Đưa 1 startup nhỏ thành DN số 1 trong ngành, tôi tưởng mình tài giỏi lắm! Tách ra kinh doanh riêng rồi thất bại đau đớn thế này đây!
Chuyện kinh doanh dịch vụ giặt là đang trôi chảy thì một khách hàng ở Ngụy Như Kon Tum mang một chiếc áo vest mua từ Ý, trị giá 11 triệu đồng đến bắt đền vì áo anh bị cháy lớp bên trong. “Lần đầu nhận được phản hồi như vậy, tôi thấy con đường mình đi hình như đã sai”, Founder kiêm CEO Dobody Phan Bá Mạnh tâm sự.
Làm sản phẩm đúng, thị trường cần, Founder đam mê. Nhưng…
“Ngày hôm nay tôi đứng đây với cơ số vết sẹo trên cơ thể”, anh Phan Bá Mạnh – Founder kiêm CEO Dobody - ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa trên internet – tâm sự với các bạn trẻ tại sự kiện Fail Smart số 5 trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techfest 2017).
Phan Bá Mạnh khởi nghiệp lần đầu với ATO – doanh nghiệp về mã vạch và giải pháp siêu thị. Anh nhận định đó là một Startup thành công khi sau 6 năm, ATO từ một công ty có vốn điều lệ 50 triệu đồng, HĐQT toàn ngồi họp ở quán trà đá đã trở thành DN số 1 về thiết bị phân phối mã vạch, với số nhân sự hơn 100 người.
“Sau 6 năm, tôi rời ATO và nhường lại vị trí quản lý và điều hành cho 2 cổ đông sáng lập. Tôi tách ra và nghĩ rằng mình có khả năng phát triển một startup riêng”, Mạnh kể.
Startup Mạnh lập ra bấy giờ chuyên về dịch vụ giặt là công nghiệp, lấy tên GreenTech, đặt trụ sở tại Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội.
Phan Bá Mạnh từng thất bại với dịch vụ giặt là GreenTech. Ảnh: NDH.
Quá trình thành lập và mô hình hoạt động của GreenTech như sau:
1. Hình thành ý tưởng
Thời điểm đó, Mạnh đi khắp nơi thấy chung cư mọc lên như nấm. Nhưng nhìn từ bên ngoài, các căn hộ chỉ có ban công nhỏ xíu, và thay vì trồng cây hoặc trồng hoa trang trí, các ban công đều để phơi quần áo kín mít, mất mỹ quan.
Lúc ấy, Mạnh nảy ra ý tưởng: Tại sao chúng ta không giặt thuê bao ? Có rất nhiều hộ gia đình trẻ, mà các cô gái thường sợ hại da tay, ngại giặt...
2. Xây dựng giải pháp
Với nền tảng công nghệ thông tin sẵn có, Mạnh đến thuê bao cho từng hộ, với mỗi hộ thuê bao có giá trị hợp đồng từ 1,5 – 30 triệu đồng/tháng. Cứ cách 2 ngày, Greentech lại đến giao quần áo sạch, mang quần áo bẩn đi giặt.
“Tất cả các hộ đều được đánh mã số. Tôi mong chờ rằng môi trường ở khu chung cư ấy xanh, sạch đẹp hơn, sẽ không phải nhìn thấy cảnh mất mỹ quan là quần áo treo lung tung ở ban công”.
“Đây là một thị trường rất lớn. Tôi nghĩ tôi có thể thành công được, nên đã dốc hết hầu bao mà tôi dành giụm, có được trong 6 năm qua”, Mạnh kể.
Anh xây dựng nhà máy quy mô hơn 3.000 m2 ở khu vực Gia Lâm với số tiền đầu tư khá lớn.
3. Kết hợp hoạt động cộng đồng
Quần áo cũ được GreenTech thu gom và phân loại. Cái nào quá cũ bỏ đi, cái nào dùng được sẽ giặt và đóng gói cẩn thận, trao tặng cho cộng đồng nghèo.
“Đây là hoạt động kích thích tôi nhất, khiến tôi quyết tâm bỏ tiền ra làm. Khi cắt băng khánh thành nhà máy, tôi rất hạnh phúc, vì nghĩ rằng trong tương lai sẽ góp phần cho thành phố của chúng ta rất sạch đẹp và trên đường sẽ có những chiếc xe GreenTech màu xanh, đưa từng tấm áo tới cộng đồng nghèo”, anh Mạnh hồi tưởng.
Dấu hiệu Fail xuất hiện chỉ sau 3 tháng
Câu chuyện đẹp cứ thế được viết tiếp đến tháng thứ 3, khi một khách hàng ở Ngụy Như Kon Tum mang một chiếc áo vest mua từ Ý, trị giá 11 triệu đồng đến bắt đền vì áo anh bị cháy lớp bên trong.
“Lần đầu nhận được phản hồi như vậy, tôi thấy con đường mình đi hình như đã sai”, Founder của GreenTech Phan Bá Mạnh tâm sự.
“Trong lĩnh vực giặt này có nhiều rủi ro mà tôi là người trái ngành không hề biết. Quần áo mua đến 11 triệu đồng, hay chỉ 5 triệu, hay 3 triệu, người ta có thể giặt ở nhà, dù giặt máy hỏng cũng không sao. Nhưng khi chuyển chiếc áo đó cho một công ty giặt, công ty giặt chỉ sơ sẩy một chút là đền, và đền với chi phí rất lớn”.
Tất nhiên, công ty có thể ra quy định không đền quá 10 lần giá trị dịch vụ chẳng hạn, nhưng phần lớn những chuyện xảy ra theo chiều hướng đó đều chuyển thành chuyện tranh cãi với khách hàng.
Tiếp sau đó là hàng loạt sự cố về đền bù.
Thậm chí, khách cũng đem quần áo đến phàn nàn việc bị châm tàn thuốc bên trong. Trong khi đó, nguyên tắc chung trong tất cả các nhà máy giặt là không cho phép hút thuốc, GreenTech thậm chí không tuyển nhân viên hút thuốc, vậy câu trả lời hợp lý nhất chỉ có thể ở khâu kiểm tra khi nhận hàng.
“Chúng tôi thậm chí bị các xưởng giặt nhỏ cố tình tạo ra phốt, bằng cách giặt lỗi cho khách hàng, sau đó mang sản phẩm lỗi ngược trở lại cho GreenTech để giặt, để rồi làm um lên là GreenTech giặt lỗi”, Mạnh kể.
Thất bại với dịch vụ giặt dân dụng, Mạnh chuyển hướng sang dịch vụ giặt công nghiệp với 2 hợp đồng ký được với Samsung và một tập đoàn khác.
Tuy nhiên, do vị trí đặt nhà máy quá xa, cộng với thiết kế ban đầu phục vụ giặt dân dụng, khi chuyển sang giặt công nghiệp thì quy mô giặt tăng cộng với chi phí vận chuyển tăng đáng kể.
Hợp đồng ký được với 2 tập đoàn lớn đó rút cục chỉ hòa vốn. Và với cách làm này, GreenTech đầu tư tiếp sẽ cầm chắc thất bại.
“Rất may, sau 1,5 năm, chúng tôi chuyển nhượng được nhà máy kèm theo một số thất bại không hề nhỏ về mặt tài chính”, Mạnh kể.
Thất bại tài chính mà Mạnh nói đến, nếu chỉ tính cá nhân anh, là 6 tỷ đồng.
Mạnh cho rằng, câu chuyện GreenTech thất bại là do anh sai ở 3 vấn đề.
1. Làm trái ngành
Khi xây dựng thành công một DN công nghệ thông tin, anh đã cho rằng mình có thể có thành công tương tự với một công ty giặt.
2. Không hiểu rõ ngóc ngách trong ngành giặt là
Do không phải người trong ngành, nhiều vấn đề trong ngành anh không nắm được, vấn đề đền bù là một ví dụ.
“Người trong ngành biết rất rõ vấn đề này, nên mô hình giặt thường người ta không làm lớn, mà chỉ làm nhỏ lẻ, mang tính gia đình. Startup mô hình này nên dùng theo hướng franchise thì còn có thể có cơ hội”, Mạnh đúc rút.
3. Định vị thị trường sai từ đầu nên bố trí nhà máy cũng sai
Định vị khách hàng mục tiêu ban đầu là các hộ gia đình trẻ, nên máy móc đầu tư là dân dụng, khi chuyển dịch sang công nghiệp lại không phù hợp cả về quy mô lẫn vị trí.
“Sau lần ấy, tôi bị trầm cảm một khoảng thời gian dài. Đến khi quyết định, tôi sống chết làm ở ngành công nghệ thông tin thì quyết định khởi nghiệp lại với Dobody với nền tảng matching – xây dựng thuật toán khớp lệnh giữa cung và cầu”, Mạnh nói.
Bên cạnh Dobody, Mạnh cũng đang xây dựng An Vui – một hệ sinh thái trong lĩnh vực giao thông. Thay vì đối đầu với Uber và Grab trong lĩnh vực taxi, An Vui nhắm tới hệ sinh thái xe khách liên tỉnh, vốn chưa có một đơn vị nào thực sự làm tốt.