Từng “đứng trên đỉnh vinh quang” doanh thu 1 triệu đô/tháng nhưng doanh nghiệp này đã sạt nghiệp, founder rượu chè be bét vì những lỗ hổng ‘chết người’
“Khi buồn, rủ bạn đi nhậu, làm vài chai. Nhưng ngày mai, ý tưởng tối thui, không giải quyết được vấn đề gì. Đó là điều rất nguy hiểm. Không phải vì bạn không giúp mà bạn không phải là mình, cũng chỉ có thể an ủi được mà thôi”.
Anh Lê Thanh Nhàn, CEO Seafoods, đã chia sẻ như vậy trong sự kiện Diễn đàn Khởi nghiệp Kinh doanh online gần đây tại TP HCM.
Trước khi thành lập Seafoods, công ty chuyên phân phối các loại hải sản trong và ngoài nước, anh Lê Thanh Nhàn đã từng khởi nghiệp và thất bại với một công ty từng có doanh thu hơn 1 triệu đô/tháng.
Doanh thu 1 triệu đô/tháng, vẫn thất bại như thường
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp online 2018, ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc Hải Sản Nhập khẩu Lecon Seafoods, đã kể về câu chuyện thất bại của doanh nghiệp mình sau khi sự nghiệp, doanh thu đang ở giai đoạn “thăng hoa”.
Năm 2006, anh Nhàn khởi nghiệp một công ty về hải sản. Chỉ 1 tuần sau khi chính thức có văn phòng khởi nghiệp, CEO Lê Thanh Nhàn đã có hợp đồng đầu tiên với một khách hàng người Nga. Vị khách này muốn nhập khẩu hải sản về Nga.
“Khi khởi nghiệp, tôi chỉ có đủ số tiền xây dựng văn phòng. Một ngày, có một khách Nga đi ngang qua văn phòng và thấy dòng chữ hải sản nên ghé vào nói chuyện và muốn nhập hải sản về nước. Sau 2 ngày làm việc với vị khách này, 1 tuần công ty của tôi đã kí được hợp đầu tiên và sau đó còn thực hiện thêm nhiều hợp đồng lớn khác”, ông Nhàn kể lại.
Anh Lê Thanh Nhàn, CEO Leconfoods.
Sau đó, công việc kinh doanh của công ty khởi nghiệp đó phát triển rất nhanh. Doanh thu tăng trưởng mạnh lên con số hơn 10 triệu USD/năm. Tức là khoảng hơn 1 triệu USD/tháng.
Thế nhưng, theo ông Nhàn, khi mọi thứ quá thành công thì cũng là lúc bắt đầu câu chuyện kinh doanh có vấn đề.
Suốt từ năm 2006 đến năm 2010 là thời điểm thành công rực rỡ của công ty khi doanh thu tăng mạnh. Thời điểm đó, một mình ông Nhàn đi làm việc với các đối tác nước ngoài và bán hàng hầu hết các siêu thị lớn trên thế giới.
Năm 2011, công ty chính thức có biến. Ngoài việc thị trường hải sản cạnh tranh mạnh mẽ thì biến lớn nhất của công ty thời điểm đó là những lỗ hổng tài chính nội bộ bắt đầu lộ rõ.
Năm 2011, những lỗ hổng tài chính bắt đầu lộ rõ.
“Hậu quả của việc này nằm ở chỗ khi doanh nghiệp chỉ chăm vào doanh thu tăng trưởng mà quên đi cơn bão nội bộ, kiến thức về tài chính bị bỏ qua”, ông Nhàn nhớ lại.
Năm 2013, bản thân ông Nhàn và công ty bắt đầu không gượng dậy nổi. Năm 2014, công ty chính thức phá sản, nợ nần chồng chất. “Lúc đó, tâm trạng tôi khủng khiếp lắm, bao trùm là sự thất vọng từ ngày này sang ngày khác. Thất vọng, trách cứ và liên tục bất an về bản thân. Suy nghĩ tự sát luôn hiện hữu trong đầu vì nghĩ bao nhiêu người đi theo mình không có tiền lương….”, ông Nhàn nhớ lại.
