Từng giàu nhất Trung Quốc, tài sản của nhà sáng lập Evergrande đang 'xuống dốc không phanh', mất 25 tỷ USD trong 1 năm
Theo báo cáo xếp hạng người giàu của Hurun, khối tài sản của ông Hứa giảm gần 70% xuống còn 11,3 tỷ USD kể từ năm 2020.
- 27-10-2021Nhà đầu tư bất động sản 'chân ướt chân ráo' nên làm gì - đây là kinh nghiệm quý giá của chàng trai 25 tuổi sở hữu 5 căn nhà hơn 9 triệu đô
- 26-10-2021Trung Quốc yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn dùng "tiền túi" để thanh toán các khoản nợ của Evergrande
Giá trị tài sản ròng của Hứa Gia Ấn – nhà sáng lập tập đoàn bất động sản China Evergrande, đã giảm 25 tỷ USD trong năm qua. Sự giàu có của vị tỷ phú bị ảnh hưởng khi Bắc Kinh thắt chặt một loạt quy định ở nhiều lĩnh vực, hướng đến mục tiêu "thịnh vượng chung".
Theo báo cáo xếp hạng người giàu của Hurun công bố hôm 26/10, khối tài sản của ông Hứa giảm gần 70% xuống còn 11,3 tỷ USD kể từ năm 2020, theo đó ông rơi xuống vị trí 70 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Năm ngoái, vị trí của ông là thứ 5 và dẫn đầu bảng xếp hạng vào 4 năm trước.
Trong khi đó, tỷ phú "nước đóng chai" Chung Thiểm Thiểm vẫn giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ước tính hơn 60 tỷ USD.
Evergrande là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Trung Quốc nỗ lực kiểm soát khối lượng nợ và mức giá tăng cao trong lĩnh vực này. Đây là mục tiêu quan trọng trong chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm cải thiện tình trạng bất bình đẳng xã hội và thúc đẩy "thịnh vượng chung".
Đến nay, Evergrande vẫn nợ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà cung cấp và các chủ nợ khác hơn 300 tỷ USD và vừa thoát khỏi cảnh vỡ nợ trong gang tấc vào tuần trước. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu được niêm yết tại Hồng Kông của tập đoàn này đã mất hơn 80%, theo đó tài sản của ông Hứa cũng sụt giảm mạnh.
Các cuộc trấn áp quy định của Bắc Kinh được thực hiện từ tháng 11/2020, khi đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group bị hoãn vô thời hạn. Ban đầu, giới chức nước này nhắm mục tiêu vào các cáo buộc lạm dụng thế độc quyền của các công ty công nghệ lớn nhất. Alibaba đã bị phạt 2,8 tỷ USD vì cáo buộc này vào tháng 4.
Kể từ khi thương vụ IPO của Ant bị đình chỉ, giá trị tài sản ròng của Jack Ma – đứng vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng của Hurun vào năm ngoái, đã giảm 36% xuống còn 39,6 tỷ USD. Trong khi đó, Pony Ma cũng mất gần 20% giá trị tài sản xuống 49 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại sau khi Jack Ma xuất hiện trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ sau vụ việc của Ant. Theo đó, nhà đầu tư đang đặt cược rằng chính phủ Trung Quốc đã có dấu hiệu nới lỏng hoạt động giám sát lĩnh vực này.
Mức độ nghiêm trọng của cuộc trấn áp công nghệ gần đây đối với lĩnh vực bất động sản, công nghệ và giáo dục đã làm giảm tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư đối với cổ phiếu cũng như trái phiếu Trung Quốc. Tuy nhiên, Rupert Hoogewerf – nhà sáng lập của Hurun, nhận định, dù thị trường chứng kiến nhiều thông tin tiêu cực, nhưng khu vực tư nhân của Trung Quốc vẫn có sự khởi sắc khi xuất hiện hơn 307 tỷ phú USD mới trong năm qua.
Hoogewerf cho biết: "Một nửa danh sách của năm nay là những cái tên mới nổi so với 5 năm trước . Các lĩnh vực và mô hình kinh doanh mới đang tạo ra sự thay đổi mang tính cục diện. Những doanh nhân mới nổi của lĩnh vực năng lượng đang giàu lên nhờ sản xuất ô tô điện, năng lượng mặt trời và khai thác mỏ."
Bảng xếp hạng người giàu của Hurun theo dõi biến động tài sản của 2.918 người, với giá trị tài sản ròng ít nhất là 2 tỷ NDT (310 triệu USD). Trong năm qua, tổng giá trị tài sản của những người trong bảng xếp hạng này đã tăng 24% lên 5,3 tỷ USD.
Tham khảo Financial Times