MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần 29/1 – 2/2: Theo dõi dòng tiền ETFs, chờ đón những doanh nghiệp cuối cùng công bố KQKD 2017

Giao dịch khối ngoại cũng là yếu tố đáng chú ý khi lượng rót vốn ròng vào các quỹ ETFs đang chững lại. Nếu lượng rót vốn này chững lại trong tuần tới thì thị trường sẽ đối mặt với áp lực điều chỉnh cao khi mà thị trường đã tăng quá “nóng” mà lại thiếu đi lực đỡ của khối ngoại.

Tuần giao dịch 22-26/1 khép lại với những diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam. Mặc dù việc gián đoạn kỹ thuật khiến HoSE mất đi 2 phiên giao dịch, tuy nhiên VnIndex vẫn tăng 5% so với tuần trước đó lên mức 1115.64 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục ở mức cao với 8.857 tỷ đồng/phiên, tăng 25% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, việc đột biến thanh khoản này chủ yếu do dòng tiền ứ đọng trong 2 phiên ngừng giao dịch được giải phóng trong phiên 25/1, qua đó đẩy thanh khoản tăng cao.

Giao dịch khối ngoại cũng là một điểm đáng chú ý khi họ tiếp tục mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tuy vậy, lượng huy động vốn của các quỹ ETFs đang có dấu hiệu chững lại.

Sau 6 tuần tăng điểm liên tiếp, áp lực chốt lời trên thị trường đã gia tăng trong tuần qua, nhưng những tín hiệu tích cực về dòng tiền khối nội, ngoại, cũng như sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng đã giúp VnIndex trụ vững.

Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua là UBCKNN cho biết việc điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ vay margin sẽ được áp dụng từ 1/3, tức chậm hơn 1 tháng so với trước đây và thông tin này đã mang đến tâm lý lạc quan hơn đôi chút cho giới đầu tư trong ngắn hạn.

Ngoài ra, lượng cổ phần đăng ký đặt mua trong phiên đấu giá IPO PV Power (491,5 triệu cổ phần) chỉ cao hơn một chút lượng cổ phần chào bán (468,4 triệu cổ phần). Rõ ràng đây không phải là thông tin tích cực nếu so với các đợt IPO gần đây của BSR và PV Oil; và điều này cho thấy trong ngắn hạn NĐT đã "cạn sức" sau khi tham gia nhiều đợt IPO lớn diễn ra liên tiếp.

Chờ đợi những tín hiệu từ ETFs và hiệu ứng KQKD 2017

Trong tuần tới, thông tin đáng chú ý nhất với giới đầu tư vẫn là KQKD của các doanh nghiệp lớn được công bố và đây sẽ là chất xúc tác cho thị trường từ nay tới Tết nguyên đán.

Giao dịch khối ngoại cũng là yếu tố đáng chú ý khi lượng rót vốn ròng vào các quỹ ETFs đang chững lại. Nếu lượng rót vốn này chững lại trong tuần tới thì thị trường sẽ đối mặt với áp lực điều chỉnh cao khi mà thị trường đã tăng quá "nóng" mà lại thiếu đi lực đỡ của khối ngoại. Trong trường hợp ngược lại, khả năng thị trường vẫn sẽ duy trì đà tăng.

Tuần 29/1 – 2/2: Theo dõi dòng tiền ETFs, chờ đón những doanh nghiệp cuối cùng công bố KQKD 2017 - Ảnh 1.

Dòng tiền vào V.N.M ETF đang chững lại?

Bên cạnh đó, giá dầu cũng là điều cần được quan tâm. Trong tuần qua, giá dầu WTI đã vượt mốc 66 USD/thùng. Nếu giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng, hoặc ổn định trong vùng giá hiện tại cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu dầu khí, từ đó tác động tích cực tới thị trường chung.

Trong bản tin nhận định thị trường, CTCK SHS cho biết dòng tiền đang thể hiện một sức mạnh chưa từng có từ trước đến nay và tâm lý nhà đầu tư đang rất hưng phấn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Mức tăng là mạnh nhưng sắc xanh không thật sự lan tỏa tốt mà dòng tiền chủ yếu chỉ tập trung ở những cổ phiếu trụ cột của thị trường.

SHS cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng nhưng rủi ro ngắn hạn cũng đang dần lớn lên. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (29/1-2/2), VnIndex có thể sẽ tiếp tục đi lên để hướng đến ngưỡng kháng cự 1.130 điểm, vùng hỗ trợ cho chỉ số trong khoảng 1.000-1.050 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua mới và có thể tận dụng đà tăng của thị trường để chốt lời dần một phần danh mục. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.

Tuần 29/1 – 2/2: Theo dõi dòng tiền ETFs, chờ đón những doanh nghiệp cuối cùng công bố KQKD 2017 - Ảnh 2.

VnIndex sẽ sớm vượt đỉnh lịch sử?

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên