MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tưởng không liên quan nhưng Luật an toàn dữ liệu của Trung Quốc đang khiến vận tải toàn cầu tắc nghẽn nghiêm trọng

18-11-2021 - 19:25 PM | Thị trường

Tưởng không liên quan nhưng Luật an toàn dữ liệu của Trung Quốc đang khiến vận tải toàn cầu tắc nghẽn nghiêm trọng

Dữ liệu về vận tải ở Trung Quốc của nhiều nhà cung cấp thông tin đột nhiên trở nên trắng trơn. Các tàu hoạt động trong vùng biển Trung Quốc đang dần biến mất khỏi hệ thống theo dõi sau khi nước này ban hành Luật mới về dữ liệu, làm thất bại những nỗ lực của cả thế giới trong việc giảm bớt những "nút thắt" vận tải đang gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu.

Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân của Trung Quốc, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 11, đã bổ sung vào một loạt các quy tắc mới được thiết kế để Chính phủ tăng cường kiểm soát các tổ chức trong và ngoài nước trong hoạt động thu thập và xuất dữ liệu của Trung Quốc.

Mặc dù các quy định của Luật không đề cập cụ thể đến lĩnh vực dữ liệu vận tải, song một số nhà cung cấp trong nước của Trung Quốc đã ngừng cung cấp thông tin cho các công ty nước ngoài để tránh vi phạm các quy định mới.

Đó là những dữ liệu cung cấp thông tin về khối lượng hàng hóa, giúp tối ưu hóa hoạt động hậu cần bằng cách dự đoán tình trạng tắc nghẽn để các công ty có thể đưa ra các quyết định quan trọng về các tuyến đường vận chuyển.

MarineTraffic, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về theo dõi tàu và tình báo hàng hải, nằm trong số các công ty nước ngoài hiện đang gặp phải tình trạng phải để trống các dữ liệu về vị trí vận chuyển quan trọng từ Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn hàng hóa cung cấp ra thế giới, trong đó có một số mặt hàng công nghiệp.

Anastassis Touros, trưởng nhóm mạng AIS (Hệ thống Nhận dạng Tự động) của MarineTraffic, cho biết: "Nếu điều này tiếp diễn sẽ có tác động lớn tới triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi chúng ta bước vào giai đoạn Giáng sinh bận rộn với các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề lớn".

"Đột nhiên, chúng tôi không biết khi nào các tàu rời đi và từ đâu, và chúng tôi cũng không có bức tranh đầy đủ về tình trạng tắc nghẽn cảng mà AIS trước đây vẫn cung cấp cho chúng tôi."

AIS cung cấp các vị trí định vị trên tàu, được sử dụng bởi các tàu thuyền, bến cảng và nhiều tổ chức khác, bao gồm cả các ngân hàng, các thương nhân cũng như để tìm kiếm cứu nạn.

Từ ngày 28/10 đến ngày 15/11, dữ liệu vận chuyển trên tất cả các vùng biển của Trung Quốc ước tính đã giảm 90%, theo thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ định giá và tình báo thị trường VesselsValue.

Người phụ trách mảng phân tích thương mại của VesselsValue, Charlotte Cook cho biết: "Trung Quốc là nhà nhập khẩu than và quặng sắt lớn và là một trong những nhà xuất khẩu container chính trên toàn cầu, do đó việc giảm mạnh cung cấp các dữ liệu về vị trí như hiện tại có thể gây ra những thách thức đáng kể lên cho khả năng hiển thị chuỗi cung ứng đại dương".

Một số nguồn tin khác cho biết dữ liệu AIS trên mặt đất cũng bị giảm tới 45% trong những ngày gần đây.

Một quan chức của Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông thông tin cho hãng Reuters biết các quy tắc AIS được đặt ra bởi trụ sở chính của cục ở Bắc Kinh. Các cuộc gọi đến văn phòng Bắc Kinh của Cục Quản lý An toàn Hàng hải đã không được trả lời.

Người phát ngôn của cơ quan Liên hợp quốc, Tổ chức Hàng hải Quốc tế, tổ chức đã thông qua các quy định AIS toàn cầu, cũng không có bình luận gì khi được liên hệ.

Thông tin AIS được lấy từ các đường truyền liên tục, và mặc dù những thông tin này có thể được đối chiếu bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh, nhưng đối với các khu vực tắc nghẽn nghiêm trọng hoặc những nơi cần cập nhật thường xuyên, dữ liệu trên mặt đất là điều bắt buộc phải có.

Hiện vẫn chưa rõ rõ làm thế nào người dùng AIS có thể theo dõi các hoạt động vận chuyển nếu các bảng dữ liệu tiếp tục có những khoảng trống liên quan đến Trung Quốc.

Việc khả năng theo dõi dữ liệu vận tải bị giảm sút đúng vào thời điểm COVID-19 cho thấy mức độ mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu – cung cấp mọi thứ, từ thực phẩm đến sản phẩm thời trang.

Nhu cầu hàng hóa gia tăng trong bối cảnh thiếu hụt container đã gây gián đoạn hoạt động vận tải trên toàn cầu, tắc nghẽn ở các bến cảng cũng như nhiều tuyến đường thủy, khiến cho dữ liệu AIS càng có vai trò quan trọng trong việc xác định thời gian, lịch trình của các chuyến hàng từ các nhà cung cấp chính ở Trung Quốc.

Trung Quốc đại lục là nơi có sáu trong số mười cảng container lớn nhất thế giới.

Một nhân viên của Elane Inc, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh sở hữu nền tảng dữ liệu AIS với khoảng 2,5 triệu người dùng, nói với phóng viên Reuters rằng "tất cả các giao dịch với các thực thể nước ngoài gần đây đã bị tạm dừng", Mọi sự thay đổi đã bắt đầu từ tháng trước, chúng tôi hiện chỉ cung cấp dữ liệu cho người dùng trong nước", nhân viên giấu tên cho biết, nhân viên này cho biết.

Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (PIPL) của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ 1/11/2021, đặt ra các quy tắc cơ bản về cách dữ liệu được thu thập, sử dụng và lưu trữ. Luật cũng quy định các yêu cầu xử lý dữ liệu đối với các công ty có trụ sở bên ngoài Trung Quốc. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia chuyển thông tin cá nhân ra khỏi đất nước sẽ phải đạt được chứng nhận về bảo vệ dữ liệu từ các tổ chức chuyên nghiệp.

Luật mới nêu rõ: Các công ty chuyển thông tin cá nhân người dùng ra khỏi Trung Quốc trước tiên phải tiến hành "đánh giá tác động bảo vệ thông tin cá nhân". Ngoài ra, khi chuyển giao thông tin cá nhân người dùng ra nước ngoài, các công ty cũng cần phải có sự đồng ý riêng từ các cá nhân liên quan và đáp ứng một trong số các yêu cầu. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo các bên nước ngoài khác tham gia xử lý dữ liệu tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu do PIPL quy định. Luật cũng kêu gọi việc xử lý dữ liệu cá nhân phải rõ ràng, hợp lý và giới hạn ở "phạm vi tối thiểu cần thiết" để đạt được mục tiêu xử lý thông tin của họ.

Các công ty vi phạm các quy định của PIPL có thể bị yêu cầu sửa chữa hoặc cảnh báo. Chính quyền Trung Quốc cũng có thể tịch thu những "nguồn thu nhập bất hợp pháp". Người vi phạm không tuân thủ lệnh khắc phục vi phạm sẽ bị phạt tới 1 triệu nhân dân tệ (150.000 USD), trong khi người chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ có thể bị phạt từ 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD) đến 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD). Đối với các trường hợp "nghiêm trọng", khoản tiền phạt lên tới 50 triệu nhân dân tệ (7,5 triệu USD) hoặc 5% doanh thu hàng năm của công ty trong năm tài chính trước đó. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của công ty có thể bị đình chỉ hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên