả 3 danh mục: hàng tồn kho, vận chuyển và lưu kho đến sẽ đạt mức tăng cao nhất trong lịch sử 5 năm.

Làn sóng tăng giá được thấy rõ trên các kệ hàng đã đặt ra một thách thức lớn với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi tình trạng này được cho rằng sẽ diễn ra trong dài hạn, hành vi của hai bên từ đó sẽ thay đổi, gây ra tình trạng ép giá kéo dài.

Chẳng hạn như người lao động có thể đòi tăng lương, dẫn đến doanh nghiệp buộc tăng giá hàng hóa. Các chuyên gia Deutsche Bank từng cảnh báo rằng, việc phớt lờ kiểm soát giá và lạm phát sẽ khiến các nền kinh tế thế giới phải "ngồi trên quả bom hẹn giờ".

"Nhìn chung, các quyết định về giá giai đoạn 1980 - 2020 giờ đây sẽ không còn phù hợp với tình hình hiện tại", các chuyên gia tại Deutsche Bank kết luận.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên