MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ việc cấp cứu bệnh nhân liệt 2 chân ở bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần lưu ý những gì?

17-07-2019 - 13:20 PM | Sống

Biết rằng có bệnh thì phải vái tứ phương, nhưng vụ việc mới đây tại bệnh viện Việt Đức về một bệnh nhân 50 tuổi cấp cứu trong tình trạng liệt cả 2 chân sau khi đi giác hơi, nắn bóp là 1 bài học cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, cần cẩn thận hơn với những quyết định liên quan đến sức khoẻ của mình

Bệnh nhân liệt cả 2 chân sau khi đi giác hơi, nắn bóp

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, các bác sỹ khoa Phẫu thuật cột sống vừa cấp cứu cho 1 bệnh nhân 50 tuổi, có bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, nhập viện trong tình trạng liệt cả 2 chân, hai tay tê bì và yếu.

Do bị đau mỏi nhiều, bệnh nhân đã đi giác hơi, nắn bóp ở 1 thầy lang. Thế nhưng sau khi giác hơi về nhà tầm 6 tiếng, bệnh nhân bỗng cảm thấy tê bì, tức nặng chân, dần dần mất hoàn toàn khả năng vận động nên gia đình phải vội đưa đi cấp cứu.

ThS. BS Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật cột sống – Bệnh viện Việt Đức cho biết, kết quả chụp cộng hưởng từ cấp cho thấy, bệnh nhân có một khối máu tụ rất to đang chèn ép nặng cột sống cổ, đó chính là nguyên nhân gây liệt hai chân.

Từ vụ việc cấp cứu bệnh nhân liệt 2 chân ở bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần lưu ý những gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh khối máu tụ rất lớn chèn ép ống tuỷ cổ trên phim chụp cộng hưởng từ,nguyên nhân gây liệt cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay trong đêm, lấy bỏ khối máu tụ lớn trong cột sống cổ, giải phòng chèn ép tuỷ thần kinh. Sau mổ, bệnh nhân thở yếu nên phải nằm hồi sức 3 ngày rồi chuyển về khoa phòng điều trị. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã khỏe lại, vận động như bình thường.

Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý khi đĩa đệm nằm giữa 2 đốt sống bị trượt, lệch ra khỏi vị trí ban đầu do thoái hoá tuổi già, làm việc sai tư thế hay tai nạn, chấn thương vùng cột sống. Không phải căn bệnh nan y, thế nhưng mức độ nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm thực sự ám ảnh nhiều người. Nếu không được chữa trị, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Rối loạn cảm giác do chèn ép thần kinh, rối loạn cơ thắt, teo cơ chân tay, thậm chí liệt hoàn toàn.

Để điều trị thoát vị đĩa đệm, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, các bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị triệu chứng hay phẫu thuật. Có thể kể đến các phương pháp điều trị như:

Điều trị bằng thuốc: các loại thuốc giảm đau, giãn cơ, chống viên hay các thuốc chuyên về xương khớp

Điều trị vật lý trị liệu: Đây là phương pháp phổ biến và hiệu quả cao gồm massage, châm cứu, liệu pháp nhiệt, v.v.. Các phương pháp vật lý trị liệu này xuất phát nhiều từ y học truyền thống phương Đông.

Mổ thoát vị đĩa đệm: Biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm này được áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với việc điều trị bảo tồn từ 6 tháng đến 1 năm.

Bác sỹ lưu ý bệnh nhân thoát vị đĩa đệm

Qua câu chuyện tại bệnh viện Việt Đức, ThS. BS Trần Quốc Khánh lưu ý đến các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm:

- Khi mình hay người thân, bạn bè có vấn đề về xương khớp-cột sống, bạn nên đi khám sớm và tìm kiếm phác đồ điều trị, lời khuyên tư vấn từ những Bs chuyên sâu và chính thống về chuyên ngành đó. Hiện nay có quá nhiều người vội vàng nghe lời mách bảo, nắn bóp-đắp thuốc-kéo dãn tốt lắm mà tìm đến để rồi gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Hình ảnh cậu thanh niên hơn 20 tuổi người Lạng Sơn chỉ vì đau cổ rồi đi kéo nắn thầy lang và bị thoát vị cấp tính gây liệt hoàn toàn tứ chi cách đây mấy năm còn ám ảnh các Bác sỹ đến bây giờ.

- Bất cứ lúc nào, nếu đi xoa bóp-bấm huyệt-châm cứu, bạn nên tìm đến những trung tâm chính thống và được đào tạo bài bản tại những viện Y học cổ truyền-trung tâm phục hồi chức năng có giấy phép hoạt động chính thức của Bộ Y tế. Và trong cơn say, cơn đau, cơn mệt mỏi, cơn mơ ngủ…hãy cẩn thận với những động tác xoay-nắn-giật-nhổ đột ngột từ những nhân viên xoa bóp ở đó. Vì chính những động tác đó có thể vô tình làm thoát vị cấp, vỡ mạch máu…và gây liệt cấp tính.

- Bất cứ lúc nào trong-sau tác động-matxa-châm cứu-tiêm chọc.. vào cột sống mà bạn thấy tê bì tay-chân tăng dần hoặc yếu tang dần thì cần vào ngay trung tâm y tế có khả năng chụp cộng hưởng từ để quét ngay cột sống xem có bị thoát vị-máu tụ chèn ép cấp tính gì không, anh chị nhé! Thời gian là vàng trong những tình huống này.

Theo Hoàng Lân

Sức khoẻ hàng ngày

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên