Từng hứa Facebook sẽ 'miễn phí mãi mãi', Mark Zuckerberg vội bắt người dùng 'nôn tiền' sau 13 năm chỉ vì 2 chữ 'lợi nhuận'
Với Mark Zuckerberg, mãi mãi là 13 năm.
- 22-03-2023'Kẻ thua cuộc', 'Facebook sắp hết thời' chỉ là nhận định sáo rỗng: Mark Zuckerberg vẫn nắm trong tay vũ khí siêu lợi hại, vài năm nữa TikTok cũng chưa chắc đuổi kịp
- 18-03-2023Nhuệ khí của nhân viên Meta giảm thê thảm: Cứ 4 người thì có 1 người bị sa thải, Mark Zuckerberg khẳng định 'không còn cách nào khác'
- 18-03-2023Nắm trong tay hơn 40 tỷ USD, Mark Zuckerberg phải học tập Apple: Không vung tay thâu tóm, chủ đích lấy lòng các cổ đông
Theo Wall Street Journal (WSJ), các mạng xã hội giờ đây đang mở những gói dịch vụ để vòi tiền người dùng. Điều này chẳng phải chuyện thù hằn cá nhân gì mà là vấn đề kinh doanh-lợi nhuận khi nguồn thu quảng cáo giảm.
Thậm chí dù biết phần lớn người dùng mạng sẽ không trả phí hay mua các gói dịch vụ nhưng các công ty như Meta (Facebook), Twitter cũng chẳng quan tâm vì đối tượng mà họ thực sự nhắm tới là 1-2% những tỷ phú kiếm tiền từ các nền tảng này.
Mãi mãi là 13 năm
Tháng 2/2023, Facebook khiến cả thế giới ngạc nhiên về gói mua tick xanh cho tài khoản với giá 12 USD/tháng, cho dù vào năm 2010 nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã từng cam kết rằng mạng xã hội này sẽ “mãi mãi miễn phí”.
Thế rồi công ty mẹ Meta cũng tung ra gói dịch vụ tương tự với Instagram.
Không chịu chậm chân, Snapchat có bước đi tương tự, rồi Twitter của Elon Musk vốn đang khát vốn cũng cho ra đời “Blue”. Thậm chí LinkedIn còn chào hàng dịch vụ xác minh tài khoản kéo dài đến hơn 15 năm.
Nguyên nhân cho sự “mãi mãi là 13 năm” này của Facebook cùng nhiều nền tảng mạng xã hội khác là nền kinh tế giảm tốc khiến ngân sách quảng cáo đi xuống, buộc họ phải hướng đến nguồn thu khác là túi tiền người dùng.
Doanh thu quảng cáo của Meta đã tăng gấp đôi trong khoảng 2016-2018, rồi tăng tiếp 100% trong năm 2021 thế nhưng lại bất ngờ giảm lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 2022. Chính điều này đã khiến Mark Zuckerberg phải sa thải 21.000 lao động trong 2 đợt đuổi việc số lượng lớn gần đây, đồng thời siết chặt quản lý và cam kết một năm 2023 “hiệu quả”.
Trên thực tế, ý tưởng vừa thu tiền quảng cáo của doanh nghiệp vừa bán lệ phí sử dụng với người dùng chẳng có gì mới.
Ví dụ như mảng truyền hình, từ chỉ vài kênh thì hiện các nhà đài đã có vô số kênh phát sóng chỉ nhằm gia tăng doanh thu quảng cáo, đồng thời thu thêm phí lắp cáp của người dân dù chẳng mấy ai xem hết lượng lớn kênh mà họ phục vụ.
Mặc dù những khoản phí của người dùng chẳng đáng bao nhiêu so với doanh thu quảng cáo nhưng nó cũng tạo nên những tỷ phú như Ted Turners trong ngành.
Thậm chí trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, việc thu phí có hiệu quả hay không tác động rất lớn đến giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư bởi phố Wall rất thích những mảng kinh doanh có thể dự đoán được lợi nhuận.
Trong 5 năm qua, những hãng dựa vào thu phí người dùng như Salesforce hay Netflix có chỉ số P/E (giá cổ phiếu trên thu nhập của cổ phiếu đó) cao gấp nhiều lần so với những công ty dựa trên doanh thu quảng cáo như Alphabet (Google).
Thế nhưng câu chuyện thu phí của các mạng xã hội là một điều hoàn toàn khác khi chẳng mấy ai muốn trả tiền cho dịch vụ này cả, và đáng ngạc nhiên hơn là chính các doanh nghiệp cũng hiểu được điều đó nhưng họ vẫn làm.
Không, cảm ơn
“Tôi xin phép nói thẳng. Chúng tôi đã cho các ông thu thập dữ liệu cá nhân suốt 10 năm để dùng cho nghiên cứu, bán quảng cáo mà chẳng nhận lại được một chút dịch vụ hỗ trợ tử tế nào. Giờ đây các ông muốn chúng tôi trả tiền để xác minh tài khoản của bản thân ư? Không, cảm ơn”, một người dùng bình luận trên bài viết của giám đốc Instagram Adam Mosseri.
Việc đòi hỏi người dùng trả tiền cho nền tảng mà họ được dùng miễn phí suốt nhiều năm, chấp nhận bị thu thập dữ liệu để làm giàu cho các tỷ phú như Mark Zuckerberg là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên theo phó giáo sư Daniel McCarthy của trường đại học Emory University, việc chuyển từ thu tiền quảng cáo doanh nghiệp sang nhắm đến túi tiền người dùng là xu thế hiển nhiên hiện nay.
Đồng quan điểm, phó giáo sư Vineer Kumar của trường đại học Yale School of Management nhận định tất cả các doanh nghiệp đều hiểu điều này nhưng họ vẫn làm, bởi vì đối tượng mà họ nhắm đến là 1-2% những tỷ phú kinh doanh làm giàu trên nền tảng mạng xã hội, có nhu cầu và khả năng chi tiền cho những khoản phí đó.
Điều tra của BofA Securities cho thấy trên nền tảng mạng xã hội của Meta hiện có khoảng 45 triệu nhà sáng tạo nội dung có hơn 10 triệu người theo dõi, tương đương chỉ 1,2% tổng số người dùng chủ động trên toàn bộ hệ thống.
Tất nhiên vì đây là những “con gà đẻ trứng vàng” của các trang mạng xã hội nên doanh nghiệp sẽ phải cẩn trọng nếu không muốn mất đi những nhà sản xuất nội dung tốt. Thế nhưng ngược lại, những người nổi tiếng này cũng cần mạng xã hội để làm nền tảng kiếm tiền.
"Nôn tiền"
Vào tuần trước, CEO Adam Mosseri của Instagram cho biết Meta đang có kế hoạch mở rộng mảng thu phí người dùng tại Mỹ trong vài tuần tới khi những cá nhân trả tiền có thể nhận tương tác nhiều hơn. Tất nhiên dịch vụ mới sẽ có nhiều cải tiến và thu thập phản hồi của khách hàng.
Hiện tại, dịch vụ trả tiền mua dấu tick xanh của Meta mới chỉ là xác nhận danh tính, tài khoản của cá nhân, tổ chức mà chưa có thêm nhiều tính năng khác. Bởi vậy nhiều khả năng tập đoàn này sẽ tiếp tục nhắm tới túi tiền của người dùng bằng hàng loạt những tính năng có trả phí khác. Thậm chí dù cùng thuộc Meta nhưng người dùng hiện phải trả phí tick xanh khác nhau cho Facebook và Instagram.
Tương tự, dịch vụ tick xanh của Twitter cũng chẳng có gì nhiều ngoài dấu xác nhận, dù hãng có tuyên bố rằng người trả tiền sẽ nhìn thấy ít quảng cáo hơn.
Trả lời bình luận trên Instgram về lời kêu gọi gỡ bỏ quảng cáo cho những người đóng tiền dịch vụ tick xanh, CEO Mosseri cho biết “bài toán kinh tế cho việc này là không hiện thực”.
Một khảo sát năm 2021 của Privacy HQ cho thấy hơn 63% người được hỏi thừa nhận đã mua thứ gì đó trên mà họ thấy trên mạng xã hội trong 1 tháng qua. Trong khi đó 2/3 số người được hỏi trả lời chấp nhận xem quảng cáo nếu vẫn được dùng mạng xã hội miễn phí.
Theo chuyên gia tư vấn Robbie Kellman Baxter, người đã nghiên cứu hơn 20 năm về mảng kinh doanh thu phí người dùng nhận định những tập đoàn lớn, thương hiệu nổi tiếng sẽ phải rất cẩn trọng bởi họ là người dễ thua nhất trong mảng này. Trái lại, những thương hiệu nhỏ lại tự do sửa đổi và kỳ vọng người dùng dễ chấp nhận việc thu phí hơn.
“Trừ phi bạn là nhà sản xuất nội dung, còn không bạn vẫn sẽ chỉ là ‘mặt hàng chào bán’ của các mạng xã hội. Bởi vậy đừng mong dùng mọi thứ miễn phí vĩnh viễn”, tờ WSJ kết luận.
*Nguồn: WSJ
Nhịp sống thị trường