Từng được đánh giá là nguồn năng lượng tiềm năng, vì sao nhiều dự án LNG hiện phải chịu tổn thất lớn?
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor) về các dự án kho cảng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), mặc dù có sự phục hồi giai đoạn hậu Covid-19, toàn cầu vẫn có ít nhất 26 dự án kho cảng xuất khẩu LNG bị chậm trễ.
- 27-06-2021Xu hướng khuyến mại 'lạ' trên các sàn TMĐT ở Đông Nam Á: Chỉ chọn những ngày trùng như 5/5, 6/6, 7/7...
- 26-06-2021Hơn 26 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư rót vào Bình Định trong nửa đầu năm 2021
- 19-06-2021Giám đốc GWEC khu vực châu Á đề xuất cơ chế giá FIT mới cho điện gió để không gặp khó như điện mặt trời
Đáng chú ý, 26 dự án này có tổng công suất 265 triệu tấn mỗi năm. Các dự án nhìn chung chậm trễ trong việc ra quyết định đầu tư cuối cùng, hoặc trong các giai đoạn quan trọng khác. Con số này chiếm gần 40% trong số 700 triệu tấn công suất xuất khẩu hàng năm đang được phát triển trên thế giới.
Vừa qua, tập đoàn Total đã thông báo về sự kiện bất khả kháng đối với kho cảng LNG tại Mozambique sau một cuộc tấn công của quân nổi dậy. Điều này cho thấy tính bất định của các dự án kho cảng trị giá hàng chục tỷ USD.
Theo báo cáo, chi phí tăng mạnh, tiến độ chậm trễ và tỷ lệ dừng hoạt động cao đã gây trở ngại cho lĩnh vực LNG. Trong khi đó, đại dịch đã khiến lực lượng lao động bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn ngày càng trầm trọng hơn trong năm qua.
Trước đó, LNG từng được đánh giá là một giải pháp chống biến đổi khí hậu tiềm năng. Song đến nay, lĩnh vực này lại bị xem là một thách thức với biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nhà nhập khẩu tại châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), dựa trên kịch bản không phát thải ròng vào năm 2050, hoạt động mua bán LNG giữa các khu vực sẽ cần phải giảm nhanh chóng sau năm 2025.
Trong năm qua, toàn cầu chỉ ghi nhận một dự án xuất khẩu LNG đạt chỉ tiêu trong quyết định đầu tư cuối cùng, chính là kho cảng Costa Azul LNG ở Mexico. Hiện Bắc Mỹ chiếm 64% sản lượng xuất khẩu toàn cầu của các dự án đang xây dựng, hoặc chuẩn bị xây dựng. Ngoài ra, đây cũng là khu vực có nhiều dự án gặp khó khăn nhất, với 11 trong số 26 kho cảng xuất khẩu LNG có báo cáo về chậm tiến độ đầu tư hoặc gặp gián đoạn nghiêm trọng khác.
Báo cáo cho hay, công suất nhập khẩu LNG tiếp tục tăng nhanh chóng, với đầy đủ các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc tiền xây dựng nhằm nâng công suất trên toàn cầu lên 70%. Trong số các dự án này, 32% ở Trung Quốc, 11% ở Ấn Độ và 7% ở Thái Lan. Ngoài khu vực châu Á, Brazil là một điểm nóng với 13 kho cảng nhập khẩu LNG đang trong quá trình xây dựng hoặc tiền xây dựng.
Ted Nace, Giám đốc điều hành của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu cho biết, các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các dự án kho cảng LNG. Quy mô khổng lồ của các dự án đã khiến các nhà đầu tư phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Cùng với đó, các kịch bản hướng đến năm 2050 của IEA gần đây cho thấy LNG không còn chỗ đứng trong một tương lai sử dụng năng lượng an toàn với khí hậu.
Tại Việt Nam, trước đó, trong văn bản kiến nghị "Đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành Điện Việt Nam" được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nêu rõ, từ trước đến nay Việt Nam chưa có tiền lệ xây dựng một dự án điện khí LNG, kể cả việc xúc tiến mua khí LNG từ nước ngoài (nguồn khí, giá khí), lựa chọn địa điểm xây dựng cảng, kho, hệ thống đường ống, công nghệ chuyển đổi sang khí để đưa vào nhà máy và địa điểm đặt các nhà máy.
Vì vậy, chưa thể đánh giá được mức độ tốt, xấu để cân nhắc một cách tốt nhất cho các dự án sử dụng khí LNG hợp lý, từ đó xác định tiến độ các dự án LNG. Còn theo số liệu cập nhật trong báo cáo về Quy hoạch điện VIII, khu vực Đông Nam bộ Việt Nam cần bù khí từ năm 2022 bằng khí LNG nhập khẩu.
Theo phân tích của chuyên gia VEA, với dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng mới khoảng 12.500 MW tua bin khí hỗn hợp LNG; xây dựng khoảng 1.400 MW động cơ đốt trong, hoặc tua bin khí chu trình đơn dùng LNG, Việt Nam cần khoảng trên 8 triệu tấn LNG, cùng với khoảng 2 triệu tấn LNG nhập khẩu bù thay thế dần khí Đông Nam bộ cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa (hơn 4.100 MW). Nếu không xác định rõ hạ tầng cảng và kho cho nhập LNG, sẽ không đủ khí cấp cho các nhà máy điện kể từ năm 2022.