MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tundra tăng tỷ trọng cổ phiếu “họ VinGroup”, đánh giá quy mô Covered Warrant sẽ ngày càng lớn

Tundra cho biết trong tháng 6, quỹ đã mua thêm cổ phần VinHomes. Vinhomes đã bắt đầu cho phép đặt mua (pre-sales) tại dự án Vinhomes Grand Park quận 9 và số lượng đăng ký trong giai đoạn đầu rất tích cực.

Theo báo cáo của Tundra Vietnam Fund, trong 6 tháng đầu năm, NAV/shares của quỹ đạt 20,57 USD, tăng trưởng 4,3% so với đầu năm.

Giá trị tài sản của quỹ hiện đạt 77,8 triệu USD, trong đó tỷ trọng cổ phiếu là 97% và còn lại là tiền mặt. Về cơ cấu danh mục, VRE đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7,3%, trong khi VIC chiếm tỷ trọng 4,9%, lớn thứ 6 trong danh mục Tundra.

Tundra tăng tỷ trọng cổ phiếu “họ VinGroup”, đánh giá quy mô Covered Warrant sẽ ngày càng lớn - Ảnh 1.

Tundra cho biết trong tháng 6, quỹ đã mua thêm cổ phần VinHomes (VHM). Vinhomes đã bắt đầu cho phép đặt mua (pre-sales) tại dự án Vinhomes Grand Park quận 9 và số lượng đăng ký trong giai đoạn đầu rất tích cực.

Trong nửa đầu năm, tỷ trọng VHM và VIC trong danh mục Tundra đã tăng lên đáng kể. Nếu như vào cuối tháng 1, tỷ trọng 2 cổ phiếu này chỉ là 9,5% thì nay đã lên tới 12,2%. Thống kê trong nửa đầu năm 2019 cho thấy, hầu hết các quỹ có performance tốt đều nắm giữ khá nhiều cổ phiếu "họ VinGroup" trong danh mục. Ngược lại, các quỹ nắm giữ ít cổ phiếu "họ VinGroup" đều cho performance khá tệ.

Các cổ phiếu mang lại hiệu quả tốt nhất trong tháng của Tundra gồm TNG, VCB, FPT, DXG, VIC. Ngược lại, DRC, HSG, PNJ, CSM, LDG là những cổ phiếu hiệu quả tệ nhất.

Tundra tăng tỷ trọng cổ phiếu “họ VinGroup”, đánh giá quy mô Covered Warrant sẽ ngày càng lớn - Ảnh 2.

Quy mô Covered Warrant sẽ còn tăng trưởng, bức tranh vĩ mô Việt Nam tươi sáng

Theo Tundra, TTCK Việt Nam tiếp tục điều chỉnh trong tháng 6 vì lo ngại gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hầu hết nhà đầu tư đều chờ đợi cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vào cuối tháng 6. Do đó, nhà đầu tư trong nước vẫn đứng ngoài thị trường khiến thanh khoản sụt giảm, chỉ còn khoảng 170 triệu USD/phiên. Tuy nhiên, khối ngoại đã mua ròng khá mạnh 19,5 triệu USD trong tháng 6, chủ yếu thông qua các quỹ ETFs.

Vào cuối tháng 6, TTCK đã ra mắt Covered Warrant (CW). CW cung cấp đòn bẩy cao, do đó nó đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân. Những sản phẩm như vậy đã phổ biến ở các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, HongKong. Tundra cho rằng CW trước mắt sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng về quy mô.

Việc MSCI công bố sẽ đưa Kuwait vào danh sách theo dõi lên Emerging Markets sẽ giúp Việt Nam trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong Frontier Markets. Dù Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chí nâng hạng thị trường, nhưng việc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Frontier Markets sẽ giúp tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tăng đáng kể từ mức 18% hiện tại.

Hiệp định EVFTA được ký kết vào cuối tháng 6 cũng là yếu tố tích cực với thị trường. Sau khi ký kết, 99% thuế nhập khẩu sẽ được loại bỏ, trong đó 65% sẽ được loại bỏ ngay lập tức và phần còn lại sẽ dần dần được đưa xuống 0 trong vòng 10 năm. Điều này mang đến cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Trong năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 42,5 tỷ USD vào EU, trong khi nhập khẩu 13,8 tỷ USD. Bên cạnh việc mang lại cơ hội về kinh tế, EVFTA được ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội chia sẻ kiến thức, tạo cơ hội nâng cao điêu kiện lao động, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Các chỉ số vĩ mô cũng vẽ nên một bức tranh tích cực với kinh tế Việt Nam. Mặc dù kinh tế toàn cầu có sự suy giảm nhưng tăng trưởng GDP Việt Nam trong quý 2 vẫn ở mức 6,71% (cùng kỳ năm trước đạt 6,73%), đưa mức tăng trưởng nửa đầu năm 2019 lên 6,76%. Điều này cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và mục tiêu GDP cả năm từ 6,6% - 6,8% do Chính phủ đặt ra là khả thi. CPI tháng 6 giảm xuống 2,2% (từ 2,9% trong tháng 5) do giá xăng giảm.

Dòng vốn FDI cam kết sụt giảm đột ngột trong tháng do thiếu các dự án quy mô lớn (so với tháng 6/2018). Do đó, vốn FDI cam kết nửa đầu năm 2019 chỉ là 18,47 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn tiếp tục tăng và tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 9,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019. Hầu hết vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất (71,2%), củng cố câu chuyện Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới ở Đông Nam Á.

Trong nửa đầu năm, thâm hụt thương mại Việt Nam là 34 triệu USD (so với thặng dư thương mại 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019). Chỉ số PMI tháng 6 đã bật trở lại mức cao nhất trong 6 tháng là 52,5 điểm do sự gia tăng của các đơn đặt hàng và công việc mới.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên