MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần đi làm 7 ngày, 12h đêm mới hết việc nhưng: Mua nhà mua xe là quá xa xỉ dù thu nhập vài chục triệu

17-04-2022 - 11:31 AM | Lifestyle

Không thể mua nổi một tài sản lớn ở độ tuổi 20 hay đầu 30 có phải là do chi tiêu phung phí?

Chắc các bạn trẻ không còn xa lạ với những câu như Gen Z bây giờ không làm nhiều như trước mà đòi có thu nhập, hay thời trước thiếu thốn hơn nhiều nhưng sao bọn trẻ bây giờ kêu ca quá vậy. Tại sao một bộ phận người trẻ làm đến tối muộn, "bán mạng" nhưng vẫn không thể tích lũy nổi 1 đồng nào? Đó có chăng là do thói quen chi tiêu quá phung phí hay như nhiều người khác nói "sướng mà không biết hưởng"?

Thường xuyên OT, không thể "cắt đứt" hoàn toàn với công việc, và mức lương 15-20 triệu đồng

Mình sinh năm 97, hiện tại đã đi làm được gần 4 năm, thu nhập hoàn toàn từ công việc full-time trong ngành truyền thông. Vì đặc thù công việc nên giờ giấc làm việc của mình chưa bao giờ ổn định, không đóng khung từ 8 tới 5 giờ như nhiều người và việc OT (tăng ca) là khá thường xuyên. Thậm chí, cuối tuần và các ngày lễ cũng có thể phải OT.

Tuy khối lượng làm việc mỗi ngày không quá nhiều, nhưng thời gian để "cắt đứt" hoàn toàn với công việc, không phải bật thông báo tin nhắn từ sếp gần như là rất ít. Dẫu không phổ biến nhưng mình tin cũng không ít bạn trẻ hiện tại phải làm việc vất vả, giờ giấc kéo dài như mình.

Tuần đi làm 7 ngày, 12h đêm mới hết việc nhưng: Mua nhà mua xe là quá xa xỉ dù thu nhập vài chục triệu - Ảnh 1.

Mỗi tháng tổng thu nhập của mình trung bình từ 15 triệu đến dưới 20 triệu đồng. Mặc dù bây giờ nghĩ lại không nhớ lần cuối đi du lịch là bao giờ hay thậm chí 1 năm qua đã có bao nhiêu cái cuối tuần được nghỉ, mình vẫn cảm thấy khá thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống dù chẳng tích lũy được nhiều. Hàng ngày vẫn "bán mạng" làm việc, nhiều lúc thật sự muốn nghỉ việc. Song, dần dần mình chấp nhận đây là cuộc sống mà hầu như ai bằng tuổi mình cũng đang phải trải qua.

Độc thân nhưng không thể tiết kiệm được quá 30% thu nhập

Không khó để nghe những câu như mức thu nhập 15-20 triệu đồng ở độ tuổi 24, 25 thì quá ổn rồi. Nhưng có một sự thật rằng, mình có thể tiết kiệm được nhưng thường không bao giờ trên 30% tổng thu nhập, ngay cả khi mình còn độc thân và không có nhiều áp lực trong cuộc sống.

Mình tin bản thân và rất nhiều bạn trẻ khác đều có một hoặc một vài thói quen chi tiêu không tốt. Điều đáng nói là mọi người đều biết rõ điều đó nhưng lại chẳng quan tâm. Chẳng hạn, đó có thể là những cốc trà sữa bằng tiền 2 bữa ăn chính mỗi buổi chiều. Lớn hơn là những bộ đồ hoặc chiếc túi xách mà thừa biết chỉ có thể mặc đúng một lần hay thậm chí còn không mặc nổi một lần nhưng vẫn mua. Tất cả vì lỡ mê đắm trong phút chốc săn sale mà thôi.

Tuần đi làm 7 ngày, 12h đêm mới hết việc nhưng: Mua nhà mua xe là quá xa xỉ dù thu nhập vài chục triệu - Ảnh 2.

Theo mình, việc thỉnh thoảng nuông chiều bản thân không có gì là xấu. Mua thứ mình thích không bao giờ là sai lầm. Điều quan trọng là nhiều lúc mình nhận định sai "thứ mình thích" là gì.

Bên cạnh đó, có rất nhiều khoản tiền vặt vãnh như tiền ăn vặt, mua những món đồ vô bổ, tiền đổ vào những cuộc đi chơi quá đà,... khi tính tổng lại thì rất lớn. Chẳng hạn, mình có thể đưa cơm đi làm hay bớt 1 cốc cà phê mỗi sáng, nhưng mình đã không làm. Đó có lẽ là thói quen chi tiêu tệ nhất khiến cho mình không tích luỹ được nhiều. Song,...

Đây không phải là lý do duy nhất người trẻ không thể mua nhà, mua xe dù thu nhập đến cả chục triệu

Mình biết hiện nay có những người trẻ làm quần quật cả ngày, thu nhập khá ổn nhưng vẫn không thể dành nổi 1 khoản tiết kiệm hay thậm chí là mang nợ. Bên cạnh đó, bố mẹ thường hay bảo ngày xưa vừa làm vừa nuôi con nhưng vẫn có thể mua nhà mà giới trẻ ngày nay rất khó để có thể tự mình sắm những tài sản lớn.

Trước hết, theo mình, việc so sánh với thời đại trước là hoàn toàn sai lầm vì một lý do căn bản: giá nhà đất vào hàng chục năm trước khác xa với bây giờ. Với mức giá nhà hiện tại ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì người làm công ăn thuê với mức lương trung bình khá trở xuống rất khó mua nổi nhà.

Câu chuyện giới trẻ ngày nay không tiết kiệm nổi, hay không thèm tích luỹ có thể có nhiều lý do, mỗi người mỗi cảnh. Mình vẫn tiết kiệm hàng tháng nhưng số tiền tiết kiệm không lớn, chủ yếu với mục đích để phòng thân những lúc ốm đau, bất trắc chứ mình không có ý định và không nghĩ bản thân có thể tích luỹ đủ để mua tài sản lớn như nhà, xe .

Tuần đi làm 7 ngày, 12h đêm mới hết việc nhưng: Mua nhà mua xe là quá xa xỉ dù thu nhập vài chục triệu - Ảnh 3.

Ví dụ, nếu mình tiết kiệm được 5 triệu đồng/ tháng - một con số cũng không phải quá tệ thì cả năm mình cũng chỉ có 60 triệu, 10 năm mới có 600 triệu. Nó còn chẳng đủ để làm gì khi mà muốn mua một căn chung cư nhỏ xinh bây giờ cũng phải có cả tiền theo đơn vị tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số bạn bè của mình thì không thèm tiết kiệm ngay từ đầu vì mức sống và mức chi tiêu của họ cao hơn, làm bao nhiêu là tiêu bấy nhiêu. Có 2 trường hợp chính như sau:

- Bản thân họ đã là con nhà có điều kiện, căn bản không cần đặt mục tiêu mua nhà mua xe vì tự nhà mình đã có sẵn hết rồi.

- Người có sở thích mua sắm, mức sống cao và có lối sống tận hưởng, không thích chi tiêu tiết kiệm. Đơn giản, họ nghĩ cuộc sống không việc gì phải khổ sở tích luỹ, cứ tận hưởng thôi.

Nhìn chung nếu chỉ làm công ăn lương, mức thu nhập trung bình khá trở xuống thì vĩnh viễn không bao giờ có thể sống thoải mái, mua được nhà xe. Cách duy nhất là phải tự kinh doanh, làm chủ hoặc nâng mức thu nhập lên rất cao thì những giấc mơ đó mới thành sự thật. Nhưng sau cùng, lý thuyết ai ai cũng biết, thực hành được lại quá khó, nhất là trong xã hội đầy cạnh tranh hiện nay.

Không phủ nhận thói quen chi tiêu của một bộ phận người trẻ là rất tệ. Nhưng việc liên tục chỉ trích giới trẻ là "sướng không biết hưởng" hay thậm chí tệ hơn "gà công nghiệp" không tự chủ được cuộc sống là vô cùng tiêu cực. Mỗi thế hệ và từng cá nhân đều sẽ có những áp lực riêng.

Tuần đi làm 7 ngày, 12h đêm mới hết việc nhưng: Mua nhà mua xe là quá xa xỉ dù thu nhập vài chục triệu - Ảnh 4.

Câu chuyện mua nhà, mua xe hay xã giao đã không như trước. Ai cũng có nỗi khổ riêng, và ai cũng đang cố gắng để có 1 cuộc sống tốt hơn. Nửa đêm vẫn nhận được tin nhắn của sếp, ngày lễ vẫn "oằn mình" ra chạy deadline không phải thiếu trong người trẻ. Dù cuộc sống mất cân bằng, họ vẫn rất cố gắng để thu nhập cao hơn và nhận thức được những thói quen chi tiêu xấu của bản thân.

Song, cuộc sống dịch chuyển quá nhanh và thu nhập không thể tăng kịp giá cả thị trường đã khiến việc sắm sửa tài sản lớn trở nên khó hơn. Cũng giống như mình, việc chi tiêu phung phí đôi lúc là cách duy nhất để chữa lành bản thân . Dù vậy, mình chưa bao giờ ngừng cố gắng chi tiêu phù hợp, thu nhập cao hơn, sống 1 cuộc đời nghiêm túc.

Theo Rika

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên