MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tưởng được sống dư dả với mức lương 103 triệu đồng/tháng, cựu hiệu trưởng hối hận sau 1 năm về hưu sớm: "Ở nhà còn tốn kém hơn đi làm"

14-03-2024 - 11:26 AM | Sống

Tưởng được sống dư dả với mức lương 103 triệu đồng/tháng, cựu hiệu trưởng hối hận sau 1 năm về hưu sớm: "Ở nhà còn tốn kém hơn đi làm"

Cựu hiệu trưởng Trung Quốc đã chỉ ra 2 lý do khiến việc quản lý tài chính vượt khỏi tầm kiểm soát sau 1 năm nghỉ hưu.

*Dưới đây là bài chia sẻ của một tác giả giấu tên được đăng trên trang Money.udn.com (Trung Quốc).

Vào ngày 12 tháng 12 năm 2023, tôi đã phải xóa tài khoản mua sắm của mình trên một loạt trang web thương mại điện tử.

Giày cho dịp tết Nguyên Đán, áo Vest cho buổi tiệc đầu năm,... những món đồ này không biết khi nào tôi mới lại bỏ chúng vào giỏ hàng. Các sàn thương mại điện tử cho tôi cả đống ưu đãi đặc biệt. Ban đầu tôi chỉ muốn tận dụng phiếu miễn phí vận chuyển để mua sắm một số nhu yếu phẩm hàng ngày. Tuy nhiên trước sự ưu đãi của các sàn này, tôi bị cuốn vào vòng xoáy của việc shopping. Thỉnh thoảng khi nhận và khui hàng, tôi phải tự hỏi xem mình đã đặt cái quái quỷ gì thế này, không biết khi nào tôi mới sử dụng đến.

Ngày trước, tôi là hiệu trưởng của một trường học ở huyện. Vì muốn nghỉ hưu sớm nên tôi đã phớt lờ những lời nhắc nhở của mọi người về việc đánh giá tình hình tài chính của mình sau khi nghỉ hưu. Thay vào đó, tôi đã đưa ra một tuyên bố táo bạo: “Tôi chỉ cần lương hưu 30.000 NDT/tháng (khoảng 103 triệu đồng) để sống!"

Khi đó, tôi ước tính dựa trên chi phí hàng ngày của mình và cảm thấy rằng, sau khi trừ các khoản chi phí cố định và một ít chi phí phát sinh, tôi vẫn có đủ tiền để tiêu xài linh tinh từ 10.000 - 20.000 NDT/tháng (hơn 34 -68 triệu đồng/tháng). Với tôi, như vậy là quá đủ, thậm chí còn thừa thãi ấy chứ. Thật không ngờ sau khi nghỉ hưu, số dư thẻ tín dụng hàng tháng của tôi sẽ lên tới hơn 30.000 NDT. Tôi đã đánh giá sai hoàn toàn khả năng tiêu tiền của mình.

Tại sao tôi lại tiêu nhiều tiền hơn sau khi nghỉ hưu so với khi tôi còn đi làm? Ngoài việc lạm phát khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, tôi nghĩ có 2 lý do chính:

1. Có nhiều thời gian để tiêu tiền hơn

Trên thực tế, bận rộn trong công việc có một lợi ích, đó là nó khiến bạn không có thời gian để tiêu tiền. Chẳng trách tôi từng nghĩ mình có thể sống với 30.000 NDT/ tháng. Lúc còn đi làm, tôi chỉ tiêu tiền cho việc đi lại và ăn uống trong tuần, đồng thời cũng sẽ có những khoản phí phát sinh cho việc hội họp, tiệc tùng hay du lịch vào cuối tuần. Đó là tất thảy những lúc tôi phải tiêu tiền.

Sau khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn nên đã lên lịch trình cho một số việc trước đó chưa thể làm. Chẳng hạn như sửa sang nhà cửa, đi du lịch trong và ngoài nước, đăng ký một số khóa học thú vị, mời bạn bè đến nhà ăn tối và trò chuyện...

Tưởng được sống dư thừa với mức lương 103 triệu đồng/tháng, cựu hiệu trưởng hối hận sau 1 năm về hưu sớm:

Ảnh minh họa: Internet

Lần trước, tôi ăn tối với một số người bạn. Chúng tôi nói về vấn đề chi tiêu sau khi nghỉ hưu. Một người than thở rằng vợ họ tiêu rất nhiều tiền thẻ tín dụng trong suốt mùa đông và mùa hè. Mỗi khi một kỳ nghỉ nào đó sắp đến, họ sẽ tính toán xem liệu có đồ gì cần mua sắm. Họ cũng có nhiều thời gian để lướt mạng hoặc đi shopping nên các khoản phí đều tăng lên đột biến vào những thời điểm này. Nghe xong tôi thở dài: “Ôi! nghỉ hưu làm sở thích tiêu tiền ngày xưa của tôi không còn nữa, vì giờ đây ngày nào tôi rất rảnh, có thể tiêu tiền bất cứ lúc nào nên không còn xem đó là thú vui nữa.”

Trước khi nghỉ hưu, tôi nghĩ rằng vì không phải đi làm nữa nên mình sẽ không phải mua nhiều đồ dùng cần thiết cho công việc như quần áo, giày dép, túi... Quả thực là như vậy, 6 tháng đầu sau khi nghỉ hưu, tôi không mua một bộ đồ mới nào để dồn tiền sửa nhà.

Tuy nhiên, mọi thứ đảo ngược 6 tháng sau đó. Trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu tiêu tiền như nước. Rảnh rỗi khiến tôi nhận ra nhà của mình đã mới nhưng có vẻ khá trống trải. Vì vậy, tôi lại chi một núi tiền để sắm sanh mọi thứ từ gối, chăn, bình nước nóng, bình hoa… Thậm chí khi có quá nhiều thời gian, tôi nhận ra mình gầy đi và phải thay đống quần áo cũ.

Điều đáng sợ nhất là khi tôi tìm kiếm hay đang “cân nhắc” một thứ gì đó ở trên Internet thì ngay sau đó hàng loạt nền tảng sẽ lập tức tung ra quảng cáo cho các sản phẩm tương tự. Mỗi lúc như thế, tôi nhận thấy lý trí của mình yếu đi và cứ thế bỏ chúng vào giỏ hàng. Vậy đấy, Internet bây giờ đầy rẫy những cái bẫy tiêu tiền khiến tôi rơi vào.

2. Thái độ xoay chuyển với tiền bạc

Những người về hưu có thể có 2 kiểu mâu thuẫn về tiền bạc: Một là lo sợ tiền sẽ tiêu hết trước khi họ chết; Hai là sợ mình chết trước khi tiêu hết tiền. Vì thế có người sống rất tằn tiện và cũng có người sống rất xa hoa.

Tôi thì đang chênh vênh ở 2 thái cực đó. Năm ngoái, tôi dành dụm được tiền nhưng năm nay lại phung phí chúng cho những thứ dường như vô bổ. Tóm lại, tâm lý của tôi vẫn chưa điều chỉnh tốt và tôi thấy mình không có đủ sự kiên định cho việc quản lý tài chính.

Tưởng được sống dư thừa với mức lương 103 triệu đồng/tháng, cựu hiệu trưởng hối hận sau 1 năm về hưu sớm:

Ảnh minh họa: Internet

Là một người độc thân, không con cái, tôi phải suy nghĩ đến vấn đề về già của mình. Có lúc, tôi thấy lo lắng cho tương lai không xác định này, có lúc, tôi lại cảm thấy “ra đi với con số 0” là một trạng thái rất đáng mơ ước.

"Nghỉ hưu" là một cột mốc quan trọng. Nhiều người phải làm việc chăm chỉ để tích lũy của cải trước khi nghỉ hưu nên họ làm việc rất chăm chỉ và còn chịu khó để tiết kiệm tiền. Tuy nhiên khi nghỉ hưu, tâm lý của họ sẽ bắt đầu thay đổi thành: “Tôi nên tận hưởng thành quả lao động chăm chỉ của mình suốt thời gian qua. Vì vậy, hãy sống hết mình và tiêu tiền mà chẳng cần nghĩ.”

Vậy đấy, nếu bạn không muốn có một cú sốc tiếp theo trong đời, hãy tính toán thật kỹ càng về quyết định nghỉ hưu sớm. Bởi cuộc sống sau đó rất có thể sẽ không theo đúng những gì bạn tính toán đâu. Ở nhà thì thích hơn thật nhưng tốn kém hơn cả khi bạn đi làm đấy.

(Theo Money.udn.com)

Ánh Lê

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên