MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vụ Việt Á: Làm gì để cán bộ vượt qua cám dỗ vật chất?

22-08-2022 - 08:13 AM | Xã hội

"Đứng trong bộ máy, mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm soát mình, nếu không sẽ trượt dài trên con đường suy thoái, trượt dài trên con đường tha hóa, thậm chí thoái hóa tính người" - nhà báo Nhị Lê cho biết.

Liên quan vụ án Công ty Việt Á, đến nay đã có 95 bị can bị khởi tố. Trong đó các quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng loạt Giám đốc CDC các tỉnh, thậm chí cả lãnh đạo Học viện Quân y cũng phải chịu trách nhiệm.

Bằng cách chi thật nhiều “hoa hồng”, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành, với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó, chi “hoa hồng” cho các đối tác là 800 tỷ đồng. Lãnh đạo ngành Y tế bị khởi tố đầu tiên là Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến với khoản “hoa hồng” lên đến 30 tỷ đồng.

Từ vụ Việt Á: Làm gì để cán bộ vượt qua cám dỗ vật chất? - Ảnh 1.

Nhiều cán bộ đã bị khởi tố liên quan vụ kít xét nghiệm Việt Á

Liên quan đến vụ việc này, mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 18, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng có trách nhiệm trước những vi phạm trong việc phòng, chống dịch Covid, nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định, gây hậu quả rất nghiêm trọng... Danh sách cán bộ vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á chưa dừng lại.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định không phải do "lỗi cơ chế, lỗi hệ thống", mà một số cán bộ lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật có những vi phạm hình sự rất đáng để xử lý. Việc mua sắm thiết bị y tế, các đối tượng đã thông đồng với nhà thầu để nâng giá thiết bị, có ăn chia nhau, trích phần trăm…Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng mới bị xử lý.

Nhìn nhận dưới góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Danh Huế (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là sự bắt tay, thông đồng của một chuỗi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cùng với doanh nghiệp "bắt tay" để nâng giá. Hành vi này không mới nhưng là hồi chuông báo động sự suy thoái diễn ra công khai, nhiều người, nhiều ban ngành cùng liên quan. Điều đó cho thấy sự giám sát của các cơ quan chức năng còn rất hạn chế.

Từ vụ Việt Á: Làm gì để cán bộ vượt qua cám dỗ vật chất? - Ảnh 2.

Đại tướng Tô Lâm trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho rằng "quả bom Việt Á" thật chấn động, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng, những vi phạm của các cán bộ liên quan là do bản lĩnh chính trị đã bị suy thoái, biến chất. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này còn do việc xử lý cán bộ sai phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Từ đó vô hình trung đã “nuôi tham vọng” cho những kẻ muốn tham nhũng, tiêu cực, bất chấp tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đây thật sự là sự lời cảnh tỉnh cho tất cả cán bộ “đừng phút giây nào lơi lỏng sự rèn luyện”.

“Đã có chức vụ, quyền hạn, nếu sử dụng vào hành vi tiêu cực thì tác hại vô cùng. Tác hại về tiền bạc là một, nhưng tác hại về danh tiếng gấp hàng trăm hàng ngàn lần" - ông Vũ Trọng Kim nói.

Từ vụ Việt Á: Làm gì để cán bộ vượt qua cám dỗ vật chất? - Ảnh 3.

Đại biểu Vũ Trọng Kim

Số tiền Việt Á “lại quả” rõ ràng là quá lớn. Vậy làm sao để cán bộ có thể vượt qua được cám dỗ vật chất lớn như vậy? Ở đây, ngoài năng lực quản lý theo từng ngành, từng lĩnh vực thì đòi hỏi cần chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ một năng lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Năng lực này gồm tri thức về phòng chống tham nhũng, nhận biết được hành vi tham nhũng hoặc bị kết tội là tham nhũng. Bên cạnh đó, vẫn phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để không ai có thể luồn lách, len lỏi vào chỗ hở của cơ chế, chính sách. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên theo phương châm: Trên kiểm tra xuống, cán bộ đảng viên kiểm tra lẫn nhau, dư luận, báo chí kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.

Nhấn mạnh đến “văn hóa liêm chính”, Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, kiên trì xây dựng "văn hóa liêm chính" sẽ tạo nền tảng vững chắc về phẩm chất cho cán bộ, đảng viên không bị chệch hướng, vượt qua cám dỗ tiền bạc, vật chất.

"Đứng trong bộ máy, mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm soát mình, nếu không sẽ trượt dài trên con đường suy thoái, trượt dài trên con đường tha hóa, thậm chí thoái hóa tính người. Bên cạnh đó, cán bộ đứng trong bộ máy thì tuân thủ vô điều kiện kỷ luật của bộ máy, pháp luật của Nhà nước; là đảng viên thì phải tuân thủ vô điều kiện điều lệ của Đảng. Là một công dân tuân thủ vô điều kiện sự giám sát của nhân dân. Đó là 3 lĩnh vực để mỗi cán bộ, đảng viên giữ trọn thanh danh, thực sự là một đảng viên, là một công bộc của nhân dân”- nhà báo Nhị Lê cho biết.

Từ vụ Việt Á: Làm gì để cán bộ vượt qua cám dỗ vật chất? - Ảnh 4.

Nhà báo Nhị Lê

Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống là phương cách quan trọng bậc nhất để chống lại cám dỗ, kiểm soát ham muốn vật chất. Bên cạnh đó, rèn dũng khí đối mặt với những điểm yếu của chính mình mới nhìn xuyên thấu gốc rễ đẩy cán bộ rơi vào cạm bẫy do cám dỗ giăng ra. Không ngừng hoàn thiện bản thân, nghiêm khắc với chính mình, nêu cao ý thức tự chủ trước mọi hoàn cảnh - Đó cũng chính là bản lĩnh, sẵn sàng vượt qua mọi thách thức của người cán bộ, đảng viên, để không ngừng hoàn thiện năng lực, phẩm chất và nâng cao uy tín lãnh đạo./.

Theo Lại Hoa

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên