Từng bắt tay với Vingroup, DN có doanh thu gần 100 tỷ USD chi 7.500 tỷ đồng mua một công ty ở Việt Nam
Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc chi 300 triệu USD (khoảng hơn 7.500 tỷ đồng) để mua lại cổ phần của một công ty bán dẫn ở Việt Nam.
Đây là Tập đoàn SK Group, tập đoàn kinh tế gia đình (Chaebol) lớn thứ ba của Hàn Quốc. Vừa qua, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã có buổi tiếp và làm việc với ông Han Sung Won, Giám đốc điều hành Tập đoàn SK Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, đại diện lãnh đạo SK thông tin, tập đoàn đã mua lại cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất ISCVina đang hoạt động ở Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên), với tổng mức đầu tư là 300 triệu USD. Được biết, ISCVina trước đây do một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là ISC Co., Ltd. Đầu tư. Đây là công ty chuyên sản xuất cũng như kinh doanh trong lĩnh vực chất bán dẫn, đồng thời là đối tác cung ứng cho nhiều tập đoàn công nghệ cao.
Ông Han Sung Won đánh giá cao môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo của Tập đoàn SK cũng chia sẻ về một số khó khăn trong việc mở rộng quy mô đầu tư cũng như tìm kiếm nguồn lực đối với dự án đầu tư của tập đoàn ở Công ty TNHH Sản xuất ISCVina.
Tập đoàn SK đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành hỗ trợ trong việc tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao để phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện nhằm giúp doanh nghiệp nghiên cứu và mở rộng đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Chào mừng Tập đoàn SK Hàn Quốc đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Hàn Quốc hiện đang là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở tỉnh. Cụ thể, có hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, hiện nay tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư trong những lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, điện, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại… Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông mong muốn Tập đoàn SK tiếp tục nghiên cứu và chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư trực tiếp đầu tiên của tập đoàn ở Việt Nam.
Đồng thời, để tạo điều kiện cho Tập đoàn SK tìm hiểu môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, các cơ chế chính sách của tỉnh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với công ty tháo gỡ khó khăn trong việc mở rộng quy mô đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực.
Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc có doanh thu gần 100 tỷ USD
SK Group là tập đoàn kinh tế gia đình lớn thứ ba ở Hàn Quốc, chỉ sau Samsung và Hyundai. Trong năm 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu là 99,64 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022 (102,53 tỷ USD).
SK là viết tắt của Sunkyong, công ty dệt may, tiền thân của tập đoàn. Công ty này bắt đầu nổi lên từ sau những năm 50 của thế kỷ 20, khi Chính phủ Hàn Quốc giao cho một vài công ty trọng trách để dẫn đầu những ngành công nghiệp trọng điểm.
SK bắt đầu đổi tên từ Sunkyong Group thành SK Group kể từ năm 1997. Tập đoàn này chủ yếu sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, viễn thông, dầu khí, năng lượng.
Trên thực tế, những doanh nghiệp lớn nhất của Tập đoàn SK chủ yếu tập trung vào các ngành hóa chất, dầu khí và năng lượng. Bên cạnh đó, Tập đoàn SK còn sở hữu SK Telecom, nhà cung cấp các dịch vụ về xây dựng, vận chuyển, tiếp thị, điện thoại nội địa cũng như Internet tốc độ cao và băng thông rộng không dây.
Đặc biệt, kể từ năm 2010, SK Group tiếp tục mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chất bán dẫn với SK Hynix. Đây là nhà cung cấp chip nhớ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung Electronics. Hiện nay, SK Hynix có giá trị vốn hóa thị trường 111,48 tỷ USD, lớn thứ hai Hàn Quốc, chỉ sau Samsung. Công ty này hiện đặt trụ sở chính tại Seoul (Hàn Quốc) và có những chi nhánh tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Singapore…
Tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn SK đã thực hiện nhiều thương vụ lớn. Trong đó, tập đoàn đã đầu tư 1 tỷ USD mua cổ phiếu của Vingroup vào giữa năm 2019 để trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trước đó, vào năm 2018, Tập đoàn SK cũng chi 470 triệu USD mua 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan. Đến năm 2021, tập đoàn này tiếp tục mua hơn 16% cổ phần của VinCommerce từ tay Masan, với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Ngoài ra, Tập đoàn SK đầu tư 340 triệu USD để sở hữu gần 5% cổ phần của The CrownX, đơn vị sở hữu WinMart và WinMart+ hiện tại.
Bên cạnh đó, Tập đoàn SK còn rót vốn vào ngành dược tại Việt Nam, với khoản đầu tư vào 2 công ty. Cụ thể, năm 2022, SK Group được cho là đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào CTCP Dược phẩm Pharmacity, thông qua việc sở hữu cổ phần của công ty mẹ Maroon Bells. Đồng thời, Tập đoàn SK cũng đầu tư vào cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Imexpharm.
Theo báo cáo thường niên của Imexpharm, tính đến cuối năm 2023, nhóm SK Group và những bên liên quan sở hữu 65% vốn, từ đó trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
SK Group còn có mặt trong danh sách cổ đông của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Vào thời điểm cuối năm 2023, SK Group sở hữu hơn 5% vốn của doanh nghiệp.
Nhịp Sống Thị Trường