Trải qua một năm rượu chè be bét, năm 2015, anh kể, anh bắt đầu đứng dậy từ những thất bại và bắt đầu nhập hải sản từ các quốc gia trên thế giới, lập một startup mới, chính là Lecon Seafoods bây giờ. Leconfoods sau đó đã nhận được đầu tư của một nhà đầu tư khá lớn.
Những bài học để đời về sự thất bại của startup từng có doanh thu 1 triệu đô/tháng
Chiêm nghiệm từ những thất bại của bản thân, anh Nhàn cho rằng, thứ nhất, anh đã vi phạm về quản trị tài chính khi lãnh đạo công ty cũ.
“Đa số các giám đốc đều không đọc bản báo cáo tài chính, đây là sai lầm rất lớn của doanh nghiệp”, anh Nhàn nói. Doanh nghiệp có thể có lời trên giấy tờ nhưng doanh nghiệp vẫn phá sản, không có tiền trả bảo hiểm, lương nhân viên.
Theo anh Nhàn, có thể founder không giỏi về tài chính nhưng nên đọc hiểu để biết tồn kho đang ở đâu, đang nợ ngân hàng bao nhiêu.
“Nợ xấu, dòng tiền âm là doanh nghiệp chết liền trong nay mai”, founder của Lecon Foods cho biết.
Thứ hai, những công ty startup, thường những founder không lương. Vậy khi không lương thì founder chi tiêu thế nào, sống ra sao? “Công ty là của bạn nhưng không được lấy tiền công ty ra để mua xe, ăn nhậu. Công ty “nhập nhèm”, không tính lương bạn thì tài chính sẽ bị méo mó. Trong báo cáo, tiền mặt có nhưng đã chi tiêu hết rồi”, anh Thanh Nhàn nhận định.
Thứ ba là chuyện lấy ngắn nuôi dài. Cụ thể là lấy thu nhập ngắn hạn để nuôi cho dài hạn.
“Đó là việc lấy vốn kinh doanh của nhà cung cấp, vốn ngân hàng để đầu tư cho văn phòng. Đó là những tài sản dài hạn. Khi dòng tiền cắt, không có tiền cho tài sản là không ổn”, anh Nhàn nói tiếp.
Khi buồn, rủ bạn đi uống vài chai. Nhưng ngày mai, sự việc vẫn còn nguyên đó, chưa được giải quyết. Không phải bạn không muốn giúp mà bạn không phải là mình.
Một chuyện nữa, đó là khi buồn, anh Nhàn từng rủ bạn bè tâm sự, uống vài chai bia. Nhưng thực sự không giải quyết được việc gì vì ngày mai, vấn đề vẫn còn nguyên đó. Không phải bạn không giúp mình mà họ không phải là mình. Bạn an ủi mình nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
“Khi khủng hoảng và mất lòng tin, hãy nên quay trở về với chính mình”, anh Nhàn nói.
Anh Nhàn đã học thiền và tìm cách tĩnh tâm để giải quyết vấn đề. Anh đã chơi thể thao để có sức khỏe, quay trở lại với chính mình.
Vượt qua và xây dựng startup mới
Trong phần kết thúc câu chuyện của mình, anh Nhàn cho biết đã xây dựng Lecon SeaFoods, chuyên phân phối hải sản nhập khẩu. Đến nay, startup này đã có các đối tác như Golden Gate, khách sạn Pullman….
“Startup mới, tức Leconfoods bài bản, vững chãi hơn. Bản thân tôi cũng khỏe mạnh, cả tinh thần và thể chất để chèo lái con thuyền”, ông Nhàn chia sẻ khi kết thúc bài nói chuyện của mình.