MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần 11-15/10: Khối ngoại có tuần thứ 10 liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tâm điểm giao dịch khủng 2.500 tỷ đồng cổ phiếu MML

Tuần 11-15/10: Khối ngoại có tuần thứ 10 liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tâm điểm giao dịch khủng 2.500 tỷ đồng cổ phiếu MML

Điểm trừ lớn là việc khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần ghi nhận 3.384 tỷ đồng, tương ứng khối lượng ròng xấp xỉ 35 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. Đáng chú ý là giao dịch thỏa thuận hơn 2.500 tỷ đồng tại mã cổ phiếu MML.

5 phiên giao dịch trong tuần 11-15/10 ghi nhận những nỗ lực của thị trường chứng khoán Việt Nam tại các ngưỡng kháng cự mới. Sau khi bứt khỏi xu hướng side-way, các chỉ số đều ghi nhận đà tăng tích cực. Tuy nhiên, VN-Index sau nhiều lần cố gắng vẫn chưa thể chinh phục thành công ngưỡng cản 1.400 điểm khi mà lực bán gia tăng mạnh và trở nên thắng thế. 

Đây cũng là tuần giao dịch khởi đầu cho mùa BCTC quý 3, do đó tâm lý nhà đầu tư mặc dù đã sôi động hơn nhưng vẫn có phần chờ đợi những thông tin từ các doanh nghiệp, qua đó chưa thể tạo nên đà bứt phá cho thị trường. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tăng mạnh 9% lên mức 26.591 tỷ đồng. 

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.392,7 điểm, tương ứng tăng tới 37.84 điểm (2,8%) so với đầu tuần. HNX-Index cũng tăng 3,47% lên mức 384,84 điểm và UPCoM-Index tăng 1,2% lên 99,44 điểm.

Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên mức 3.614 tỷ đồng, chiếm 7,4% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm trừ lớn là việc họ tiếp tục chuỗi bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần ghi nhận 3.384 tỷ đồng, tương ứng khối lượng ròng xấp xỉ 35 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. 

Duy nhất hai phiên đầu tuần và cuối tuần, khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ qua kênh khớp lệnh, còn lại toàn bộ là bán ròng trên cả hai kênh thỏa thuận và khớp lệnh. Đáng chú ý trong tuần qua là giao dịch thỏa thuận hơn 2.500 tỷ đồng tại mã cổ phiếu MML, triệt tiêu hoàn toàn giá trị mua ròng trên sàn UPCoM những phiên còn lại.

Cụ thể hơn, tuần qua trên kênh khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 1.356 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong khi họ bán ròng tới 2.028 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận tại hai sàn HoSE và UPCoM, qua đó nới rộng thêm đà bán ròng trên toàn thị trường.

Tuần 11-15/10: Khối ngoại có tuần thứ 10 liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tâm điểm giao dịch khủng 2.500 tỷ đồng cổ phiếu MML - Ảnh 1.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, ngoài giao dịch khủng cổ phiếu MML, lực bán của khối ngoại tiếp tục dồn mạnh vào nhóm vốn hóa lớn như HPG, SSI, KBC, MSN, SBT. Ngược lại, phía mua ròng tập trung tại các cổ phiếu FMC, VRE, DPM, HSG, MBB.

Tuần 11-15/10: Khối ngoại có tuần thứ 10 liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tâm điểm giao dịch khủng 2.500 tỷ đồng cổ phiếu MML - Ảnh 2.

Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục duy trì mạch bán ròng, tổng giá trị ròng đạt 692 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.216 tỷ đồng được giao dịch thông qua khớp lệnh trên sàn, ngược lại họ tiếp tục mua ròng 524 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.

Nối tiếp mạch bị bán ròng, cổ phiếu HPG trong tuần qua tiếp tục ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất thị trường với 393 tỷ đồng. Liên quan tới HPG, đây là cổ phiếu đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF. Quỹ ngoại này thời gian qua đang liên tục bị rút ròng, tính chung từ đầu tháng 10 tới nay, giá trị rút ròng đã xấp xỉ 14 triệu USD (310 tỷ đồng).

Cổ phiếu xếp bên dưới còn có PAN bị bán ròng 349 tỷ đồng, SSI cũng bị áp lực bán ra của nhà đầu tư ngoại, giá trị bán ròng ghi nhận 282 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác bị bán ròng trên 100 tỷ đồng trong tuần còn có KBC (224 tỷ đồng), MSN (165 tỷ đồng), SBT (161 tỷ đồng), VND (135 tỷ đồng), VNM (125 tỷ đồng), GMD (101 tỷ đồng).

Tại chiều mua, tâm điểm giao dịch trong tuần này là cổ phiếu FMC với giá trị mua ròng nhiều nhất 487 tỷ đồng, chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. Théo cập nhật, trong hai ngày 11-12/10, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã mua lần lượt hơn 4 triệu cổ phiếu và hơn 5 triệu cổ phiếu FMC, nâng sở hữu lên mức 16,56% vốn của FMC. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có các cổ phiếu khác như VRE (279 tỷ đồng), DPM (158 Tỷ đồng), HSG (118 tỷ đồng), MBB (105 tỷ đồng)...

Tuần 11-15/10: Khối ngoại có tuần thứ 10 liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tâm điểm giao dịch khủng 2.500 tỷ đồng cổ phiếu MML - Ảnh 3.

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng với quy mô 63 tỷ đồng và toàn bộ đều đến từ kênh khớp lệnh.

Giao dịch chiều bán tại HNX tiếp tục ghi nhận SHS bị bán mạnh nhất với hơn 101 tỷ đồng Theo sau là TNG với giá trị bán ròng 38 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có THD (20 tỷ đồng), PVS (7 tỷ đồng), VNR (3 tỷ đồng), IDJ (3 tỷ đồng), NVB (3 tỷ đồng)...

Ngược lại, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã PVI với 82 tỷ đồng, cổ phiếu doanh nghiệp xi măng BCC đang được kỳ vọng hưởng lợi bởi cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc cũng được mua ròng 15 tỷ đồng. 

Tuần 11-15/10: Khối ngoại có tuần thứ 10 liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tâm điểm giao dịch khủng 2.500 tỷ đồng cổ phiếu MML - Ảnh 4.

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận việc đẩy mạnh bán ròng 2.629 tỷ đồng, trong đó 77 tỷ đồng bán ròng trên kênh khớp lệnh và tới 2.553 tỷ đồng bán ròng trên kênh thỏa thuận. Với con số này, đây tiếp tục là kỷ lục bán ròng mới theo tuần của khối ngoại trên UPCoM kể từ tháng 7/2021.

Cổ phiếu MML dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng 2.549 tỷ đồng và chủ yếu là thông qua giao dịch thỏa thuận. Bên cạnh đó, QNS tiếp tục bị bán ròng 60 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có VEA, VTP, NTC, ABI...

Tại phía mua vào, cổ phiếu hàng không ACV tuần này được nhà đầu tư ngoại rót ròng 7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng vốn ngoại vẫn tìm đến cổ phiếu BSR với giá trị mua ròng 6 tỷ đồng, VGG với 4 tỷ đồng, ORS với 3 tỷ đồng.

Tuần 11-15/10: Khối ngoại có tuần thứ 10 liên tiếp bán ròng trên toàn thị trường, tâm điểm giao dịch khủng 2.500 tỷ đồng cổ phiếu MML - Ảnh 5.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên