MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sợ giá loạt mặt hàng thiết yếu tăng ồ ạt giữa cao điểm Covid-19, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc đã làm gì?

Sợ giá loạt mặt hàng thiết yếu tăng ồ ạt giữa cao điểm Covid-19, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc đã làm gì?

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có với hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế. Một trong số đó là hiện tượng giá cả các mặt hàng thiết yếu khắp nơi trên thế giới bị "thổi phồng". Trước tình hình như vậy, các quốc gia đã làm cách nào để hạ nhiệt cơn sốt giá này?

Trong các trường hợp khẩn cấp, hoặc đối với một số ngành nghề cụ thể, chính phủ các quốc gia thường phải đưa ra những biện pháp kiểm soát giá nhằm hạn chế giá tăng. Kiểm soát giá là việc chính phủ quy định về mức giá tối đa (giá trần) và mức giá tối thiểu (giá sàn) để đảm bảo lợi ích cho người sản xuất hoặc người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường.

Vậy, trong bối cảnh cao điểm đại dịch Covid-19, các nước đã đưa ra các biện pháp gì?

Malaysia

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Malaysia, Chính phủ nước này đã áp dụng chính sách kiểm soát giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bắt đầu từ ngày 15/4 năm ngoái đến khi lệnh giãn cách xã hội được hủy bỏ.

Cùng lúc đó, người tiêu dùng đang định hình lại thói quen, và sự thay đổi lớn nhất chính là nhiều người Malaysia ăn ở nhà hơn. Do đó, họ cần mua nhiều thực phẩm hơn từ siêu thị. Xu hướng này đi kèm với việc tích trữ lương thực, đặc biệt vào giai đoạn đầu giãn cách xã hội. Nhu cầu tăng đã đẩy giá hàng hóa tăng cao. Hiện tượng này cũng được khuếch đại bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chính việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Sợ giá loạt mặt hàng thiết yếu tăng ồ ạt giữa cao điểm Covid-19, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc đã làm gì? - Ảnh 1.

Việc kiểm soát giá của Malaysia nhằm bảo vệ sức mua của người dân. Khi giá cả tăng, các nhà cung cấp buộc phải tìm thêm nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, cũng không phải là phương án hoàn hảo. Điều này cần thời gian và phải phát triển theo từng bước.

Trên thực tế, từ lâu, Malaysia đã áp dụng quy định bao bì hàng hóa thiết yếu phải được in giá bán. Bên cạnh việc các công ty đóng gói và phân phối mặt hàng thiết yếu buộc phải có đăng ký, thì giá bán cũng được áp đặt ở trong một khung nhất định, từ đó ngăn chặn việc tăng giá tùy ý.

Thái Lan

Tại Thái Lan, gần đây, Chính phủ nước này thông báo duy trì kiểm soát giá đối với 51 sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cam kết đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với 4 mặt hàng, bao gồm: rau, trái cây, thép thanh nhập khẩu và DDGS (bã rượu khô).

Danh mục kiểm soát giá bao gồm các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày như thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, nông sản (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi...), vật liệu xây dựng, giấy, xăng dầu và thuốc men.

Sợ giá loạt mặt hàng thiết yếu tăng ồ ạt giữa cao điểm Covid-19, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc đã làm gì? - Ảnh 2.

Thực phẩm bao gồm tỏi, thóc, gạo xay, ngô, trứng, sắn, bột mì, sữa bột/sữa tươi, đường, dầu thực vật/động vật và thịt lợn. Dịch vụ bao gồm các dịch vụ giao hàng, dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, y tế, dịch vụ thanh toán...

Ngoài ra, Thái Lan cũng đang xem xét thành lập tiểu ban kiểm tra lợi nhuận gộp hoặc phí hoa hồng đối với các nhà cung cấp thực phẩm thông qua nền tảng giao đồ ăn trực tuyến.

Trung Quốc

Tháng trước, Trung Quốc đã thông báo tăng cường kiểm soát giá đối với ngô, quặng sắt, đồng và các mặt hàng chính khác trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025, nhằm giải quyết những biến động bất thường về giá cả thời gian qua.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) nước nay cũng sẽ tăng cường giám sát và phân tích giá cả hàng hóa như dầu thô, khí đốt tự nhiên và đậu tương. NDRC nhấn mạnh, cơ quan này sẽ xây dựng khung nhằm giữ nguồn cung các mặt hàng ngũ cốc vững chắc và giá cả ổn định.

Việt Nam

Tại cuộc họp sáng 18/7 về tình hình cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. HCM Trương Văn Ba đã thông tin, từ ngày 9/7, khi có chỉ thị 16 trên toàn thành phố, có tình trạng một số chợ truyền thống, siêu thị nâng giá hàng hóa, chủ yếu do sức mua tăng cao.

"Những ngày đầu có vài trường hợp cá biệt bà con vào mua hàng ra ngoài bán, nhưng ngay sau đó lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời nhắc nhở bà con, ngăn chặn tình trạng này", ông nói thêm.

Sợ giá loạt mặt hàng thiết yếu tăng ồ ạt giữa cao điểm Covid-19, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc đã làm gì? - Ảnh 3.

Về nguồn cung, ông Trương Văn Ba cho rằng hàng hóa tại siêu thị những ngày gần đây cơ bản đáp ứng đủ, rau củ quả có thời điểm cuối ngày giảm đi, nhưng ngay sau đó được bổ sung. Giá cả có tăng nhưng không cao so với ngày thường. Mặc dù vẫn còn tình trạng xếp hàng vào siêu thị nhưng không ồ ạt như trước đây.

Ông Ba nhận định, hệ thống phân phối TP. HCM hạn chế, nên trong tình hình hiện nay các ngành công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế cần có biện pháp để kết nối với nhà cung cấp, đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Đặc biệt, đại diện Cục Quản lý thị trường TP. HCM cũng kiến nghị với Bộ Công thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh trường hợp nâng giá bất hợp lý.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên