Tundra Vietnam Fund thắng lớn trong 2 tháng đầu năm nhờ "ôm" cổ phiếu thép và dệt may
Tundra Vietnam Fund là thành viên của Tundra – quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển và chuyên đầu tư đón đầu các cơ hội nâng hạng thị trường. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng NAV/shares của Tundra Vietnam Fund đạt 8,6%.
Theo báo cáo của Tundra Vietnam Fund, trong tháng 2 vừa qua, tăng trưởng NAV/shares của quỹ (tính theo đồng USD) đạt 7,1% và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 2 liên tiếp. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng NAV/shares của Tundra Vietnam Fund đạt 8,6%.
Tundra Vietnam Fund là thành viên của Tundra – quỹ đầu tư đến từ Thụy Điển và chuyên đầu tư đón đầu các cơ hội nâng hạng thị trường. Tính tới cuối tháng 2/2019, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund đạt 93,1 triệu USD, trong đó FPT là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 8,9%, xếp tiếp theo là MSN (7,5%), DXG (6,2%), VRE (6%), VNM (5,3%)…
Kết quả khả quan trong quý 2 mà Tundra Vietnam Fund đạt được có sự đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu thép HSG, NKG và HPG. Ngoài ra, danh mục Tundra Vietnam Fund còn có TCM, KDF, TNG, FPT…cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Ở chiều ngược lại, LDG là cổ phiếu có hiệu quả kém nhất trong danh mục của quỹ với hiệu suất âm 6,2%.
Theo quan sát của Tundra, nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường kể từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, đặc biệt những nhà đầu tư trong nước đã đứng ngoài thị trường trước Tết. Thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể với giá trị giao dịch trung bình là 208 triệu USD/phiên. Khối ngoại cũng gia tăng vị thế trên thị trường Việt Nam khi mua ròng 91 triệu USD, chủ yếu đến từ dòng tiền các quỹ ETF.
Tundra cho rằng Việt Nam đang là điểm sáng trên Thế giới sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 2. Vị thế Việt Nam trong khu vực đã tăng lên đáng kể sau cuộc hội nghị này. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu "hạ nhiệt" và nhiều người tin rằng đang ở giai đoạn cuối cùng, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường.
Những số liệu vĩ mô tháng 2 đã vẽ lên một bức tranh hỗn hợp, trong đó số liệu thương mại làm thị trường đôi chút thất vọng. Xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu tăng 7,5% khiến thâm hụt thương mại 84 triệu USD. Đáng chú ý, riêng tháng 2 Việt Nam thâm hụt thương mại 900 triệu USD do sự suy giảm toàn cầu của phân khúc điện thoại di động.
Chỉ số PMI giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm với 51,2 điểm trong tháng 2 cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu do các đơn hàng xuất khẩu ít hơn. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức thấp khi CPI tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tundra cho rằng câu chuyện Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới ở Châu Á vẫn không bị ảnh hưởng và nguồn vốn FDI vẫn đang trên quỹ đạo đi lên. Tổng số vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm lên mức kỷ lục với 8,5 tỷ USD (tăng 150%) và vốn FDI giải ngân tăng 10% lên 2,6 tỷ USD. Trước những bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều tên tuổi lớn trên toàn cầu đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam để hưởng mức thuế thấp hơn, cũng như lao động giá rẻ.