MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tượng đài nghìn tỷ 7 năm xây chưa xong và nghịch lý bội chi ngân sách

Ở Ninh Bình, tượng đài Vua Đinh Tiên Hoàng với tổng vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng xây 7 năm vẫn còn dang dở và đang xuống cấp trầm trọng; trong khi đó ngân sách quốc gia nhiều năm nay thu không đủ bù chi.

Theo quyết định 926/QĐ-UBND năm 2009 của UBND tỉnh Ninh Bình, dự án quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế (phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình) được phê duyệt và có tổng vốn đầu tư là 1.543 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác. Trước đây, dự án do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư nhưng hiện đã bàn giao cho UBND TP Ninh Bình quản lý.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài, lên đến 7 năm, dự án này vẫn trong tình trạng dang dở và do không được bảo dưỡng, tu sửa thường xuyên, nhiều điểm trong công trình đã có dấu hiệu bong tróc, hư hỏng nặng. Trả lời báo chí, đại diện của UBND TP cho biết dự án vẫn đang có một số vấn đề như giải phóng mặt bằng, nguồn vốn... chưa được tháo gỡ. Còn về vấn đề tại sao công trình bị hư hại nghiêm trọng, thì đại diện này lại “đổ tại ông Trời” khi nói rằng nguyên nhân do thời tiết.

Câu chuyện về dự án nghìn tỷ bị bỏ phí với những nguyên nhân và lý do được đưa ra như thế có vẻ như không thoả đáng và nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ người dân, nhất là đặt trong bối cảnh hiện nay, khi mà “túi tiền” nhà nước trong thời gian bị thâm hụt nghiêm trọng, thu không đủ bù chi.

Theo đó, Việt Nam đã thâm hụt ngân sách liên tục trong 15 năm trở lại đây với tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP luôn ở trên mức trên dưới 5%. Mức thâm hụt này thuộc diện cao nhất so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013 – 2015, tỷ lệ này đã hơn 6%.

Năm Thâm hụt NSNN Tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP
2011 112.034 4,4%
2012 154.126 4,75%
2013 236.769 6,6%
2014 249.362 6,33%
2015 256 6,1%

(Nguồn: Tổng hợp từ Bộ Tài chính)

Cũng theo Bộ Tài chính, sau 8 tháng năm nay, tổng chi ngân sách nhà nước đã vượt mực 770.700 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bội chi ngân sách qua đó đã ở mức 121.270 tỷ đồng, bằng khoảng 47,7% dự toán năm.

Được biết, giai đoạn 2016 - 2020, bội chi theo Luật Ngân sách nhà nước 2015 bình quân là 4% GDP và đến năm 2020 còn 3,1% GDP, tuy nhiên, con số phần trăm bình quân 3 năm gần đây là khoảng hơn 6%. Như vậy, để làm được điều này, mỗi năm nợ công sẽ phải giảm 0,2%.

Với tình trạng ngân sách như thế, việc tồn tại dự án tượng đài 1.543 tỷ xây 7 năm chưa xong dường như là một nghịch lý. Mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là phản cảm, chướng ách và lãng phí. Bởi nó đã mất đi ý nghĩa ban đầu của công trình.

Theo bà, tượng đài Đinh Bộ Lĩnh hay những dự án tượng đài khác có thể được xây dựng trong tương lai ở điều kiện hiện nay là sự lãng phí, phản cảm.

Đối với dự án ở Ninh Bình, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết nên huy động nguồn lực xã hội vào để “làm cho xong” chứ không nên chờ nguồn tiền từ Nhà nước nữa. Bà cũng cho biết thêm bản thân đang đề nghị Chính phủ nên rà soát lại tất cả các quy hoạch cũ, cái nào không hợp lý, không đúng, tốn tiền dân thì kiên quyết cắt bỏ. Bởi nhu cầu cuộc sống của người dân là ưu tiên số một, chứ không phải chuyện làm tượng đài hay những công trình vô bổ khác.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên