Từ vụ trẻ Việt 2 tuổi bị hỏng gan vì dùng thuốc quá liều, ghi nhớ ngay những lưu ý khi hạ sốt cho trẻ bằng Paracetamol để hậu quả đau buồn!
Không như người lớn, việc cho trẻ nhỏ dùng paracetamol phải hết sức cẩn trọng, đặc biệt là về liều lượng sử dụng.
- 15-08-2019Ám ảnh hai mảnh đời ung thư, bác sĩ bệnh viện Việt Đức muốn "gào thét" lên: Chúng ta quá dễ dãi trong ăn uống, lười vận động và "nghiện" điều này mà không hề hay biết!
- 15-08-2019Mải mê vuốt và chạm điện thoại, đến khi giật mình ngẩng lên thì đã quá muộn: Làm thế nào để "cai nghiện" đây?
- 13-08-2019Đe dọa tính mạng của 3,5 triệu người Việt nhưng tiểu đường tuýp 2 có thể bị đảo ngược chỉ nhờ chế độ ăn và lối sống mà không cần dùng thuốc
Mới đây, một bé trai 2 tuổi đã được đưa vào Khoa Cấp cứu - Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ với các dấu hiệu ngộ độc paracetamol. Do thấy con sốt cao và ho mãi không dứt, cha mẹ đã cho bé uống paracetamol 500 mg với liều 4 viên/ngày trong 4 ngày liên tiếp.
Các bác sĩ chẩn đoán bé bị suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, kèm theo ngộ độc paracetamol. Tình trạng của bé rất nặng, nếu không ghép gan sẽ khó lòng qua khỏi. Do đó, bé đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
Paracetamol là một trong những loại thuốc được phụ huynh tin dùng mỗi khi con bị sốt cao. Vì paracetamol nằm trong danh mục thuốc không kê đơn, mọi người có thể dễ dàng tìm mua tại bất cứ hiệu thuốc nào.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ không biết cách sử dụng paracetamol đúng liều, đúng lúc có thể sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho trẻ nhỏ.
Khi nào nên dùng paracetamol để hạ sốt?
Sốt là phản ứng miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại sự xâm nhập của các loại virus. Khi cơ thể bị các tác nhân gây hại tấn công, hệ miễn dịch sẽ gửi tín hiệu cho não điều chỉnh thân nhiệt nhằm ngăn chặn chúng. Vì thế, phụ huynh không nên quá lo lắng khi thấy con sốt, trừ khi trẻ bị co giật, li bì, mệt mỏi.
Bố mẹ chỉ nên cho con sử dụng paracetamol khi trẻ bị sốt từ 38.5 độ C trở lên. Paracetamol là loại thuốc hạ sốt thông dụng và an toàn mà hầu hết bác sĩ nhi khoa khuyên dùng.
Có các loại paracetamol nào?
- Dạng gói bột: Đây là dạng phù hợp với sở thích của trẻ em do có mùi hương trái cây như cam, chanh, dâu. Khi trẻ sốt, chỉ cần pha thuốc với nước sôi để nguội là trẻ có thể uống được. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng hạ sốt nhanh, chỉ sau khoảng 15-30 phút. Hàm lượng thông thường của các gói dạng bột là 80 mg, 150 mg và 250 mg.
- Dạng sirô: Dạng này cũng có nhiều mùi vị và hiệu quả tương tự như dạng bột, giúp trẻ dễ uống, dễ hạ sốt. Hàm lượng thông thường là 80 mg/5 ml, 150 mg/5ml và 250 mg/5 ml.
- Dạng viên đạn: (đút hậu môn): Loại này thường dùng khi trẻ không thể uống được, sốt cao co giật. Hàm lượng thông thường là 80 mg, 150 mg và 300 mg.
- Dạng viên nén: Loại này chỉ dành cho trẻ từ 7-8 tuổi trở lên. Hàm lượng thông thường là 325 mg và 500 mg.
Cho trẻ uống paracetamol với liều lượng như thế nào?
Các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống paracetamol tùy theo cân nặng của trẻ. Liều lượng được chỉ định là 10-15 mg/lần/kg, tối đa không quá 60 mg/kg/ngày.
Ví dụ, trẻ nặng 10 kg thì sẽ cho uống 100-150 mg/lần.
Nếu trẻ vẫn sốt cao trên 38,5 độ C, thời gian giữa 2 lần dùng thuốc là 6-8 tiếng đối với trẻ sơ sinh và 4-6 tiếng đối với trẻ lớn hơn. Không nên cho trẻ uống quá 4 liều trong vòng 24 tiếng.
Ngoài ra, đối với dạng viên đạn (đút hậu môn), cha mẹ cũng cần chú ý độ tuổi và cân nặng của con trước khi cho trẻ dùng. Theo đó, trẻ 1-5 tháng tuổi (4-6 kg) sử dụng dạng 80 mg. Trẻ từ 6-12 tháng tuổi (7-12 kg) dùng dạng 150 mg. Trẻ 2-9 tuổi (nặng 12-24 kg) dùng 300 mg.
Cần lưu ý điều gì khi dùng paracetamol cho trẻ nhỏ?
- Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng tuổi dùng thuốc hạ sốt khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Phải dựa vào cân nặng của trẻ để tính toán đúng liều lượng cần uống.
- Không nên sốt ruột khi thấy trẻ trưa hạ sốt ngay, cần đảm bảo khoảng cách giữa 2 lần uống để tránh tình trạng bị ngộ độc. Dấu hiệu của ngộ độc paracetamol thường là nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng,... nặng hơn là gây tổn thương gan dẫn tới vàng da, li bì, vàng mắt,...
- Thuốc hạ sốt phải còn hạn sử dụng rõ ràng.
- Nếu thấy trẻ sốt cao quá 3 ngày, không có tác dụng hoặc bị dị ứng với thuộc, cần đưa trẻ đi viện ngay.
- Không tự ý cho trẻ bị bệnh tim, gan, thận,... uống mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
- Để trẻ mau chóng hạ sốt, bên cạnh việc uống thuốc, cần kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống nước sôi để nguội, nước hoa quả hoặc uống thêm Oresol theo chỉ dẫn.