MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuổi thọ trung bình của người Việt đang cao hay thấp so với Singapore, Thái Lan, Malaysia?

Tuổi thọ trung bình của người Việt đang cao hay thấp so với Singapore, Thái Lan, Malaysia?

Báo cáo Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2020 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt hầu như không thay đổi so với năm 2019.

Báo cáo Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2020 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, tuổi thọ trung bình từ lúc sinh là một chỉ tiêu tổng hợp để đánh giá xác suất chết của dân số. Theo đó, tuổi thọ trung bình của người Việt hầu như không thay đổi so với năm 2019. 

Cụ thể, tuổi thọ trung bình chung của người Việt là 73,7 tuổi. Trong đó, tuổi thọ trung bình của nam là 71 tuổi và của nữ là 76,4 tuổi.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, báo cáo cho biết, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt cao hơn mức trung bình chung khu vực (70,5 năm), đứng thứ 5/11 nước. Được biết, tuổi thọ trung bình của Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (83 năm), Brunei (77 năm), Thái Lan (75,5 năm) và Malaysia (75 năm). 

"Đây là một trong những thành tựu của Việt Nam trong việc nâng cao đời sống cho người dân", Tổng cục Thống kê nhận định.

Tuổi thọ trung bình của người Việt đang cao hay thấp so với Singapore, Thái Lan, Malaysia? - Ảnh 1.

Tuổi thọ trung bình của Việt Nam giai đoạn 1989-2020. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Báo cáo về xu hướng già hóa dân số của Việt Nam với tiêu đề "Việt Nam: Thích ứng với Xã hội Già hóa" của Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chỉ ra rằng, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam được dự kiến sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Theo kịch bản, mức sinh trung bình dự đoán đến năm 2049, số người cao tuổi sẽ tăng mạnh lên 19,6 triệu người, cao hơn gấp 3 lần so với năm 2014 và sẽ chiếm khoảng 18,1% dân số.

Với tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng, người cao tuổi dự kiến sẽ chiếm từ 10%-20% dân số Việt Nam vào năm 2035. Tỷ lệ phụ thuộc tuổi già của Việt Nam, được tính bằng số người trên 65 tuổi chia cho số người trong độ tuổi lao động, ước tính sẽ tăng gấp đôi từ 0,11 năm 2019 lên 0,22 năm 2039.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng lực lượng lao động dồi dào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 30 năm qua.

"Giờ đây, cùng với quá trình già hóa dân số, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất nền kinh tế cũng như bắt đầu tiến hành cải cách lương hưu ngay từ bây giờ để duy trì sinh kế cho người cao tuổi trong những thập kỷ tới", bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, khi Việt Nam dần chuyển sang cơ cấu dân số già, tốc độ tăng trưởng trong dài hạn giai đoạn 2020–2050 của Việt Nam sẽ chậm lại 0,9 điểm phần trăm so với 15 năm qua. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu của một xã hội già hóa sẽ tiêu tốn thêm từ 1,4% đến 4,6% GDP và tăng chi phí tài khóa.

Trước tình hình đó, báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động và nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả chi tiêu công và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ. Đồng thời, Việt Nam cần thay đổi chính sách phù hợp đối với 4 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xu hướng già hóa. Bao gồm thị trường lao động, lương hưu, y tế và chăm sóc người cao tuổi.

https://cafef.vn/tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-dang-cao-hay-thap-so-voi-singapore-thai-lan-malaysia-20220311144422037.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên