Tuổi 30, bạn đã làm được gì cho Mẹ? Ngừng vô tâm đi thôi, chúng ta còn có thể được ở bên Mẹ bao lâu nữa?
Với mẹ, chúng ta mãi là những đứa trẻ, dù đã chạm mốc 25, 30 hay 40 tuổi. Mẹ xót xa khi chúng ta vất vả bươn chải bên ngoài. Những đứa con rời quê lên thành thị kiếm sống, không ở bên nhưng mẹ đều biết "lề đường, hàng quán – bát cơm chan nước mắt" có lúc bần cùng khổ cực như thế nào. Chỉ có bên mẹ, chúng ta mới được bình yên!
- 29-04-2019Bí quyết dạy trẻ của cha mẹ Bắc Âu mà thế giới cần học hỏi: Điều đầu tiên, không mua quá nhiều đồ chơi cho con
- 28-04-2019Ngưng hỏi "Con muốn làm gì khi lớn lên?", bố mẹ hãy nói "Con có thể làm bất cứ điều gì con giỏi"
Mẹ từng có ước mơ, nhưng cả cuộc đời mẹ thu lại bằng gia đình
Đã bao giờ bạn nghĩ về ước mơ của mẹ. Khi được hỏi có lẽ mẹ sẽ nói: "Mẹ ước cả nhà khỏe mạnh, vợ chồng con cái hạnh phúc là mẹ mãn nguyện rồi". Dù đã là bà nội, bà ngoại nhưng mẹ đã từng có tuổi trẻ và ước mơ, chỉ vì hai chữ "gia đình" nên sớm phải gác lại. Mẹ dành năm tháng đẹp nhất cho chồng và con. Tất cả chúng ta đều nợ mẹ một cuộc đời.
Thật lòng tôi chưa bao giờ hỏi: "Mẹ ơi, ước mơ của mẹ là gì?" Tôi cũng chưa bao giờ nghe mẹ nói về điều ấy.
Hôm nghỉ lễ, tôi cùng cả gia đình lên Bờ Hồ hóng gió, mẹ tôi chăm chú nhìn mấy bạn sinh viên vẽ, bà nhìn kỹ từng đường từng nét, chẳng bỏ qua điểm nào. Tôi nhắn bà đi cho nhanh vì trời rất nắng sợ mấy đứa trẻ bị ốm. Mẹ tôi vội bước theo mà dáng còn tần ngần muốn đứng thêm nữa.
Hôm sau dọn nhà tôi mới phát hiện trong tủ đồ cũ của mẹ có rất nhiều tranh vẽ, rất nhiều bức tranh được đóng vào khung cẩn thận vì được trao giải thưởng. Thật bất ngờ, toàn bộ những tác phẩm ấy đều là của mẹ tôi. Bà vẽ rất đẹp. Bà đam mê nó. Hơn 30 năm sống với bà, tôi không hề biết điều này. Những gì tôi biết về mẹ là một người phụ nữ rất giỏi chuyện bếp núc, đảm đang việc nhà, đôi khi hơi kỹ tính và nghiêm khắc. Hóa ra thế giới mẹ tôi đã từng rất rộng lớn, bà đã từng ước mơ trở thành họa sĩ nhưng hơn 40 năm qua cả thế giới của mẹ chỉ thu bé lại bằng gia đình.
Bạn có đủ kiên nhẫn để nghe muộn phiền của người mẹ nội trợ suốt ngày ở trong bếp?
Chúng ta thường than phiền "Mẹ tôi nói nhiều lắm, có một chuyện mà nói cả ngày, công việc căng thẳng nhiều khi về nhà tôi thêm nhức đầu". Các bà mẹ đều nói rất nhiều, dù vậy đã bao giờ chúng ta thật sự lắng nghe họ. Nếu biết mẹ cũng đã từng có ước mơ thì bạn cũng nên biết không mấy ai hạnh phúc khi đặt ước mơ sang một bên để dành 24 giờ và 7 ngày trong 4 bức tường. Bạn thấy mẹ say mê nói về công việc nấu nướng nhưng đó không phải là đam mê, đó là hi sinh được nhiều lên mỗi ngày bằng tình yêu của mẹ.
Dù thương chồng, yêu con đến mấy mẹ cũng là con người, có hỉ, nộ, ái ố. Nhu cầu của con người là chia sẻ, của những ai tự nguyện thu hẹp quan hệ xã hội để làm việc nơi góc bếp thì nhu cầu ấy càng lớn hơn.
Mẹ sẽ nói với bạn rất nhiều về những điều bà ấy quan tâm: chuyện giá cả ngày một tăng không kiểm soát, chuyện thực phẩm bẩn khắp cả mặt chợ, cằn nhằn chuyện bố lười đi châm cứu để chữa khớp, chuyện bạn luôn bỏ bữa hay chuyện hàng xóm hôm nay xảy ra những chuyện gì. Thế giới của mẹ bây giờ nhỏ bé như vậy đấy! Bà đã tự nguyện khép lại để có thể chu toàn tốt nhất với gia đình nhưng bà thấy cô đơn vì không nhận được sự thông cảm từ con cái. Bạn có nhận ra điều này thật bất công không?
Tôi kể bạn nghe về một câu chuyện, có một chàng trai luôn cảm thấy xấu hổ khi có người mẹ khuyết tật. Anh ta chưa từng nhắc đến mẹ bởi vì bà chỉ có một mắt. Mỗi lần nhìn thấy mẹ mình là anh ta luôn tức giận rằng cuộc sống sẽ tốt hơn nếu bà biến mất. Người con trai không bao giờ nghĩ đến những lời nói đó đã tổn thương mẹ mình như thế nào.
Nhiều năm trôi qua, người con trai kết hôn và có con, đến khi nghe tin bà mẹ đã qua đời, anh ta thậm chí không hề cảm thấy đau xót, tiếc nuối. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi người con trai nhận được một lá thư mà bà mẹ cố gắng viết trước khi từ giã cõi đời. Trong bức thư, bà mẹ vẫn xin lỗi con trai vì đã làm phiền gia đình anh.
Và rồi, bà giải thích cho anh nghe vì sao bà chỉ có một con mắt. Đó là một bí mật bà đã cất giấu từ lâu. Bà kể rằng con trai bé bỏng của bà đã gặp tai nạn khi còn nhỏ khiến cậu bé ấy vĩnh viễn mất đi một bên mắt. Bà đã tình nguyện nhường mắt của mình cho con trai, đó cũng chính là chàng trai đã xua đuổi, luôn cảm thấy xấu hổ về mẹ.
Trong thư người mẹ cũng viết rằng bà luôn tự hào về con trai mình và chưa bao giờ buồn vì bất cứ điều gì anh ta đã làm. Bà tin rằng con trai cũng rất yêu mẹ. Rồi bà kể lại khoảng thời gian khi con trai còn nhỏ, tập đi, hay những lúc không may bị ngã rồi lại chạy loanh quanh bên mẹ. Người mẹ khuyết tật ấy luôn nhớ mong con trai rất nhiều vì anh ta là cả thế giới đối với bà.
Người con trai lúc này mới cảm thấy hối hận, đau đớn và day dứt vì những gì mình đã làm. Anh ta chợt nhận ra mình chưa bao giờ quan tâm tới mẹ. Chưa từng một lần hỏi han sức khỏe của bà. Chưa từng một lần thắc mắc vì sao bà chỉ còn một bên mắt. Cũng chưa từng thương cho nỗi vất vả của bà. Anh lúc nào cũng chỉ than thân trách phận, vì sao mình không sinh ra trong gia đình điều kiện hơn. Vì sao mẹ mình không ưu tú, không làm văn phòng nọ, cơ quan kia, để anh được nở mày nở mặt. Anh đâu có ngờ rằng, vì anh, mẹ đã hy sinh nhiều đến thế.
Sự ích kỷ, hỗn láo, sống chỉ biết bản thân mình và vô tâm trước chính bậc sinh thành của mình đã khiến anh ta phải trả một cái giá quá đắt.
Nếu chúng ta còn mẹ,xin hãy lắng nghe tâm sự của mẹ mình, điều đó ý nghĩa hơn rất nhiều khi bạn chỉ còn biết gửi những yêu thương đến mẹ khi bà đã trên thiên đường!
Tuổi 30 bạn đã làm được gì cho mẹ? Nhớ rằng: Thời gian của mẹ không còn nhiều nữa!
Tôi có một cậu em quen biết rất tuyệt vời, cậu ấy tên là Tường Minh. Minh nói: "Trong các dịp nghỉ lễ khi mọi người đăng ảnh du lịch cùng bạn bè còn vợ chồng em hạnh phúc nắm tay mẹ đi "khắp thế gian", với em thời gian được ở bên mẹ là vô giá"
Minh kể rằng: "Mẹ em cũng tần tảo như bao mẹ quê, cả đời nuôi ăn học lo dựng vợ gả chồng xong cho tất cả thì cũng hết đời người. Nhiều năm trước em rủ mẹ đi du lịch nhưng bị từ chối, mẹ nói để tiền đó lo con cái sau này. Về sau em phải "dùng chiêu" mua tour trước rồi mới nói với mẹ. Vậy là 2 mẹ con có du lịch lần đầu ở Nha Trang. Nhớ lần ấy, mẹ thật đáng yêu với chiếc quần vải, chiếc áo hoa trông rất quê và chân thật, thấy gì mẹ cũng trầm trồ, thích thú, thấy cái gì cũng so sánh với ở quê mình".
Minh kể thêm: "Mẹ em cũng thích chụp ảnh tự sướng lắm. Còn nói lập cho mẹ cái facebook để mẹ đem ảnh lên khoe với mấy bà. Vậy mới biết mẹ cũng có nhu cầu được hưởng thụ, chỉ là dằn lòng mình lại nhường hết cho con cái. Phận làm con nếu vô tâm không tinh ý nhận ra điều này thì thiếu sót biết nhường nào"
Tôi cũng đọc được trên mạng câu nói rất hay:
"Khi bạn đang uống coca giải khát, hãy nghĩ xem bố mẹ thường uống gì.
Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem bố mẹ bạn thường mặc ra sao.
Khi bạn thoải mái tiêu pha, hãy nghĩ đến những thứ đồ bố mẹ bạn hay dùng như thế nào.
Bố mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức? Rơi bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ chúng ta đang dùng đều là do hai bàn tay cha mẹ đem về cho. Xin hãy yêu quý bố mẹ của riêng mình, làm một người con hiếu thuận."
Với mẹ, chúng ta mãi là những đứa trẻ, dù đã chạm mốc 25, 30 hay 40 tuổi. Mẹ xót xa khi chúng ta vất vả bươn chải bên ngoài. Những đứa con rời quê lên thành thị kiếm sống, không ở bên nhưng mẹ đều biết "lề đường, hàng quán – bát cơm chan nước mắt" có lúc bần cùng khổ cực như thế nào. Về ăn cơm mẹ nấu, chúng ta đều rất muốn nhưng là đứa con trưởng thành, chúng ta muốn nói rằng:
"Mẹ ơi, con đã lớn rồi và mẹ cũng đã cả đời vất vả, hay tin tưởng con, con sẽ cố gắng kiếm tiền chăm lo cho mẹ, sống thật mạnh mẽ và "nên người" như mẹ mong!"
Trí Thức Trẻ