MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm

13-02-2023 - 15:40 PM | Tài chính quốc tế

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm

Thành phố New York đã nhộn nhịp trở lại với các nhân viên văn phòng, ít nhất là vào các ngày thứ 3, thứ 4 và thứ 5 mỗi tuần. Những ngày còn lại là một quang cảnh đìu hiu tới đau lòng.

Vào các ngày thứ 2 và thứ 6, những đoàn tàu điện ngầm vẫn chạy nhưng chẳng có mấy hành khách. Các nhà hàng bán đồ ăn nhanh phục vụ dân văn phòng vắng vẻ và thưa thớt. Ngay cả khi khuyến mại, những dãy bàn cũng chỉ lác đác có người ngồi. Những vị trí đẹp vẫn thừa rất nhiều chỗ trống, một khung cảnh trái ngược hoàn toàn với những trước đại dịch. Và đó là những gì đang diễn ra ở New York, nơi số ngày làm việc trực tiếp trong tuần đã giảm xuống còn 3.

Ba năm sau đại dịch, các lãnh đạo doanh nghiệp và giới chức các thành phố trên khắp thế giới vẫn đang tìm mọi cách để thu hút người lao động trở lại văn phòng và vực dậy nền kinh tế địa phương. Những dữ liệu mới về công việc trực tiếp mà Bloomberg thu thập cho thấy ở nhiều thành phố khắp nước Mỹ, ngày thứ 6 gần như chẳng còn ai ở văn phòng. Ngày thứ 2 cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Việc đưa mọi người trở lại lịch trình làm việc như trước đại dịch có vẻ đã thất bại.

Để nói về cái giá của làm việc từ xa, không đâu rõ nét hơn trung tâm tài chính hàng đầu thế giới: New York. Theo số liệu mà Bloomberg tổng hợp, mỗi năm, quận tài chính Manhattan mất đi tới 12,4 tỷ USD do người lao động tới văn phòng ít hơn 30% so với thông thường. Việc 2,7 triệu người chỉ tới văn phòng 3 ngày/tuần đã khiến họ chi tiêu ít hơn.

Cụ thể, một người lao động ở đây trung bình tiêu ít hơn 4.661 USD mỗi năm cho đồ ăn, mua sắm và các dịch vụ giải trí gần văn phòng của họ. Con số này là 3.040 USD ở San Francisco và 2.387 USD ở Chicago.

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 1.

Trở lại với câu chuyện của Manhattan, việc 12,4 tỷ USD biến mất sẽ khiến các nhà hàng, nhà bán lẻ và những doanh nghiệp khác, vốn đang đóng vai trò động cơ thúc đẩy nền kinh tế, gặp trở ngại. Hệ thống văn phòng cho thuê cũng đang đối mặt khủng hoảng còn hệ thống giao thông công cộng cũng mất đi số tiền khổng lồ. Thậm chí, doanh thu từ thuế cũng đang bị đe dọa.

Nó cũng làm dấy lên câu hỏi: Giá trị của New York sẽ là gì khi người lao động không cần phải tới đó làm việc nữa?

“Nếu thuế được trả ít hơn ở New York, thật khó để tìm ra nguồn thu đáp ứng đủ việc vận hành hệ thống tàu điện ngầm, đầu tư vào trường học cũng như giữ cho thành phố an toàn và sạch sẽ cũng như các khoản chi quan trọng khác”, ông Brad Lander, người phụ trách quản lý tài chính của New York, cho biết.

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 2.

Người lao động ít phải tới văn phòng cũng đồng nghĩa với dịch vụ giao thông công cộng của thành phố mất khách, doanh thu bán hàng giảm, thuế từ bất động sản thương mại bị thu hẹp và một khoản tiền thuế từ thu nhập của những người cung cấp các hàng hóa và dịch vụ này cũng giảm theo.

Một thống kê từ Mastercard cho thấy chi tiêu của người Mỹ đang tăng lên kể từ năm 2019 nhưng sự chênh lệch là rất rõ ràng. Vào tháng 10/2022, tổng chi tiêu của người Mỹ vào các ngày thứ 6 tăng 23%. Tuy nhiên, khu vực Greater New York chỉ tăng 20% còn riêng trung tâm tài chính Manhattan chỉ tăng 11%. Những con số này chưa tính tới lạm phát.

“Người lao động ở các khu vực trung tâm chi tiêu ít hơn đồng nghĩa với việc doanh thu từ thuế bán hàng sẽ giảm đi rất nhiều. Bạn có ít khách hơn, rõ ràng doanh thu của bạn cũng tỷ lệ thuận với điều đó”, Giáo sư Jose Maria Barrero của Viện nghiên cứu công nghệ Autonomo, Mexico – chuyên gia nghiên cứu về làm việc từ xa, cho biết.

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 3.

Tuy nhiên, chẳng cần tới những số liệu thống kê để nhận thấy xu hướng này. Thay đổi có thể được cảm nhận một cách rõ ràng khi nhìn những dãy bàn trống vào những ngày đầu và cuối tuần ở trung tâm tài chính của Manhattan. Nhiều nhà hàng và cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa. Lượng người đi bộ và đi tàu điện ngầm cũng giảm mạnh.

Thậm chí, các chủ ngân hàng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng phải sắp xếp lại lịch trình tới văn phòng của họ nhằm tập trung vào các ngày thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Điều này khiến chi phí đặt xe của những người này cũng giảm xuống, làm ảnh hướng tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Từ tháng 6 đến tháng 12/2022, số các chuyến xe chở “sếp” vào các ngày thứ 2 và thứ 6 chỉ đạt 33% và 38% so với trước đại dịch. Dữ liệu này được tổng hợp trên 400.000 chuyến xe loại này trong vòng 3 năm qua. Vào các ngày thứ 5, con số này tăng lên khoảng 43% so với mức trước dịch.

Nate Diaz, 24 tuổi, đến văn phòng tại công ty tài chính S&P Global vào các ngày thứ 3 hàng tuần. Anh nói rằng mình cảm thấy rất thoải mái khi làm việc từ xa vào thứ 6. Khi đến văn phòng, anh ta ăn trưa cùng đồng nghiệp, chi tới 20 USD cho suất ăn và có những giờ vui vẻ.

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 4.
Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 5.

Tuy nhiên, làm việc tại nhà giúp Diaz tiết kiệm được tới 100 USD mỗi tuần dù đôi khi, anh vẫn chi ít tiền mua cà phê về nhà uống. Phần tiền tiết kiệm được giúp anh chàng sắm sửa đồ dùng trong nhà, bao gồm một chiếc máy mát xa, những thứ giúp anh có thể làm việc thoải mái ở cái gọi là “văn phòng tại gia”.

Michelle Meyer, chuyên gia kinh tế trưởng về Bắc Mỹ tại Mastercard Economics Institute, cho biết: “Mọi người đã thay đổi lối sống và hành vi của họ. Nếu bạn đang làm việc từ xa ngày hôm đó, bạn sẽ không tới văn phòng của mình hay tới quán rượu bên cạnh văn phòng của bạn”.

Tuy nhiên, niềm vui là nhu cầu không biến mất. Nó chỉ biến mất ở Manhattan mà thôi. Ở những quận khác, đặc biệt là những khu vực tập trung đông người sinh sống, các dịch vụ lại có cơ hội phát triển khi mọi người làm việc ở nhà. Brooklyn là ví dụ. Trong quý 4/2022, nhu cầu với nhà hàng, quán bar và cả các giao dịch kinh tế đều tăng thêm 48% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, con số này ở Manhattan chỉ là 18%.

Chi tiêu bán lẻ trung bình các ngày thứ 2 trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm 2019 cũng có sự khác biệt rõ rệt. Ở Bronx, mức tăng là 28%, ở Queens, mức tăng là 21%, ở Brooklyn là 18% còn ở Manhattan chỉ là 2%.

Sự phát triển của các quận vùng ven có thể là một tia sáng cho New York. Tuy nhiên, kế hoạch được công bố gần đây nhằm hồi sinh thành phố lại ít tập trung vào các khu vực ấy mà tập trung nhiều vào Manhattan. Thị trưởng Eric Adams đã yêu cầu các viên chức phải làm việc trực tiếp 5 ngày/tuần. Ông cũng gây áp lực để các chủ doanh nghiệp làm điều tương tự với người lao động của họ nhưng chưa có hiệu quả.

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 6.

Sự có mặt của các nhân viên văn phòng ở New York trong quý 4 năm 2022 đã phục hồi trung bình khoảng 43% so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, vào các ngày thứ 3, con số này tăng vọt lên 51% nhưng lại giảm xuống còn 23% vào các ngày thứ 6.

Việc đi làm tại văn phòng đã tăng lên khi các nhà tuyển dụng đưa ra nhiệm vụ làm việc trực tiếp nhiều hơn. Tuy nhiên, đây không phải phương thuốc chữa bách bệnh và sự thay đổi lớn trong các chính sách của doanh nghiệp khiến nhiều thói quen trong đại dịch tiếp tục tồn tại.

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 7.
Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 8.

Ví dụ, Blackstone đã yêu cầu các chuyên gia đầu tư đến văn phòng 5 ngày/tuần nhưng số người tới trụ sở chính của công ty ở ở 345 Park Avenue vẫn chỉ bằng một nửa so với mức năm 2019. Tại American Express, con số này chỉ là 31% khi họ không có yêu cầu bắt buộc. Trong số 8 tòa nhà văn phòng lớn tại Manhattan, lượng người qua lại giảm tới 52% vào thứ 6 và 45% vào thứ 2 so với trước Covid-19.

Việc các văn phòng bị bỏ trống một phần có thể gây ra thất thoát lên tới 5 tỷ USD tiền thuế hoặc 5% ngân sách hàng năm của thành phố. Doanh thu thuế bán hàng dự kiến ở New York cũng sẽ giảm do các tòa nhà văn phòng vắng người. Sụt giảm thuế thu nhập của người lao động cũng sẽ tác động tới ngân sách thành phố.

“Đó là lỗ hổng cần được lấp đầy bằng các loại thế mới và giảm chi tiêu”, Giáo sư Stijn Van Nieuwerburgh của Đại học Columbia cho biết.

Tuần làm việc 3 ngày và cách 12 tỷ USD biến mất khỏi trung tâm tài chính Manhattan mỗi năm - Ảnh 9.

Trên thực tế, New York là thành phố có kinh nghiệm đối phó khủng hoảng. Gần đây nhất là vụ khủng bố ngày 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cho biết họ vẫn đang phải vật lộn để thích nghi với điều kiện tuần làm việc 3 ngày.

Emad Ahmed, chủ sở hữu Sam’s Falafel – một cửa hàng ở Manhattan, cho biết lượng người qua lại phố Wall hiện nay ở mức thấp nhất trong suốt 30 năm kinh doanh của ông. Vào một ngày giữa tuần đầy nắng, doanh số của cửa hàng cũng mới chỉ bằng 60% so với trước dịch. Trong khi đó, giá gas và nguyên liệu lại tăng cao không ngừng.

“Thôi đừng có nhắc tới thứ 2 với thứ 6 làm gì”, ông Ahmed, 57 tuổi, nói và cho biết doanh thu của mình vào những ngày đó chỉ bằng 30% so với trước dịch.

Nguồn: Bloomberg

Bài: Linh Anh, Thiết kế: Nhật Vũ

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên